Quốc tế

Bắc Kinh phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ với Triều Tiên

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chính thức lên tiếng phản đối các nhà chức trách Mỹ sau khi Washington áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc bị cáo buộc thực hiện các hoạt động bất hợp pháp với Triều Tiên.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, “Trung Quốc phản đối mạnh mẽ…việc Mỹ dựa vào luật pháp nước mình để áp đặt các biện pháp đơn phương đối với các thực thể, cá nhân của Trung Quốc”. Trung Quốc yêu cầu cần dừng ngay lập tức những hành động sai lầm để tránh gây tổn hại cho hợp tác song phương trong những lĩnh vực có liên quan đến Triều Tiên.Những phát ngôn trên được đưa ra sau khi Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders tuyên bố, Mỹ sẽ tiếp tục chiến dịch gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên để buộc Triều Tiên ngừng chương trình vũ khí hạt nhân.Bất chấp bầu không khí hòa giải đang gia tăng giữa 2 miền. Bà Sanders nói rõ, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Triều Tiên là “mạnh mẽ nhất” và Mỹ sẽ tiếp tục hình thức này.

Trước đó, vào ngày 23/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp đặt những biện pháp trừng phạt mới được cho là “lớn nhất từ trước tới nay” nhằm cô lập Bình Nhưỡng hơn nữa. Đồng thời bày tỏ hy vọng các biện pháp này sẽ mang lại kết quả tích cực. Thông báo này đưa ra chỉ vài giờ sau khi bà Ivanka, con gái Tổng thống Trump đặt chân lên Hàn Quốc để tham dự lễ bế mạc Thế vận hội mùa đông 2018.

Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ trước lệnh trừng phạt đơn phương mà Mỹ áp đặt với Triều Tiên. Ảnh: Internet.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ nhắm vào hơn 50 công ty thương mại và vận tải đường biển bị tình nghi giúp Triều Tiên lách các lệnh trừng phạt vì vấn đề hạt nhân, tên lửa đạn đạo. Danh sách này gồm 1 cá nhân, 27 công ty và 28 tàu thuyền có đăng ký hoặc đóng trụ sở tại những nước như Triều Tiên, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Panama, Tanzania, quần đảo Marshall và Comoros. Tài sản và lợi ích của các công ty này cũng bị phong tỏa trên lãnh thổ Mỹ hoặc trong quyền kiểm soát quốc gia Mỹ. Mọi hoạt động giao dịch giữa các bên cũng bị phong tỏa.

Phản ứng của Bắc Kinh không khiến các nhà phân tích ngạc nhiên. Bởi vốn dĩ Trung Quốc là quốc gia chiếm đến hơn 90% thương mại đồng thời là nguồn hỗ trợ kinh tế chính với Triều Tiên. Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn quan điểm việc trừng phạt Triều Tiên chỉ có thể được quyết định trong khuôn khổ đa phương của Liên Hợp Quốc chứ không phải là đơn phương từ một nước thứ ba theo luật của mình.

Về phần Liên Hợp Quốc, trong năm 2017 đã thông qua 3 lệnh trừng phạt kinh tế với chính quyền Bình Nhưỡng nhất là với các ngành dầu, sắt, than đá, đánh cá và dệt may. Những lệnh trừng phạt này nhằm buộc Triều Tiên phải tiếp tục tham gia thảo luận các hoạt động hạt nhân, tên lửa đạn đạo của mình.

Nên đọc
Theo Báo Nghệ An
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo