Quốc tế

Australia lên tiếng việc Mỹ đưa chiến hạm đến đá Chữ Thập

(DNVN)-Hôm 12/5, Australia đã lên tiếng việc Mỹ điều tàu chiến vào vùng 12 hải lý quanh đá Chữ Thập của Việt Nam mà Trung Quốc bồi lấp phi pháp.

Australia đã lên tiếng ủng hộ Mỹ thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, sau khi Washington điều chiến hạm vào vùng 12 hải lý quanh đá Chữ Thập của Việt Nam mà Trung Quốc bồi lấp phi pháp.

Bức ảnh từ một video của Hải quân Mỹ cho thấy các tàu của Trung Quốc đang nạo vét ở vùng biển quanh đá Chữ Thập của Việt Nam (Ảnh Reuters)

Việc Australia ủng hộ Mỹ thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông đưa ra sau khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence đã tới khu vực 12 hải lý quanh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 10/5 vừa qua. 

Australia đã luôn ủng hộ các quyền tự do hàng hải do Mỹ đứng đầu tại Biển Đông - nơi Bắc Kinh tiến hành các hoạt động cải tạo và bồi lấp phi pháp. 

"Theo luật pháp quốc tế, tất cả các quốc gia đều có quyền thực hiện tự do hàng hải và tự do hàng không trên Biển Đông", Ngoại trưởng Australia Julie Bishop phát biểu với đài ABC hôm 12/5. 

"Tôi hiểu rằng, Mỹ chỉ đơn giản đang thực hiện quyền này như họ đã thực hiện và đây là một hoạt động thường xuyên", Ngoại trưởng Julie Bishop nói thêm. 

Trong khi đó, Trung Quốc coi cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence là "mối đe dọa phi pháp với hòa bình". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng, tàu chiến Mỹ đã “xâm nhập trái phép lãnh hải của nước này ở biển Đông”.

 

Sau đó, 2 máy bay chiến đấu và 3 chiến hạm của Trung Quốc đã được lệnh theo sát tàu chiến Mỹ để yêu cầu chiến hạm này rời khỏi khu vực. 

Ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ngang ngược khẳng định việc Mỹ triển khai tàu tuần tra gần bãi Đá Chữ Thập “một lần nữa chứng minh rằng hoạt động xây dựng cơ sở phòng thủ trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Nam Sa (tên Bắc Kinh gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là hoàn toàn hợp lý và cần thiết”.

Trung Quốc đã chiếm đóng phi pháp Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ năm 1988. Năm 2014, Trung Quốc bắt đầu đợt cải tạo quy mô trái phép Đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn nhất Trường Sa, với việc xây dựng đường băng trên Đá Chữ Thập dài hơn 3.000 m. Washington lo ngại Trung Quốc sử dụng công trình này để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền phi pháp.

Tháng trước, Lầu Năm Góc đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tái xác nhận việc Bắc Kinh không có kế hoạch triển khai máy bay quân sự tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sau khi Trung Quốc điều một máy bay quân sự ra Đá Chữ Thập, lấy cớ để sơ tán một công nhân bị ốm.

Nên đọc
NM (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo