Bà Yingluck đối mặt lệnh cấm hoạt động chính trị 5 năm
Sự kiện này được coi sẽ là phép thử cho sự yên bình mỏng manh trong mấy tháng qua tại nước này.
Một “bản án” về tội tắc trách trong chương trình trợ giá gạo cho nông dân mà NLA dành cho bà Yingluck sẽ khiến bà bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm. Giới quan sát quan ngại kết quả cuộc bỏ phiếu dù có ra sao cũng sẽ gây thêm chia rẽ trong xã hội.
Bà Yingluck lên tiếng
Nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan sáng nay cũng đã xuất hiện tại NLA để đọc tuyên bố của mình. Bài phát biểu kéo dài 1 tiếng đồng hồ của bà nhằm bảo vệ chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi và phản bác mọi cáo buộc đối với bà.
“Cấm tôi hoạt động chính trị trong 5 năm là vi phạm các quyền cơ bản của tôi. Vụ này là nhằm riêng vào tôi với những ý đồ bí mật và mang động cơ chính trị”, bà Yingluck phát biểu tại NLA.
Bà lập luận rằng chương trình trợ giá gạo, trong đó mua gạo của nông dân cao hơn giá thị trường, là có lợi cho nền kinh tế. “Điều đó giúp những người thu nhập thấp kiếm thêm. Nông dân là rường cột của đất nước”, bà giải bày.
Những người phản đối chính sách dân túy của bà nói chương trình trợ giá gạo đắt đỏ, tốn kém, hoang phí và là biểu tượng của chính sách dân túy nhằm mua lá phiếu của người dân ở nông thôn.
Ngược lại, những người ủng hộ bà Yingluck nói những cáo buộc chống lại cựu thủ tướng là một chiến dịch lớn của chính quyền quân nhân để hạn chế sự ảnh hưởng của gia tộc Shinawatra.
Bác sĩ Weng Tojirakarn, một cựu lãnh đạo áo đỏ, nói những người ủng hộ bà Yingluck sẽ tổ chức các cuộc biểu tình tượng trưng nếu bà bị cấm hoạt động chính trị.
An ninh quanh trụ sở quốc hội Thái Lan được thắt chặt với khoảng 100 cảnh sát và binh sĩ quân đội. Không có cuộc biểu tình nào xuất hiện trong sáng nay.
Theo Reuters, chính quyền quân đội đang kêu gọi những người ủng hộ bà Yingluck tránh xa Bangkok tuần này do lo ngại biểu tình tái phát. Thái Lan vẫn đang trong tình trạng thiết quân luật và tụ tập nơi công cộng bị cấm.
Gây thêm chia rẽ
Trong khi đó, Phó chủ tịch NLA Peerasak Porchit nói việc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày mai có thể một lần nữa gây chia rẽ đất nước.
“Dù kết quả có ra sao thì sẽ có người đồng ý và không đồng ý. Điều đó sẽ không làm vừa lòng tất cả”, ông nói.
Trước đó, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nói ông không ra lệnh cho 220 thành viên NLA phải bỏ phiếu chống lại bà Yingluck. Reuters cho biết hơn 100 thành viên NLA là cựu quân nhân hoặc đang tại ngũ.
Báo The Nation dẫn lời các nhà phân tích chính trị nói cơ hội để bà Yingluck thoát nạn là rất mỏng manh.
Trong trường hợp bà Yingluck thoát bất tín nhiệm, giới quan sát lo ngại sẽ có phản ứng từ tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở Thái Lan.
Hồi tháng 5-2014, quân đội đã tiến hành đảo chính sau khi các cuộc biểu tình của tầng lớp trung lưu kéo dài nhiều tháng ở Bangkok.
Việc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày mai là sự kiện mới nhất trong 10 năm bất ổn chính trị tại Thái Lan.
Chuyên gia Paul Chambers thuộc Viện quan hệ Đông Nam Á liên kết với trường đại học Chiang Mai nhận định dù kết quả có ra sao thì chính quyền quân nhân vẫn vấp phải sự phản đối từ những người ủng hộ và chống đối ông Thaksin.
End of content
Không có tin nào tiếp theo