Bà Rịa - Vũng Tàu: Nông dân lao đao vì tiêu rớt giá thảm
Ở khu vực huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu), người nông dân đã gắn bó với nghề trồng tiêu gần 50 năm nay. Nhờ cây tiêu, đời sống người dân thời gian qua được nâng lên đáng kể. Nhiều người xây được nhà lầu, mua được xe cũng nhờ tiêu được mùa, được giá. Tuy vậy, tất cả đã là quá khứ bởi giá tiêu năm nay giảm gần 2/3 so với mọi năm.
"Tôi đầu tư gần 1 tỉ đồng vào gần 3.000 trụ tiêu mấy năm nay. Giờ đến lúc thu hoạch thì bỗng nhiên giá rớt thảm quá. Mọi năm giá trung bình 200.000-300.000 đồng/kg thì còn có lãi chứ bây giờ giá hơn 60.000 đồng/kg thì tôi thua lỗ nặng. Giờ tôi đang phải vay ngân hàng mấy trăm triệu không biết lấy tiền ở đâu để đáo hạn. Tiền bán tiêu giờ chắc chỉ đủ trả tiền phân với trả công cho người làm thôi", anh Ba (ngụ xã Hoà Hiệp, huyện Xuyên Mộc) buồn bã nói.
Theo người dân nơi đây, để trồng và chăm sóc một ha tiêu, mỗi năm người dân phải bỏ ra khoảng 300 triệu đồng. Thế nên, với giá tiêu thấp như hiện nay thì người dân trồng tiêu đều lỗ nặng.
"Trung bình mỗi mẫu (hecta) tiêu khoảng 1.500 trụ, mỗi năm phải bỏ ra khoảng 40 triệu tiền phân bón, 10 triệu tiền thuốc chăm, 40 triệu tiền công chăm. Rồi tiếp đó là tiền mua giống, tiền làm trụ, tiền máy múc, tiền làm giếng nước... Nếu thời tiết đẹp và chăm sóc tốt thì mỗi mẫu sẽ thu hoạch được khoảng 5 tấn tiêu. Tuy vậy, thời tiết mấy năm nay thay đổi thất thường nên chỉ thu hoạch được khoảng 3-4 tấn. Nếu tính như giá hiện nay thì chúng tôi không đủ tiền bỏ ra chăm sóc", anh Phán (ngụ xã Hoà Hiệp, huyện Xuyên Mộc) trao đổi thêm.
Do việc tiêu rớt giá quá nhanh, nhiều hộ nông dân quá buồn chán và đang nghĩ cách để chuyển sang một ngành nghề khác.
"Nếu năm sau mà giá tiêu vẫn giữ ở mức này thì chắc phải chuyển nghề thôi em ạ. Buồn chán lắm. Em thử nghĩ coi, người ta bỏ tiền tỉ ra để đầu tư, ai ngờ bây giờ xuống thấp như vậy thì làm sao mà còn tâm trạng để làm ăn nữa. Làm trầy trật cả năm mà còn thua lỗ thì bỏ đi làm công nhân còn đỡ khổ hơn", anh Ba chia sẻ thêm.
Ghi nhận tại huyện Xuyên Mộc, hàng ngàn hộ dân đang lâm vào tình cảnh "sống dở chết dở" vì tiêu. Khác với không khí mọi năm, năm nay cả huyện đều có một cái Tết không trọn vẹn. Nhiều gia đình vì tiếc rẻ nên giữ hàng chục tấn tiêu ở trong nhà từ trước Tết nhưng đến nay cũng đành phải bán đi lấy tiền trang trải cuộc sống.
"Tôi không ngờ giá tiêu năm nay lại xuống thấp như vậy. Nghĩ mà tiếc quá chú à. Mọi năm đều bán hơn 200.000 đồng/kg, giờ bán hơn 60.000 đồng thì sao mà không xót được. Tôi để mấy tấn tiêu ở nhà từ trước Tết không bán vì nghĩ có thể giá sẽ lên, lúc đó bán cho lời hơn mà càng đợi giá càng xuống. Giờ ngân hàng gửi thông báo đòi tiền, các chủ phân bón cũng đến tận nhà đòi tiền nên phải bán đi lấy tiền trả nợ thôi. Tiếc lắm, người ta nói tiêu là vàng đen mà giờ giá thấp như thế này chắc phải đổi thành đất đen", anh Phán nói.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Ngô Xuân Phùng - Chủ tịch UBND xã Hoà Hiệp, chia sẻ: "Năm nay, do nước ngoài người ta không nhập nhiều nên thương lái thu mua ít. Do vậy mà giá tiêu mới xuống thấp như hiện nay. Chúng tôi cũng đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng huyện để tìm ra hướng đi về tiêu thụ sản phẩm cho người dân nhưng chưa đạt kết quả. Tôi hy vọng người dân vẫn tiếp tục bám đất, bám với cây tiêu vì cây tiêu là chủ đạo trong đời sống nông nghiệp ở địa phương. Tôi nghĩ thời gian sắp tới giá tiêu sẽ lên lại thôi".
Theo Bộ NN&PTNT, nhìn chung trong cả năm 2017, giá hạt tiêu trong nước biến động giảm tới gần 50% so với thời điểm cuối năm 2016. Nguyên nhân do diện tích hồ tiêu trên cả nước vượt quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu trong khi nhu cầu thị trường hạn hẹp. Dự báo, xu hướng giá thấp có thể sẽ còn duy trì trong năm 2018 do sản lượng tiêu ngày càng tăng cao trên toàn cầu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo