Quốc tế

Bà Merkel có nguy cơ mất chức vì khủng hoảng nhập cư

Chiếc ghế Thủ tướng Đức của Merkel bị đe dọa khi liên minh cầm quyền đứng trước nguy cơ sụp đổ vì mâu thuẫn trong vấn đề nhập cư.

"Chúng tôi đang trong tình thế nghiêm trọng bởi vấn đề khủng hoảng nhập cư đã biến thành vấn đề quyền lực", nghị sĩ Đức Kai Whittaker hôm qua nói với BBC. "Rất có thể cuối tuần tới tình hình sẽ thay đổi, nhiều khả năng là một thủ tướng mới".

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang duy trì liên minh cầm quyền với sự liên kết giữa đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà với đảng Liên minh Xã hội Kitô giáo (CSU) do Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer đứng đầu. Tuy nhiên, liên minh này đang mâu thuẫn nghiêm trọng về vấn đề nhập cư, đe dọa vị thế của bà Merkel.

Cuộc khủng hoảng nhập cư bắt đầu từ chính sách "mở cửa" do bà Merkel đề ra vào năm 2015 để hỗ trợ người tị nạn Syria. Tuy nhiên, nó đã mở đầu cho làn sóng 1,6 triệu người nhập cư từ châu Phi, châu Á và Trung Đông tràn vào Đức cùng các nước láng giềng thuộc Liên minh châu Âu, tạo ra cuộc khủng hoảng về nhà ở, việc làm, tội phạm và các vấn đề xã hội khác.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer trong cuộc họp báo ở Berlin hồi tháng 10/2017. Ảnh: AFP.

Chính sách mở cửa biên giới của bà Merkel vấp phải sự phản đối của Bộ trưởng Nội vụ Seehofer. Ông này hồi đầu tuần đưa ra kế hoạch yêu cầu lực lượng biên phòng Đức không cho người tị nạn đã đăng ký ở các nước châu Âu khác nhập cảnh vào quốc gia này.  

Tuy nhiên, Merkel phản đối và đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn với các thành viên trong đảng để tìm kiếm ủng hộ. Dù cam kết ủng hộ Thủ tướng Đức, các nghị sĩ đảng CDU cũng yêu cầu bà Merkel phải thay đổi chính sách "mở cửa" với người nhập cư, trong lúc các nghị sĩ CSU tuyên bố ủng hộ lãnh đạo Seehofer.

Rạn nứt giữa liên minh hai đảng đặt Merkel vào tình huống khó xử, khiến bà đối mặt với thách thức quyền lực nghiêm trọng có thể hạn chế khả năng đàm phán với những thành viên khác của EU.

Chiếc ghế Thủ tướng Đức của Merkel cũng bị đe dọa vì mâu thuẫn với Seehofer có thể làm tan vỡ liên minh chính trị khó khăn lắm mới đạt được giữa hai bên, đồng nghĩa với việc Merkel một lần nữa không được đa số nghị sĩ quốc hội ủng hộ và có thể phải tổ chức một cuộc bầu cử quốc gia mới.

Một cuộc thăm dò dư luận công bố hôm thứ năm cho thấy 86% người Đức ủng hộ biện pháp thắt chặt kiểm soát tại biên giới với người nhập cư xin tị nạn. Làn sóng phản đối người nhập cư ở Đức tăng cao sau khi một thanh niên tị nạn 20 tuổi gốc Iraq bị cáo buộc cưỡng hiếp và sát hại thiếu nữ 14 tuổi Susanna Feldman hôm 22/5.

 

Nên đọc
Theo VnExpress
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo