Thị trường

Áp đặt, độc quyền sẽ gây tổn hại rất lớn đến lợi ích của người dân

Một số chuyên gia cho rằng, đề xuất dừng bán xăng A95 là áp đặt tạo ra độc quyền giá và chỉ có một nhóm doanh nghiệp được lợi, người tiêu dùng thiệt nặng.

Nhiều ngày qua, dư luận bày tỏ bức xúc và phản ứng khá gay gắt trước đề xuất “khai tử” xăng A95 của một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Theo đó, trên thị trường sẽ chỉ còn bán xăng sinh học E5 RON 92 và E5 RON 95.

Đề xuất "khai tử" xăng RON 95 được cho là đẩy người tiêu dùng vào thế phải dùng xăng sinh học, trong khi đó xăng sinh học nhiều người còn e ngại chất lượng. Ảnh: Vũ Phương.

Điều này có nghĩa người tiêu dùng bị ép dùng xăng sinh học và không có lựa chọn nào thay thế. Lý do mà nhiều người phản đối đề xuất vô lý và mang tính áp đặt trên, bởi thời gian qua xăng E5 RON 92 còn nhiều người nghi ngại về chất lượng.

Không ít người cho rằng, dùng xăng E5 hao xăng hơn so với xăng A95. Trong khi đó, giá xăng A95 có thời điểm cao hơn xăng E5 từ 1.800-2.000 đồng/lít, nhưng nhiều người vẫn lựa chọn A95 vì tin tưởng hơn so với E5.

Khảo sát của phóng viên tại không ít cây xăng trên địa bàn Hà Nội cũng ghi nhận, nhiều người vẫn thích dùng xăng A95 hơn dù giá cao hơn xăng E5. Lý do mà nhiều người đưa ra là dùng xăng A95 ít hao hơn so với E5 và máy chạy ổn định hơn chứ không ì như khi dùng xăng E5.
Đáng chú ý, có ý kiến lại cho rằng dùng xăng A95 để đảm bảo sự an toàn và động cơ vận hành ổn định, tránh gặp phải sự cố ngoài ý muốn.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu năm 2018, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa đạt khoảng 1.429.905 m3, trong đó xăng E5 RON 92 đạt khoảng 593.609 mét khối, chiếm tỉ trọng khoảng 42%.

Phần còn lại là lượng tiêu thụ xăng RON A95 đạt khoảng 836.296 mét khối, chiếm tỉ trọng khoảng 58%.

 

Từ báo cáo trên có thể thấy xăng khoáng A95 vẫn được người dân tin dùng hơn so với xăng E5. Bởi vậy, đề xuất “khai tử” xăng A95 là điều mà dư luận đang đặt nghi ngờ có hay không mục đích của đề xuất trên nhằm có lợi cho một nhóm doanh nghiệp.  

Thậm chí, có ý kiến cho rằng, việc loại bỏ xăng A95 thay bằng xăng sinh học để cứu một số nhà máy sản xuất ethanol của Bộ Công thương làm ăn thua lỗ, đang đắp chiếu.

Nhiều quan điểm đưa ra nên duy trì cả hai loại xăng khoáng và xăng sinh học để người dân có quyền được lựa chọn. Thực tế, nhiều hãng xe lớn tại Việt Nam cũng đưa ra một số khuyến cáo không phải loại xe nào cũng sử dụng được xăng E5. Nhiều xe ô tô hạng sang vẫn phải dùng xăng A95.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho hay: “Chủ trương của Chính phủ là tiến tới sử dụng xăng E5.

Vấn đề người dân còn e ngại xăng E5 là do cách tuyên truyền, cũng như nghi ngại về xăng E5 có thực sự chất lượng hay không thì chưa có câu trả lời một cách thuyết phục”.

 

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, thời điểm này chưa nên loại bỏ ngay xăng A95 mà cần có lộ trình thích hợp. Khi nào xăng E5 thuyết phục được người tiêu dùng thì lúc đó mới nên dừng xăng A95.

Trước lo ngại trên thị trường chỉ có xăng sinh học E5, người tiêu dùng sẽ phải mua xăng theo giá của một số doanh nghiệp độc quyền.
Về việc này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh: “Vấn đề ở đây là phải có kiểm soát, cạnh tranh thế mới đảm bảo nếu không sẽ khó tránh khỏi độc quyền về giá”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải bày tỏ sự khó hiểu và lắc đầu ngao ngán cho rằng: “Đề xuất cấm bán xăng RON95 là rất vô lý và mang nặng tính áp đặt, thậm chí có nhóm lợi ích.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho rằng, đề xuất khai tử xăng RON 95 là vô lý và không chấp nhận được. Ảnh: N.G.

Hãy chứng minh chất lượng E5 để người dân tin dùng thay vì ép buộc người dân phải dùng. Đừng “can thiệp thô bạo” vào thị trường như vậy. Việc lựa chọn dùng xăng nào là quyền của người dân”.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cũng phân tích: “Khái niệm xăng sinh học tại Việt Nam đang bị hiểu sai, hiểu không đúng theo kiến thức về hóa lý. Bản chất của xăng mà mọi người đang gọi là xăng sinh học vẫn là xăng khoáng A92 pha một lượng rất ít khoảng 5% nhiên liệu sinh học ethanol. Như thế đâu thể gọi là xăng sinh học được mà chỉ gọi là xăng pha sinh học.  

 

Loại xăng E5 RON 95 theo đề xuất cũng vậy, bản chất là xăng A95 pha thêm một chút nhiên liệu sinh học.

Chúng ta chưa có đánh giá khoa học thực tiễn việc sử dụng xăng xinh học hạn chế như thế nào, tích cực như thế nào. Đối với các động cơ khác nhau thì như thế nào. Khi còn những câu hỏi hoài nghi về chất lượng xăng sinh học thì cần thiết có thêm một lựa chọn loại xăng khác cho người tiêu dùng”.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải nhấn mạnh: “Người dân còn nghi ngại xăng E5 vì vẫn còn doanh nghiệp làm ăn gian dối. Lúc kiểm tra thì xăng đảm bảo chất lượng, nhưng đến tay người tiêu dùng thì không chưa chắc.

Việc kiểm soát chất lượng xăng pha sinh học như E5 RON92 và tiếp theo nữa là E5 RON95 vẫn còn nhiều vấn đề. Khi đó người dân vẫn nghi ngại và thiếu niềm tin vào xăng E5 là thực tế”.

Trước đề xuất được cho là quá vô lý gây bức xúc dư luận, đại diện Bộ Công thương đã lên tiếng và khẳng định, việc bỏ xăng RON 95 mới là đề xuất của một doanh nghiệp.

 

Bộ Công thương đang tổng hợp ý kiến, xem xét nhiều vấn đề như thuế môi trường với xăng E5 đã hợp lý chưa, thuế tiêu thụ đặc biệt, lượng ethanol có đủ để pha phối trộn không, có đảm bảo tiêu dùng cho cả nước không, có đảm bảo tính cạnh tranh giá thành không? Nếu Bộ Công thương trình lên Chính phủ vấn đề này thì sẽ phải xem xét rất kỹ.

Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính Phủ tháng 4/2018, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến xăng E5. Theo đó, theo lộ trình, từ ngày 01/01/2018, xăng E5 (xăng E5RON92) đã được bán đại trà trên phạm vi toàn quốc.

Trong năm 2017, lượng xăng E5 được tiêu thụ chỉ 8-9%, tuy nhiên, trong những tháng đầu tiên của năm 2018, nhất là 2 tháng đầu năm, theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối về xăng dầu, xăng E5 đã đạt tỉ lệ tiêu thụ trên tổng số lượng tiêu thụ là 42%, xăng RON 95 đạt 58%.

Nên đọc
Theo Giáo dục Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo