Bắc Ninh: Hàng trăm giáo viên bị đẩy ra đường
Chỉ gần 1 tháng nữa là kết thúc năm học nhưng hơn 300 giáo viên có thâm niên tại các trường tiểu học và THCS tại huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) đã bị cắt hợp đồng giảng dạy để thay thế người mới.
Kinh nghiệm thua bằng đẹp
Ngày 6/9/2013, UBND huyện Yên Phong có văn bản xét tuyển 612 viên chức ngành GD-ĐT. Sở dĩ có tình trạng này là do 10 năm qua, huyện Yên Phong không có đợt thi hay xét tuyển viên chức ngành giáo dục lần nào dẫn đến số lượng chỉ tiêu rất lớn.
Theo đó, huyện Yên Phong chỉ ưu tiên tuyển thẳng những trường hợp là con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng hay tuyển thẳng theo chính sách thu hút nhân tài của tỉnh là thạc sĩ, tiến sĩ, sinh viên tốt nghiệp ĐH loại giỏi trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh.
Đến đầu tháng 1/2013, UBND huyện Yên Phong công bố danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển. Một số môn số đối tượng ưu tiên tuyển thẳng đã đủ hoặc vượt chỉ tiêu tuyển sinh như môn sử (chỉ tiêu 10 nhưng có 16 hồ sơ xét tuyển thẳng) hoặc môn sinh. Nhiều môn khác còn rất ít chỉ tiêu tuyển do số đối tượng được ưu tiên tuyển thẳng đã gần hết như địa lý, hóa học, tiếng anh, vật lý….. Cửa cho các giáo viên hợp đồng ngày càng thu hẹp.
“Chúng tôi, nhiều người có hơn 11 năm công tác tại các trường. Không ít thầy cô 5-6 năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, có học sinh giỏi các kỳ thi đều không được xét ưu tiên cộng điểm. Trong khi những người có bằng thạc sĩ, bằng ĐH loại giỏi (nhiều người chỉ có thêm chứng chỉ sư phạm học trong 1,5 tháng) lại thắng tuyệt đối” – cô K.T.D có gần 10 năm công tác tại Trường THCS Dũng Liệt tuyệt vọng.
Ngày 25/9/2013 UBND huyện Yên Phong ra thông báo số 564/VC- UBND về các đối tượng hợp đồng theo đó mọi hợp đồng (bao gồm cả hợp đồng dài hạn của tỉnh, của huyện) tại các trường trong toàn huyện trước đây đều không còn giá trị nếu không đỗ đợt tuyển viên chức này.
Từ 26/11 đến 12/12/2013, huyện Yên Phong tổ chức xét hồ sơ và thi phỏng vấn các ứng viên. Thí sinh bắt thăm để trả lời 1 trong 4 nội dung câu hỏi. Trong đó, chỉ có 1 nội dung liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ còn lại hỏi về chính sách, luật giáo dục.
Tháng 1/2014, huyện Yên Phong thông báo kết quả của đợt xét tuyển viên chức. Theo đó, sẽ có gần 300 giáo viên chính thức “rớt đài” do điểm phỏng vấn thấp hơn hẳn so với các ứng viên trẻ tuổi. Đơn cử, Trường THCS Dũng Liệt có 22 GV hợp đồng/33 GV toàn trường nhưng chỉ 2 người đỗ, THCS Văn Môn có 22 GV hợp đồng/45 GV toàn trường nhưng chỉ 4 người đỗ. Trường THCS Thụy Hòa có tới 16/32 giáo viên nằm trong diện hợp đồng, với kết quả xét tuyển vừa rồi, chỉ có 2 giáo viên đủ điểm, còn 14 người chuẩn bị... tìm việc khác.
Ngày 25/04/2014 rồi 29/04/2014 phòng Nội vụ huyện Yên Phong tiếp tục gửi công văn hướng dẫn ký hợp đồng làm việc với viên chức trúng tuyển và chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động hợp đồng không trúng tuyển.
Trước dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, thời điểm kết thúc năm học chỉ còn gần 1 tháng khi bài vở và sổ sách ở trường còn ngổn ngang nhưng hầu hết các nhà trường đã họp thông báo quyết định, yêu cầu giáo viên bị loại dừng hợp đồng để bàn giao cho người mới được xét tuyển.
Bức xúc trước cách làm này chiều 5/5 nhiều giáo viên này vẫn lên lớp bình thường. Giáo viên mới được tuyển cũng đến lớp nhưng ngồi dưới nghe các cô “cũ” giảng bài.
Muốn “cứu” nhưng không được (?)
Ông Nguyễn Tiến Đức, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Yên Phong cho biết, “có phần hơi bất công cho những giáo viên hợp đồng” nhưng những đề nghị về việc cần ưu tiên cho những người có nhiều kinh nghiệm đứng lớp, nhiều người từng được công nhận giáo viên dạy giỏi các cấp không được cấp trên chấp thuận.
Chiều 5/5, trao đổi với PV, Trưởng phòng Nội vụ huyện Lê Kim Trường bổ sung: “Ngày 25/11/2013, UBND huyện Yên Phong đã có công văn 687 xin ý kiến sở Nội vụ tỉnh về việc xét tuyển đặc cách viên chức”.
Theo đó, lãnh đạo huyện đã đề xuất xét tuyển đặc cách các giáo viên này theo điểm a Khoản 1 Điều 14 NĐ 29/2012/NĐ-CP và Điểm a Khoản 1 Điều 7 Thông tư 15/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ với nội dung: “Người có kinh nghiệm hiện đang công tác trong ngành hoặc lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cần tuyển; có thời gian liên tục từ đủ 36 tháng trở lên thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong thời gian công tác không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng thì được xem xét tuyển dụng đặc cách vào viên chế”.
Đến 6/12/2013, GĐ Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh khi đó là ông Đỗ Văn Thiêm ký công văn trả lời UBND huyện Yên Phong cho biết “Sở Nội vụ không dám phê duyệt việc xét tuyển đặc cách đối với các trường hợp đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Vì nếu tuyển đặc cách còn ưu tiên hơn cả chính sách cộng điểm ưu tiên trong thi, xét tuyển”.
Trả lời câu hỏi tại sao trong 10 năm huyện Yên Phong không hề có đợt thi hay xét tuyển viên chức nào, ông Trường cho biết đây là vấn đề của lịch sử, ông không nắm rõ vì mới lên lãnh đạo được hơn 1 năm nay.
Khi được hỏi các hiệu trưởng có đúng không khi nhiều trường lượng giáo viên hợp đồng nhiều nơi hơn 50% thậm chí có nơi từ 60% đến 80% trong tổng số giáo viên của trường, nhiều người đã ký hợp đồng cả chục năm, ông Trường cho biết“huyện vẫn đang rà soát, thống kê nên chưa thể trả lời đúng sai lúc này.
Ông Trường cũng cho hay ngày 5/5 lãnh đạo UBND huyện Yên Phong sẽ có quyết định thành lập tổ công tác nghiên cứu cụ thể từng trường hợp giáo viên thuộc diện hợp đồng lao động bị chấm dứt hợp đồng để đề xuất hướng giải quyết.
Tuy nhiên “hướng giải quyết” như ông Trường cho biết cơ hội của các giáo viên này chủ yếu là “chờ sau 20 ngày khi có quyết định trúng tuyển, người nào không nhận hoặc bỏ việc” (?)
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo