Môi trường

Bắc Ninh: Người dân Phong Khê “sống dở, chết dở” vì ô nhiễm từ các nhà máy giấy

(DNVN) - Từ hơn 10 năm nay, người dân phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) luôn phải “sống dở, chết dở” vì ô nhiễm từ các nhà máy giấy gây ra.

Mùi khói “lạ”, màu nước khác thường

Phản ánh đến Doanh nghiệp Việt Nam, đã hơn 10 năm nay, người dân phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), luôn phải sống trong tình trạng “sống dở, chết dở” vì ô nhiễm từ các nhà máy giấy “đóng đô” trên địa bàn gây ra.

Một khúc sông Ngũ Huyện Khê biến thành màu đen, bốc mùi khó chịu. Trong khi đó, theo một số hộ dân chăn nuôi phường Phong Khê, những con bò hằng ngày được thả ăn cỏ ven dòng sông ô nhiễm này. Ảnh Đức Tuyển.

Sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã có mặt tại phường Phong Khê. Chưa cần đi sâu vào khu dân cư, cũng như chưa cần đến gần các nhà máy giấy, chúng tôi đã phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc, khó chịu từ con sông Ngũ Huyện Khê đi qua địa bàn. Được biết, sông Ngũ Huyện Khê có chiều dài 24 km. Đây được coi là con sông cung cấp nước tưới tiêu cho các hộ dân thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong, Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh).

Từ lâu, con sông "bẩn" này đã thành nỗi ám ảnh đối với người dân phường Phong Khê. Nỗi đau đớn nhất là họ phải “căm thù, vứt bỏ” đi dòng sông vốn trong xanh, nhiều cá tôm ngày nào, mà đáng lẽ ra, họ không bao giờ phải chịu cảnh này. Nhưng thật trớ trêu, hơn 10 năm nay, một loạt các nhà máy giấy mọc lên đã thải nguồn nước bẩn ra sông, biến một con sông hiền hòa trở nên hung dữ.

Dòng sông Ngũ Huyện Khê đóng váng đen đục. Ảnh Vũ Đoàn

Không những khiến cho dòng nước ô nhiễm, mà ống khói từ các nhà máy giấy gây ra còn tác động xấu đến môi trường. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến khu vực ở gần khu nhà máy giấy, một mùi “lạ” khiến cho những ai không sống ở đây có thể cảm thấy bị choáng váng và không thể nào “tỉnh táo” hơn nếu không nhanh chân ra khỏi khu vực này.

Được biết, các ống khói thường thải ra khí “lạ” vào khoảng cuối giờ chiều trở đi. Đây cũng là lúc người dân phải cố gắng “chống chọi” với không khí bẩn. Nhiều người phải luôn thủ khẩu trang bên mình, và đương nhiên, cứ cuối giờ chiều, họ phải bịt khẩu trang ngay trong chính ngôi nhà mình. Còn các cửa ngôi nhà cũng phải đóng kín bưng.

Không dám ăn thực phẩm sản xuất trên địa bàn

 

Đi sâu vào đời sống người dân mới thấy được nỗi khổ sở mà họ đang phải chịu đựng như thế nào. Họ không những phải sống chung với con sông ô nhiễm, mùi khói “lạ”, mà còn không dám ăn thực phẩm sản xuất trên địa bàn. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi đến một số hộ dân ở cách khu nhà máy giấy không xa.

Trên nét mặt họ là sự buồn bã, bất lực và lo âu. Họ cho biết, sự việc ô nhiễm đã lâu, cũng như đã có kiến nghị, làm đơn gửi đến nhiều cơ quan chức năng, nhưng ô nhiễm vẫn cứ ô nhiễm, không giải quyết được vấn đề gì từ hơn 10 năm qua. Trước tình hình đó, người dân phải tự cứu lấy mình, ít nhất là đảm bảo sức khỏe cho bản thân.

Nguồn nước thải từ một nhà máy theo mương thải ra sông Ngũ Huyện Khê. Ảnh Vũ Đoàn

Về nguồn nước, người dân đã được dùng nước sạch từ hồi cuối năm 2016, tuy nhiên, về không khí, họ chấp nhận phải sống chung. Còn về nguồn nước dùng để chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng lúa, rau màu thì sao? Nhiều hộ dân cho biết, không còn cách nào khác, họ phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm từ sông Ngũ Huyện Khê để phục cho công tác chăn nuôi, trồng trọt. Tuy nhiên, điều lạ là, không phải ai trong số họ cũng dám sử dụng thực phẩm do chính mình làm ra.

Một người dân làm công việc phục vụ thực phẩm chín cho các lễ cưới, lễ hội, chia sẻ: “Gia đình tôi không dám nuôi con gì, cũng như không dám trồng cây gì từ nhiều năm nay khi con sông Ngũ Huyện Khê ô nhiễm trầm trọng. Do công việc là phục vụ thực phẩm chín cho các lễ cưới, lễ hội, nên lúc nào tôi cũng cần một lượng lớn thịt, rau, củ, quả.

Nguồn nước đen được bơm đổ vào ruộng, nổi váng bọt dày màu đỏ hồng. Ảnh Đức Tuyển.

 

Nhưng để đảm bảo sức khỏe cho người dùng, cũng như cho cả gia đình, tôi phải đi xuống tận Tiên Du, cách đây rất xa, để lấy thực phẩm về chế biến”. Để rõ hơn về vấn đề ô nhiễm, phóng viên Doanh Nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Tấn – Chủ tịch phường Phong Khê.

Ông Tấn cho biết, vấn đề ô nhiễm trên dòng sông Ngũ Huyện Khê do các nhà máy giấy gây ra đã có từ nhiều năm nay. Các nhà máy giấy này thuộc cụm công nghiệp chuyên sản xuất giấy, không có ban quản lý. Làm giấy là nghề truyền thống ở Phong Khê. Ông Tấn cho rằng, vấn đề gây ra ô nhiễm là do ý thức chưa tốt của các doanh nghiệp, mức độ đầu tư chưa cao.

Nguồn nước khi đi vào các mương để tưới ra các cánh đồng, nổi váng trắng sữa kỳ lạ!!! Ảnh Vũ Đoàn. 

Vị Chủ tịch phường Phong Khê cũng cho biết, cuối tháng 3/2017 vừa rồi, nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn phường đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, vấn đề ô nhiễm nguồn nước vẫn chưa thấy có sự thuyên chuyển tốt nào. Mọi thứ vẫn y như cũ, nước vẫn đen và bốc mùi khó chịu, đó là chưa nói về mùi “lạ” được xả ra từ ống khói các nhà máy giấy, điều này khiến người dân hoang mang, sống trong sợ hãi, lo cho sức khỏe của mình.

Trước vấn đề ô nhiễm trầm trọng này, đề nghị các cơ quan chức năng trên địa bàn cần sớm vào cuộc có những biện pháp khắc phục sớm nhất, tốt nhất để trả lại sự trong sạch cho môi trường, không khí, cũng như đảm bảo cuộc sống cho người dân.

 

Doanh nghiệp Việt Nám sẽ tiếp tục thông tin.

Nên đọc
Vũ Đoàn – Đức Tuyển
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo