Quốc tế

Áp lực đè nặng ECB

Một ngày sau cuộc họp khẩn cấp của các Bộ trưởng Tài chính G7 về vấn đề nợ nần tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng nhóm họp tại Brussel với áp lực ngày càng gia tăng khi các yếu tố đẩy khu vực vào một cuộc đại suy thoái đã dần rõ nét.

Trái ngược với những kỳ vọng về một thỏa thuận cứu trợ cụ thể, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng T.Ư nhóm G7 hôm 5/6 chỉ đưa ra một cam kết đã trở nên quá quen thuộc trong gần 3 năm qua là nhất trí hợp tác để ứng phó với khủng hoảng tài chính tại châu Âu hiện nay.

 

Mặc dù thị trường được trấn an bởi thông tin GDP quý I của Eurozone chỉ giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước nhưng việc các ngân hàng Đức bị hãng xếp hạng tín dụng Moody's hạ tín nhiệm cho thấy nền kinh tế hàng đầu châu Âu sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực.

 

Ba ngân hàng khác của Áo cũng chịu chung số phận khi bị Moody's hạ bậc tín nhiệm vì cho rằng các điều kiện bất lợi ở một số thị trường Trung và Đông Âu, cũng như khủng hoảng nợ công sẽ khiển tỷ lệ nợ xấu tại các định chế tài chính này ở mức không an toàn.

 

Giữa lúc các nguy cơ đang dồn dập đe dọa hệ thống tài chính châu Âu, áp lực về nguồn cung tiền tiếp tục đè nặng lên ECB và Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) khi Kho bạc Nhà nước Hy Lạp cho biết sẽ cạn tiền vào đầu tháng 7.

 

Nguyên nhân chủ yếu là do Athens đang phải đối mặt với thâm hụt 1,7 tỷ Euro thuế doanh thu và các nguồn thu tiềm năng khác do doanh nghiệp thua lỗ và các hoạt động trốn thuế ngày càng tinh vi hơn.

 

Trong kịch bản xấu nhất, Athens sẽ phải tạm thời ngừng trả tiền lương và lương hưu; ngừng nhập khẩu nhiên liệu, lương thực và dược phẩm. Hệ lụy từ việc Hy Lạp cạn tiền chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình xã hội vốn đã trở nên rối ren sau thất bại thành lập Chính phủ hồi tháng 5 vừa qua, đồng thời càng đẩy Athens đến lựa chọn cuối cùng và duy nhất là rời khỏi Eurozone.

 

Trong khi tình trạng nợ nần ngày càng trở nên cấp bách, châu Âu phải đối mặt với một vấn đề khác là nạn tham nhũng tràn lan đã làm xói mòn sự ổn định kinh tế. Theo báo cáo dài 60 trang vừa được Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố ngày 6/6, mỗi năm các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tổn thất tới 120 tỷ Euro vì tham nhũng.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, con số thực tế sẽ lớn hơn nhiều do các lỗ hổng trong luật pháp của nhiều nước thành viên đã tạo điều kiện để các chính trị gia sử dụng trái phép nguồn quỹ của các chiến dịch vận động tranh cử, vận động hành lang...

 

Đặc biệt, TI nhấn mạnh: Tham nhũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính và thâm hụt ngân sách tại Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italia - những nước đang đứng trước nguy cơ phá sản quốc gia vì nợ nần.

 

 

Theo KTĐT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo