Ba Sương, những ngày trong sóng dữ
Cuộc điện thoại của một người quen những ngày cận Tết Canh Dần khiến tôi giật mình “Thấy hình như cô Ba Sương đang bán hàng ở vỉa hè trong TP.HCM”. Liên lạc lại, bà Trần Ngọc Sương (Ba Sương, nguyên Giám đốc Nông trường sông Hậu) xác nhận: “Cô đang được tạm hoãn thi hành án. Tết này làm ít mứt khô ra vỉa hè bán kiếm đồng ra đồng vào tiêu Tết cho mấy sắp nhỏ. Cũng để kiếm chút tiền thuốc chữa bệnh”.
Trong tiếng ồn ào của khói bụi, còi xe huyên náo giữa thành phố đông dân nhất nước, thấy tiếng bà vẫn trong trẻo, dù thi thoảng ho hắt ra, mà thấy lòng nghèn nghẹn.
"Quỹ trái phép" từ đâu ra?
Năm 2009, bà ra tòa, trong vụ án “Lập quỹ trái phép” tại Nông trường sông Hậu, bị cáo buộc phải đền bù hơn 4,3 tỷ đồng, bị cả tòa sơ thẩm và phúc thẩm tại Cần Thơ tuyên phạt 8 năm tù giam. Hiện, bà vẫn đang được tại ngoại với cái tuổi 61 và một mớ bệnh trên người (huyết áp, tiểu đường…), không nhà cửa, đang phải đi thuê trọ.
Người phụ nữ từng có 28 năm gắn bó, xây dựng và lãnh đạo một nông trường được xem là điển hình của nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn thành công nhất (và duy nhất cả nước thành công đến thời điểm này), từng có những năm xuất-nhập khẩu hàng trăm triệu đô la tiền hàng hóa nông sản phẩm; từng chỉ đạo hàng ngàn công nhân nông nghiệp; từng lãnh đạo hơn 16.000 người dân thoát nghèo và làm giàu…, nay đang trở lại điểm xuất phát thuở nào của những người từng là “lính” của bà: mưu toan kiếm từng bữa cơm qua ngày bên hai thúng quà bánh vỉa hè, với hơn 3 triệu đồng tiền lương hưu ở một thành phố đắt đỏ nhất cả nước, và một bản án tù giam 8 năm đang treo lơ lửng.
Có thể xem năm 2009 là cơn sóng dữ lần thứ 4 ập đến cuộc đời bà. Người phụ nữ không chồng, không con, không nhà cửa…, từng vui vẻ trả lời những lời dạm tiếng duyên phận “Tôi đã có 2 người chồng, một ngừoi tên CÔNG và một người tên VIỆC. Chừng đó cũng đã quá đủ mệt rồi”.
Người phụ nữ từng nói với một nhà báo ở miền Tây sông nước “Tôi sẽ trọn đời ôm cục đất sống với nông dân”, nay đã phải rời xa, và rất có thể phải mãi mãi rời xa, mảnh đất mà bà từng hứa “ôm cục đất trọn đời sống” ấy, một mình về chốn thị thành, để mưu sinh những ngày cuối đời trên những vỉa hè con phố đầy bụi khói và tiếng còi xe.
Người phụ nữ năm nay đã 61 tuổi, là “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” từ năm 2000, là “Người phụ nữ ấn tượng Châu Á – Thái Bình Dương” năm 2002, là người từng nhận đủ huân huy chương Lao động Nhất, Nhì, Ba hiếm hoi ấy, nay vẫn đang miệt mài kêu oan lên cấp cao nhất của ngành Tư pháp cả nước: Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, về bản án “Lập quỹ trái phép” mà Tòa án Cần Thơ đang cáo buộc bà.
Ông Hoàng Ngọc Vĩnh (nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế – Ban Kinh tế Trung ương Đảng) giật mình khi được hỏi về vụ án “Lập quỹ trái phép” ở NTSH. Ông nói ông biết cái quỹ đó từ những ngày còn đương chức (ông Vĩnh về nghỉ hưu năm 2008-NV).
Ông cũng biết rằng cái quỹ đó được thành lập trước cả khi quyết định 25-CP của Hội đồng Chính phủ ra đời, cho phép nền kinh tế 3 phần (Nhà nước - tập thể - cá nhân) được Phó Thủ tướng Đỗ Mười ký ban hành, theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.
Theo lời bào chữa tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19/11/2009 của luật sư Nguyễn Đăng Trừng, thì nguyên cố giám đốc NTSH, ông Trần Ngọc Hoằng (Năm Hoằng, cha của bà Ba Sương) đã thực hiện việc lập quỹ được gọi là trái phép này từ năm 1979.
Chỉ vài tháng sau khi cùng 16 chàng trai, cô gái vào vùng đất chua phèn, lung bào ở huyện Cờ Đỏ (tỉnh Hậu Giang cũ, nay là TP. Cần Thơ) khai hoang phục hóa hơn 3.500 ha đất của nông trường Quyết Thắng (về sau là NTSH), ông Hoằng đã cho làm kinh tế thêm, tận dụng đất bờ vùng bờ thửa nuôi trồng các sản phẩm phụ.
Đến khi xuất vốn mua cây bạch đàn về trồng, ông từng nói một câu mà đến nay ông Vĩnh còn nhắc lại “Sẽ cho mỗi cán bộ công nhân viên nông trường 10 lượng vàng từ nguồn thu này” (thời điểm giá vàng những năm 80 thế kỷ trước - NV). Bà Ba Sương cũng xác nhận với chúng tôi điều này.
Trường Trung học phổ thông - kỹ thuật Trần Ngọc Hoằng, ngôi trường mang tên cố Giám đốc là người có công gầy dựng, khai phá mảnh đất sình lầy hoang hóa thành nông trường trù phú hiện nay. Đây cũng là ngôi nhà bê tông đầu tiên được xây dựng tại nông trường Sông Hậu và bằng tiền vốn của nông trường. Ảnh: GVT. |
Bà Trần Ngọc Anh (56 tuổi, khu 3 NTSH), năm 2009, chỉ tay vào gian nhà nay đã được xây cất khang trang, nói rằng những cột chính, vì kèo đang sử dụng trong nhà hiện nay, chính là bộ khung nhà được ông Năm cho ngày trước để dựng nhà, từ chính cây bạch đàn nông trường trồng được.
Nguồn thu từ cây bạch đàn trồng trên đất NTSH, và các sản phẩm bàn ghế xuất khẩu sau này dưới thời giám đốc Trần Ngọc Sương (Ba Sương), cũng là nguồn tiền lớn nhất trong số tiền “Lập quỹ trái phép” mà các cơ quan hành pháp, tư pháp ở Cần Thơ cáo buộc bà cùng các cộng sự trong vụ án gây rúng động dư luận cả trong và ngoài nước tại NTSH năm 2009 vừa qua.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng xác nhận “Đây không phải là quỹ trái phép, mà phải gọi là quỹ đời sống. Tôi có biết quỹ này” trong thời gian bà Bình thay mặt Văn phòng Chủ tịch nước đi kiểm tra, xem xét việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho tập thể và cá nhân ở NTSH.
Đây có thể nói là nông trường hiếm hoi trong cả nước 2 lần tập thể được phong tặng Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới, cả cha và con cùng vinh dự được nhận danh hiệu cao quý này của Nhà nước phong tặng cá nhân.
Những cơn sóng dữ trong đời
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Doanh nhân Sài gòn cuối tuần, bà Ba Sương thừa nhận, lần gặp sóng dữ đầu tiên của cuộc đời bà là năm 1993, khi hàng ngàn hộ dân tập trung khiếu kiện đòi đất nông trường.
Ông Huỳnh Ngọc Ba (Đại tá quân đội, nguyên Phó Chánh văn phòng Bộ tư lệnh Quân khu 9, nguyên Phó phòng điều tra hình sự BTL QK 9) lúc bấy giờ trực ban tác chiến quân khu cho hay, mấy km quốc lộ 91 gần như tê liệt nhiều ngày liền vì dân tập trung phong tỏa nông trường đòi đất theo bằng chứng khoán chế độ cũ cấp cho họ.
Quân khu 9 đã phải can thiệp giải tỏa trong một đêm, sau khi sàng lọc đối tượng. Nhiều kẻ cầm đầu đã phải ra tòa sau vụ việc đó.
16 tỷ đồng, đó là số tiền NTSH đã phải đứng ra vay ngân hàng, thay mặt cho địa phương, chi trả tiền đền bù đất cho những hộ có văn bằng chứng khoán đất chế độ cũ cấp, theo chủ trương của tỉnh Hậu Giang lúc bấy giờ. Số tiền đó phải chịu lãi suất theo quy định.
Nhiều năm sau, khi Bộ Tài chính mới quyết định chi trả lại số tiền 16 tỷ này cho NTSH, theo đề nghị của địa phương, thì số tiền đó đã lên tới 54 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi.
Mấy chục tỷ tiền lãi đó, nông trường phải gồng mình gánh chịu… Lý do, luật tín dụng lúc bấy giờ không cho phép doanh nghiệp Nhà nước mua đất nông nghiệp nên phải đành phải chấp nhận vay theo lãi suất thương mại.
Cuộc lao đao đó của NTSH kéo dài ảnh hưởng cho tới năm 2003, khi Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Cần Thơ đệ trình kế hoạch “khoanh nợ”, chuyển từ vốn vay ngắn hạn sang dài hạn giúp cho nông trường.
Ông Lê Phước Thọ (Sáu Hậu), nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương nói với phóng viên rằng ông chỉ tin Ba Sương "có lỗi, chứ khó có thể có tội" vào tháng 11/2009. Ảnh: GVT. |
Và cơn sóng dữ thứ 3 ập đến NTSH là vào thời điểm khoản nợ trên 200 tỷ đồng kéo dài, xuất phát cũng từ việc vay vốn ngắn hạn tập trung vào đầu tư dài hạn (hệ thống hạ tầng nông nghiệp và hạ tầng giao thông, xã hội).
Với một doanh nghiệp với doanh số hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, đó không phải là dư nợ quá lớn. Nhưng như bà Ba Sương nói, việc đầu tư trong nông nghiệp thu lãi rất ít, và là thu lâu dài, thì việc trả các khoản “lãi chồng lên lãi” cũng khiến nông trường nghiêng ngả.
Ông Lê Văn Thơ (Sáu Thơ, Giám đốc chi nhánh ngân hàng NN&PTNT, chủ nợ lớn nhất của NTSH) vào tháng 11/2009 vẫn khẳng định “tôi ở trong ruột tôi biết. Tội của bà Ba Sương là “tội hào phóng” quá, “rộng rãi” quá. Chứ bà Sương làm không tốt, làm sao tôi thu được nợ. Dự kiến của tôi là sau 10 năm sẽ thu hết nợ, nông trường sống. Nếu nhìn như thanh tra, công an thì con số trên sổ sách có thể thành tội hình sự hết. Còn nhìn dưới góc kinh doanh thì anh sẽ thấy cân đối dễ lắm. Hạ tầng ngon rồi, chỉ còn tổ chức sản xuất cho tốt thì nông trường cứ thế đi lên”.
Bà Sương cũng xác nhận, thuở bà còn đương chức, hằng năm nông trường luôn dập dìu đón khác tới thăm. Mỗi dịp lễ tết, thì các ban ngành trong tỉnh cũng luôn ghé lại. Tuy nhiên, bà nói rằng bà chả phải “hào phóng” hay “rộng rãi” gì quá mà thành “tội” như ông Sáu Thơ nói. Những đoàn khách tới thăm, khi về nông trường cũng chỉ có chút cây nhà lá vườn làm quà, bởi “làm nông nghiệp lãi rất ít và rất lâu mới có lãi”.
Ông Thơ còn cho hay, khi bắt đầu thanh tra nông trường từ năm 2006, ông được mời vào làm thành viên, nhưng ông phản đối vì “không có gì phải thanh tra hết. Và tôi cũng không có chức năng đó”. Ngoài ra, từ năm 2003, ông đã đưa nhân viên ngân hàng vào nông trường “cắm chốt” giám sát nguồn vốn, và khẳng định tình hình tài chính đã bắt đầu khỏe mạnh trở lại.
Ba lần trước, NTSH đều vượt qua. Nhưng dường như “thuận bất quá tam”, đến cơn sóng dữ 2009, sau nhiều năm thanh tra, rồi tới điều tra, rốt cuộc thì AHLĐ Trần Ngọc Sương phải ra trước vành móng ngựa với bản án 8 năm tù giam mà bà đến tháng 11/2009 vẫn sửng sốt không hiểu vì sao bản thân chi tiêu tới số tiền nhiều như vậy?
Bà Ba Sương cho hay, trong khi đi công tác vẫn phải “ăn mắm mút giòi”, tiết kiệm từng đồng chi phí tiền khách sạn, quà cáp. Bản thân không hề có tên trong ban chấp hành công đoàn…
Ông Lê Phước Thọ (Sáu Hậu, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng) khi trả lời TS về NTSH và cá nhân bà Trần Ngọc Sương, đã nói rằng “không phải Ba Sương làm gì cũng đúng hết đâu”.
Nhưng khi được hỏi “Vậy cá nhân ông, là người đã biết cha con ông Năm Hoằng hàng chục năm nay, có cho rằng bà Ba Sương có tội không?’, ông khẳng định dứt khoát “Tôi tin Ba Sương có lỗi, nhưng khó có thể có tội”.
(còn nữa)
End of content
Không có tin nào tiếp theo