Pháp luật

Bà Hứa Thị Phấn có vai trò gì trong đại án Oceanbank?

Bà Hứa Thị Phấn, một trong số hàng trăm người bị triệu tập trong đại án Oceanbank tại phiên xử tới đây xin vắng mặt...

Như tin tức đã đưa, ngày 28/8 tới, TAND TP Hà Nội sẽ tiến hành xét xử sơ thẩm đại án kinh tế - tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Tòa sẽ triệu tập 727 người tham gia gồm người làm chứng, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, theo tin tức trên báo Tiền Phong.

Bên cạnh đó, có khoảng 50 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 51 bị cáo và các đương sự trong vụ án. Riêng Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank có 2 luật sư bảo vệ; Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) có 4 luật sư đăng ký bào chữa.

Trước khi phiên tòa diễn ra, bị cáo Hứa Thị Phấn (sinh năm 1947, trú tại phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ, đã gửi đơn đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xin được xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe già yếu. Bị cáo Phấn có gửi kèm theo giấy xác nhận của bệnh viện.

Bị cáo Nguyễn Viết Hiền, nguyên Giám đốc OceanBank - Phòng giao dịch Âu Cơ, cũng có đơn xin xét xử vắng mặt vì đang mắc bệnh hiểm nghèo, phải nằm điều trị trong bệnh viện. Trong khi đó, bị cáo Vũ Thị Thùy Dương, nguyên Giám đốc khối kế toán và Giao dịch trong nước của OceanBank, cũng có đơn xin xét xử vắng mặt vì vừa mới sinh con.

Bà Sáu Phấn là một trong 4 bị can bị truy tố bổ sung sau khi TAND Hà Nội trả hồ sơ, đề nghị làm rõ vai trò của các cá nhân, tổ chức liên quan đến đại án OceanBank. Theo cáo trạng mới, bà Sáu Phấn bị truy tố tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, với vai trò đồng phạm của cựu chủ tịch HĐQT OceanBank - Hà Văn Thắm, theo tin tức trên báo VnExpress.

Bà Sáu Phấn là người đại diện cho nhóm Phú Mỹ, nhóm cổ đông lớn tại Ngân hàng Đại Tín - TrustBank.

Theo cáo buộc, năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sát nhập các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Muốn thâu tóm một số ngân hàng về OceanBank, ông Hà Văn Thắm gặp bà Phấn đặt vấn đề chuyển giao nhà băng này.

Bà Hứa Thị Phấn. Ảnh: Vietnamnet.

Ngày 23/2/2012, bà Phấn giao cho cháu là Ngô Kim Huệ (thành viên HĐQT, phó tổng giám đốc TrustBank) ký hợp đồng kinh tế với ông Thắm để bán gần 250 triệu cổ phần (gần 85% vốn điều lệ của ngân hàng này) với tổng giá trị ghi trong hợp đồng chỉ gần 4,5 tỷ đồng. Đổi lại, ông Thắm phải kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ, quyền được sở hữu tài sản đảm bảo từ các khoản vay hơn 3.500 tỷ đồng, khoản đầu tư khoảng 920 tỷ đồng cùng một số nghĩa vụ khác của bà Phấn tại TrustBank.

Sau khi cho người vào điều hành, tiếp quản TrustBank, ông Thắm phát hiện có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi cũng như nhiều mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn và các nhóm khách hàng. Lúc đó, ông Thắm đã thỏa thuận, chuyển nhượng lại TrustBank cho ông Phạm Công Danh.

Ngày 9/10/2012, bà Phấn ký lại hợp đồng với ông Danh, chuyển nhượng hơn 250 triệu cổ phần TrustBank với số tiền 4,6 tỷ đồng. Tiếp quản TrustBank, ông Danh đã làm thủ tục đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng.

Để có 500 tỷ đồng thanh khoản cho nhà băng này, ông Danh mượn tài sản của bà Phấn để thế chấp cho OceanBank. Bà Phấn đã cho ông Danh mượn tài sản gồm Quyền phát sinh từ Hợp đồng đồng góp vốn đầu tư và xây dựng tại dự án Khu dân cư phức hợp (đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP HCM) của bà Ngô Kim Huệ, ông Hồ Văn Tân, Hứa Anh Thơ; gần 1,7 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Tập đoàn SSG của bà Ngô Kim Huệ; hơn 860.000 cổ phần tại SSG của bà Phấn cùng hơn 3,3 triệu cổ phần tại công ty này của bà Hứa Thị Bích Hạnh.

Sau đó, các ông Thắm và Danh sử dụng pháp nhân Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ Trung Dung để vay tiền. Đây là công ty do ông Danh thành lập và thuê Trần Văn Bình làm tổng giám đốc, không có vốn cũng như bất cứ hoạt động kinh doanh gì.

 

Ngày 22/11/2012, ông Thắm và Nguyễn Văn Hoàn (phó tổng giám đốc OceanBank) thống nhất cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng. Hôm sau, Bình và Hoàn đã ký hợp đồng tín dụng dài hạn với nội dung OceanBank cho vay 500 tỷ đồng để Công ty Trung Dung bù đắp vốn mua tài sản là quyền sử dụng đất tại sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng). Số tiền này được OceanBank giải ngân cho Trung Dung qua một ngân hàng.

Nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh đã làm thủ tục chuyển khoản và mở 4 số tiết kiệm. Sau đó, Danh chỉ đạo tất toán 4 sổ tiết kiệm để thanh toán cho 5 hợp đồng tín dụng của nhóm bà Hứa Thị Phấn tại Ngân hàng Xây dựng.

Cơ quan điều tra cáo buộc, số tiền 500 tỷ đồng trên không có khả năng thu hồi. Phía OceanBank bị thiệt hại đến thời điểm năm 2014 cả gốc lẫn lãi là hơn 540 tỷ đồng.

Trong đại án OceanBank, hàng loạt cán bộ ngân hàng này vướng lao lý, trong đó có bà Dương. Vi phạm của bà Dương được xác định liên quan đến việc OceanBank chi lãi ngoài. Cáo buộc của cơ quan công tố xác định bà Dương phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền gần 500 triệu đồng thiệt hại của OceanBank.

Cũng với chủ trương chi lãi ngoài cho khách hàng, ông Hiền đã nhận và thực hiện chi hơn 2 tỷ đồng, trong đó gần 2 tỷ vượt trần lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

 

Nên đọc
Công Danh (tổng hợp theo báo Tiền Phong, VnExpress)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo