Áp giá vé máy bay: Đặt lợi ích người dân lên hàng đầu
Mới đây, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific đề xuất lên Bộ GTVT về vấn đề áp dụng giá sàn và nâng giá trần vé máy bay. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng đồng tình với đề xuất này. Trong khi đó, hãng bay Vietjet, hãng hàng không nổi tiếng với việc bán vé 0 đồng lại phản đối kịch liệt.
Trả lời trước báo chí về đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định, Bộ không bao giờ đặt lợi ích cho 1 hãng hàng không nào. Mà trước hết phải là lợi ích của người dân, quan trọng nhất là đưa ra cơ chế phù hợp đảm bảo tính cạnh tranh, lợi nhuận đi đôi với chất lượng dịch vụ.
“Cơ quan quản lý Nhà nước phải tính đến bài toán kinh tế vừa tăng cường dịch vụ để người dân đi lại nhưng cũng tạo điều kiện cho các hãng hàng không tồn tại và phát triển. Cơ quan quản lý Nhà nước không bảo hộ cho một hãng hàng không”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.
Cũng nói về việc này, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, giá trần và giá sàn vé hàng không là một vấn đề có ảnh hưởng lớn đến vận chuyển hàng không, đặc biệt là người dân với tư cách là hành khách.
“Đây không phải đề xuất của cơ quan quản lý Nhà nước mà là một hãng hàng không. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm trả lời, nghiên cứu đánh giá của hãng hàng không về nâng giá trần và bổ sung giá sàn”, ông Thanh nói.
Trước đó, hãng bay Jetstar Pacific đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét và áp dụng mức giá sàn trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa.
Cụ thể, Jetstar đề xuất lấy chi phí vận hành trực tiếp của chuyến bay để làm căn cứ xây quy định giá sàn. Chi phí này bao gồm những chi phí cơ bản, trực tiếp liên quan đến phục vụ khai thác một chuyến bay và cơ bản giống nhau giữa các hãng cho cùng một loại máy bay (không bao gồm các chi phi gián tiếp như chi phí quản lý, bán hàng…). Với cách tính này, dự kiến giá sàn cho 5 nhóm đường bay giao động từ 29-34% giá trần.
Lý giải cho đề nghị này, Jetstar Pacific cho biết, trong vài năm vừa qua, mức tải cung ứng trên các đường bay nội địa tăng hơn 30%/năm và các hãng hàng không Việt Nam đã phải liên tục giảm giá vé (có khi bán thấp hơn giá thành) và sẽ tiếp tục giảm để thu hút khách.
Theo đánh giá của Jetstar, điều này đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, đến sự phát triển bền vững của các hãng hàng không, của ngành hàng không. Chưa kể, giá vé vận chuyển hàng không có nhiều mức giá thấp hơn mức giá vé đường sắt, đường bộ và có thể đã tạo ra sự phát triển mất cân đối giữa ngành hàng không và các ngành vận tải khác (đường sắt, đường bộ).
Ngoài ra, hiện nay một số yếu tố chi phí đầu vào của các hãng hàng không đã tăng và dự kiến sẽ tăng (giá dịch vụ chuyên ngành hàng không tại các cảng hàng không, giá xăng dầu máy bay, thuế môi trường...) nên sẽ tác động đến hiệu quả hoạt động của các hãng hàng không nếu giá vé máy bay nội địa tiếp tục bị giảm do cạnh tranh về giá vé.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Phát triển các khu thương mại tự do sẽ là bàn đạp thúc đẩy dịch vụ logistics
Giá vàng thế giới ngày 14/11: Giảm phiên thứ 4 liên tiếp do USD tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 14/11/2024: Xu hướng tăng giảm không đồng đều
Sẽ áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi từ ngày 20/11
Tổng giám đốc công ty Văn hoá Tân Bình ALT 'mua chui' hàng trăm ngàn cổ phiếu
Giá ngoại tệ ngày 14/11/2024: USD đạt đỉnh cao nhất trong năm, cán mốc 106,51