Thị trường

APEC 2017: Cấp thiết kết nối mạng lưới thông tin tín dụng xuyên biên giới

Đây là khẳng định của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tại Hội thảo quốc tế về trao đổi thông tin tín dụng xuyên quốc tế - APEC 2017 diễn ra sáng nay 16/5 tại Ninh Bình.

Sáng nay 16/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo bên lề Hội nghị các quan chức cao cấp tài chính APEC (SFOM) trong khuôn khổ APEC 2017 tại Việt Nam, với chủ đề “Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới”.

Tham dự Hội thảo, về phía lãnh đạo NHNN có bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc NHNN Việt Nam; đại diện lãnh đạo cấp cao các đơn vị trực thuộc NHNN; các cấp quản lý và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thông tin tín dụng đến từ các trung tâm thông tin tín dụng công và công ty thông tin tín dụng tư trong và ngoài nước; các chuyên gia, diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã nhấn mạnh: Việc trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới có vai trò quan trọng và cần thiết trong thúc đẩy chất lượng và hiệu quả hoạt động đầu tư, kinh doanh của tất cả các nền kinh tế thành viên.

Theo bà Hồng, diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là sự kết hợp của 21 nền kinh tế thành viên có mức độ phát triển kinh tế xã hội khác nhau, nắm vai trò là diễn đàn điều phối, gắn kết các nền kinh tế với mục đích chính là tạo cơ hội, động lực tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy hội nhập, tự do hóa thương mại và đầu tư. Chủ đề bao trùm của Năm APEC 2017  là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, đã thể hiện rõ mục tiêu cần hướng tới của các nước thành viên APEC trong giai đoạn tiếp theo.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu.

Ngoài ra, trong năm APEC 2017, Việt Nam chú trọng hướng tới 4 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực, và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các mục tiêu này đều nhận được sự đồng thuận và nhất trí cao của 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, để đảm bảo công bằng, minh bạch trong hợp tác đầu tư, giảm thiểu tối đa những rủi ro do thông tin bất cân xứng mang lại, việc kết nối mạng lưới thông tin giữa các hệ thống thông tin tín dụng của các nền kinh tế thành viên APEC đã ngày càng trở nên cấp thiết.

Quang cảnh hội thảo.

Do vậy, các nền kinh tế thành viên cần chú trọng tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy các hoạt động trao đổi thông tin tín dụng trong phạm vi khối APEC cũng như với các quốc gia khác trên thế giới. Việc trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới sẽ mở ra cơ hội lớn đối với các tổ chức thông tin tín dụng trong việc tăng cường mở rộng hợp tác, học hỏi kinh nghiệm và có thêm nguồn thông tin minh bạch, tin cậy, chính xác, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh và mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng của người dân ở mỗi quốc gia.

"Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nền kinh tế thành viên APEC với các khuôn khổ pháp lý, các chuẩn mực trong hoạt động thông tin tín dụng nói chung và vấn đề chia sẻ thông tin tín dụng xuyên biên giới nói riêng còn chưa được đầy đủ; khuôn khổ pháp luật liên quan về bảo vệ người tiêu dùng, bảo mật dữ liệu cá nhân còn chưa được đồng bộ", bà Hồng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trên thực tế, tại các Diễn đàn, các Hội nghị về báo cáo tín dụng trong những năm gần đây, các chuyên gia về báo cáo tín dụng, các tổ chức thông tin tín dụng quốc tế đang tích cực thảo luận về những vấn đề liên quan đến việc trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới như khuôn khổ pháp luật, bảo mật dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng...Không nằm ngoài xu thế đó, Việt Nam trong những năm gần đây cũng đã có sự quan tâm nhất định đến vấn đề chia sẻ thông tin xuyên biên giới.

 

"Việt Nam đã chủ động, tích cực tham dự nhiều hội thảo khu vực và quốc tế, thể hiện mong muốn được tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin trong lĩnh vực thông tin tín dụng. Điều này cũng phản ánh việc quyết tâm thực hiện các cam kết mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng hơn giữa Việt Nam với các nền kinh tế khác trong khu vực và thế giới", lãnh đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam nhấn mạnh.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo