Áp lực biến động tỷ giá giảm dần
Không bất ngờ khi FED tăng lãi suất
Vào giữa tháng 3/2018, Fed tăng lãi suất từ 1,5%/năm lên 1,75%/năm, mức cao nhất trong vòng 10 năm. Đây cũng là quyết định lớn đầu tiên của tân Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell. Việc Hội đồng Chính sách của Fed nhất trí tăng lãi suất lên 1,75%/năm trên thực tế đã nằm trong dự đoán chung khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng và thị trường chứng khoán Mỹ duy trì mức điểm ở gần mốc cao kỷ lục.
Cùng với việc tăng lãi suất, Fed nâng mức dự đoán tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay và năm tiếp theo. Hiện tại, kinh tế Mỹ đang trên đà tăng trưởng, dự kiến tăng 2,7% trong năm 2018 và tăng 2,4% trong năm 2019.
Thông cáo của Fed ngày 21/3 cho biết, kỳ vọng kinh tế đã mạnh mẽ hơn trong những tháng gần đây. Fed dự tính sẽ tăng lãi suất tổng cộng 3 lần trong năm 2018. Đây là một phần của chiến lược đã và đang diễn ra nhằm kích thích nền kinh tế trong và sau giai đoạn đại suy thoái. Dù vậy, Ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn để ngỏ khả năng về lần tăng lãi suất thứ tư.
Đương nhiên, theo quy luật thị trường, việc Fed tăng lãi suất mang lại sự hoan hỉ cho những người gửi tiền, nhưng rõ ràng là thông tin không vui với các bên vay nợ.
Nhiều quan chức Fed lạc quan cho rằng, người dân Mỹ nên tin tưởng vào việc tăng trưởng kinh tế Mỹ thậm chí sẽ còn nhanh hơn và tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm thấp hơn trong thời gian tới. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang giảm, dự kiến xuống 3,8% trong năm nay và 3,6% trong năm 2019. Nếu đúng như vậy, đó sẽ là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất ở Mỹ kể từ năm 1969.
Sau công bố tăng lãi suất của Fed giữa tháng 3/2018, nhiều thị trường chứng khoán đã tăng điểm.
Không chỉ giữ nguyên dự tính 3 lần tăng lãi suất trong năm 2018, Fed còn đưa ra thông điệp sẽ có thêm 3 lần tăng lãi suất trong năm 2019.
Kế hoạch sẽ tăng thêm lãi suất USD đã được dự đoán trước và thị trường cũng quen dần với việc tăng lãi suất của Fed nên dự báo sẽ không có nhiều bất ngờ xảy ra và tỷ giá sẽ được kiểm soát ổn định. Thực tế, những lần tăng lãi suất trước đó của Fed cũng không quá bất ngờ với thị trường và thị trường không có nhiều biến động.
Thêm vào đó, dù Fed có thể đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất trong năm nay, thì USD vẫn đối mặt với áp lực giảm giá. Lý do khiến USD có khả năng mất giá thêm trong thời gian tới nằm ở châu Âu và Trung Quốc. Tháng 1/2018, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của USD đã giảm 3%, mức giảm mạnh nhất theo tháng trong vòng 2 năm. Khi nền kinh tế toàn cầu giữ nhịp tăng trưởng khả quan trong thời gian qua và dự báo duy trì nhịp tăng trưởng trong thời gian tới, áp lực mất giá đối với USD sẽ tăng.
Tỷ giá được kiểm soát ổn định
Fed tăng lãi suất là câu chuyện đã được dự báo trước đó, chính sách của cơ quan này về dài hạn cũng thể hiện rất rõ ràng là sẽ tăng tiếp lãi suất USD nên không quá bất ngờ với thị trường ngoại tệ Việt Nam và tỷ giá tiền đồng tiếp tục ổn định.
Tỷ giá ổn định chủ yếu là do nguồn cung thị trường dồi dào, trong năm nay, dự báo dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bền vững và gia tăng.
Sau khi Fed điều chỉnh tăng lãi suất trong tháng 3/2018, tỷ giá tiền đồng vẫn ổn định. Trong khi đó, hiện hầu hết các nước trên thế giới đều phải đối phó với sự biến động của tỷ giá.
Tại nhiều nền kinh tế, Fed tăng lãi suất sẽ có tác động nhất định đến dòng vốn đầu tư nước ngoài. Bởi lẽ, lãi suất USD tăng, đồng tiền của các nước này cũng được điều chỉnh tăng theo, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu tính toán đến chi phí vốn và hiệu quả đầu tư khi chi phí vốn gia tăng, nên tiếp tục ở lại đầu tư hay chuyển vốn đi?
Tuy nhiên, đối với thị trường Việt Nam, tỷ giá trong thời gian qua ổn định và dự báo tiếp tục ổn định trong thời gian tới, nhất là khi lượng trái phiếu nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào không nhiều, đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu mang tính dài hạn. Đặc biệt, với triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam so với các nước khu vực, nhà đầu tư nước ngoài thường nhìn về dài hạn hơn là ngắn hạn.
Tỷ giá đến cuối quý I/2018 tăng khoảng 0,25%. Cụ thể, từ đầu năm đến ngày 29/3, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại tăng khoảng 0,25%, tỷ giá trên thị trường tự do tăng khoảng 0,4% so với đầu năm. Tỷ giá trung tâm cuối tháng 3/2018 là 22.463 VND/USD, tăng 0,21% so với cuối năm 2017. Theo các đánh giá, tỷ giá tiền đồng đang ổn định, tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn cung ngoại tệ dồi dào.
Song việc Fed tăng lãi suất sẽ có tác động đến các doanh nghiệp đang vay vốn bằng USD, đặc biệt là doanh nghiệp vay USD với lãi suất thả nổi. Khi đó, chi phí vốn của doanh nghiệp tăng lên, doanh nghiệp có thể sẽ gặp vấn đề về thanh khoản. Trường hợp này, doanh nghiệp nên đàm phán thay đổi chính sách lãi suất vay USD từ lãi suất thả nỗi sang lãi suất vay cố định.
Lưu ý, tỷ giá thường tăng vào cuối năm (mang tính chu kỳ), khi việc thanh toán cho đối tác nước ngoài tập trung vào giai đoạn này. Doanh nghiệp nên chủ động phòng ngừa rủi ro, chẳng hạn sử dụng nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá thông qua việc mua ngoại tệ theo hợp đồng giao sau. Đây là một dạng bảo hiểm biến động tỷ giá cho doanh nghiệp. Mua tỷ giá trong tương lai nhằm tránh rủi ro và hoạch định được bài toán rủi ro trong kinh doanh.
Với người dân, nếu có nhu cầu cho con đi du học, khám chữa bệnh tại nước ngoài… thì trước mắt nên giữ ngoại tệ. Nhưng nếu không có nhu cầu sử dụng ngoại tệ trong ngắn hạn thì nên đổi ra VND và gửi tiết kiệm. Lãi suất tiết kiệm gần đây phổ biến trong khoảng 6 - 7%/năm, trong khi lãi suất USD là 0%/năm.
Điều đáng lưu tâm ở Việt Nam trong năm 2018 là mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4%, do gặp áp lực từ giá thực phẩm và giá dầu cao. Tuy nhiên, quý I/2018, lạm phát về cơ bản được kiểm soát chặt chẽ. Riêng tháng 3/2018, CPI giảm 0,27% so với tháng 2, tăng 2,66% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 0,97% so với đầu năm.
CPI bình quân ba tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,82%. Lạm phát cơ bản duy trì ổn định, tăng 1,38% so với cùng kỳ, thấp hơn mục tiêu đề ra trong năm là 1,6 - 1,8%. Theo nhiều dự báo, nếu không có yếu tố đột biến và giá điện không tăng, lạm phát năm 2018 vào khoảng 3,5 - 3,8%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo