Xã hội

Bác sĩ dỏm vào bệnh viện "ngược" quyết tâm của Bộ trưởng

Câu chuyện phong bì, quá tải... và bác sĩ "dỏm" ngang nhiên vào bệnh viện lừa đảo bệnh nhân... phải chăng đang chứng minh mọi sự quyết tâm của ngành y tế chưa đạt được hiệu quả gì nhiều.

Vũ Quốc Bảo, 31 tuổi, quê ở Yên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. (Ảnh: LĐ)

Bác sĩ "dỏm" vào bệnh viện

Theo lời một kỹ thuật viên khoa Chẩn đoán hình ảnh, tên H. chiều 22/2, khi trực, anh gặp một thanh niên mặc áo blouse trắng, đội mũ xanh, đeo tai nghe nhưng không đeo thẻ trong giờ làm việc theo quy định của bệnh viện Bạch Mai.

Người này đi vào làm việc với bệnh nhân ngay trong buồng bệnh dành cho bệnh nhân chụp mạch vành, nơi người bệnh chờ để làm các thủ thuật chụp chiếu hoặc nằm nghỉ sau chụp chiếu - (khu vực thường có điều dưỡng của các khoa đưa bệnh nhân xuống chụp) khiến anh H nghi ngờ.

Sau vài câu vặn hỏi vài câu, nhân viên này quanh co cho biết là người của khoa da liễu, quên mang thẻ. Thấy có điều bất thường anh H đã báo cho bảo vệ.

Báo Lao Động cho biết, qua đấu tranh, đối tượng này đã thừa nhận hành vi lừa đảo tại bệnh viện.

Bác sĩ "dỏm" có tên Vũ Quốc Bảo, 31 tuổi, quê ở Yên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Bảo cũng nói rằng ống nghe là mua từ 3 năm trước, còn áo blouse là nhặt được ở hành lang BV cũng 3 tháng trước.

Kẻ này còn tự nhận mình là thạc sĩ, lập trang web giới thiệu về BS gia đình... hẹn bệnh nhân để thực hiện hành vi lừa đảo.

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu cũng không phải duy nhất 1 lần, đối tượng này thực hiện hành vi lừa bệnh nhân.

Ngoài nạn nhân là chị Trần Thúy Phương (28 tuổi, ở phố Nguyễn Chính, quận Hoàng Mai) đã mất cho đối tượng 1,7 triệu đồng và 100 nghìn tiền công khám.

Trong điện thoại (ĐT) của Bảo còn nhiều tin nhắn tin với các “khách hàng” hẹn vào BV, như với chủ số ĐT như 09365686xx các nội dung như “Anh vào nhà P, BV Việt Nhật Bạch Mai tôi làm việc. BS Huy”, số ĐT 09822908xx “Chồng bị thì khả năng vợ cũng bị. Bệnh lậu khỏi nếu điều trị BS đúng chuyên khoa. Chị có biểu hiện mãn tính và viêm cổ tử cung. Chị nên điều trị sớm”…

Bệnh viện đã bàn giao đối tượng cho công an phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội tiếp tục xử lý.

Bệnh viện Bạch Mai còn cho biết từ năm 2010-2013, Bệnh viện đã phát hiện và bắt giữ 6 đối tượng khác cùng hành vi lừa đảo nêu trên.

Quá tải, phong bì... sinh lừa đảo?

Mặc dù lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai đã lên tiếng cảnh báo bệnh nhân không nên qua môi giới, mà phải khám trực tiếp tại bệnh viện để tránh bị lừa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng quá tải, phong bì lót tay bác sĩ vẫn công nhiên diễn ra thì chuyện có bác sĩ "dỏm" vào bệnh viện lừa bệnh nhân cũng là dễ hiểu.

Đến nỗi, những hình ảnh như ngủ dưới gầm giường, ngủ trong lồng, lều bạt hay chen chúc, vạ vật chờ đợi ở nhiều bệnh viện Việt Nam đã được đưa ra triển lãm, trưng bày.

Điển hình như tình cảnh ở BV Nhi Ðồng 1 (TP Hồ Chí Minh) - BV chỉ có 700 giường bệnh, nhưng phải điều trị từ 1.500 đến 1.600 bệnh nhi (ngày cao điểm 1.800 bệnh nhi nội trú). Tỷ lệ quá tải bệnh nhi nội trú là 136%. Có những khoa thường xuyên tăng 200%.

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) có tới 25/26 chuyên khoa (trừ khoa Da liễu) luôn trong tình trạng quá tải. Có những chuyên khoa thường quá tải khoảng 200%

Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, năm 1999, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân là 16,9 giường. Tám năm sau, tỷ lệ này tăng không đáng kể, đạt 17,3 giường. Năm 2010 là 20,6 giường và năm 2011 đạt 21 giường/vạn dân. Trong khi trung bình mỗi năm, dân số tại Việt Nam tăng khoảng hơn một triệu người.

Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phong bì bôi trơn, mối lái, quen biết. Ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, tình trạng gian lận, hối lộ trong các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc vẫn thường xuyên diễn ra. Đặc biệt là tình trạng bệnh nhân vào khám bệnh vẫn phải chi tiền bồi dưỡng để được khám nhanh hơn, chi tiền bồi dưỡng trong quá trình thay băng, tiêm.

Chỉ trong 2 tháng đã có 142 cuộc gọi phản ánh tình trạng bác sĩ nhận tiền thù lao thêm, tiên bồi dưỡng (tập trung nhiều nhất tại các khoa sản), yêu cầu thu phí phẫu thuật cao hơn thực tế, một số bệnh viện vẫn tồn tại tình trạng “cò mồi” thu phí ăn chia với bệnh viện làm ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh.

...Và quyết tâm của Bộ trưởng Y tế

Quá tải bệnh viện nảy sinh không ít những hệ lụy khiến người bệnh đã khổ càng khổ hơn, đằng sau đó là những tiêu cực vô hình, những loại “phí dịch vụ” bất hợp lý và mất công bằng. Thậm chí nảy sinh các dịch vụ lừa đảo, móc túi bệnh nhân.

Báo chí từng phản ánh câu chuyện của một bác sĩ S. ở bệnh viện N. sau mỗi lần khám đều đưa namecard ghi địa chỉ phòng mạch tư và kèm theo câu nói: “Có trở bệnh đến chỗ tôi xem kỹ lưỡng, vô bệnh viện phải chờ đợi, khổ thêm”. Tình trạng bác sĩ có phòng mạch tư lôi kéo bệnh nhân đã phổ biến từ lâu nhưng rộ lên trong những năm gần đây, khi bệnh viện quá tải nghiêm trọng.

Chính vì vậy, có trường hợp bệnh nhân thắc mắc: “Sao bác sĩ khám cho em nhanh thế?” liền nhận được câu trả lời: “Muốn lâu, kỹ về phòng mạch chứ còn biết bao bệnh nhân chờ đợi ngoài kia”.

Không ít trường hợp được bác sĩ gợi ý "làm dịch vụ; đưa phong bì" làm cho nhanh. Điều này không lạ khi một khảo sát cho thấy: Cứ 100 bác sĩ thì có tới 90 người nhận phong bì, chuyện nhận phong bì trong ngành y phổ biến tới mức thành thói quen bình thường.

Nhận thức rõ ràng chính tình trạng quá tải, phong bì là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tiêu cực, lừa đảo nên Bộ  trưởng Bộ Y tế nhiều lần quyết tâm đưa ra các giải pháp. Sự quyết tâm của Bộ trưởng được bà yêu cầu lập đường dây nóng để bệnh nhân tố cáo, phản ánh về thái độ, ứng xử, về tiêu cực.

Đặc biệt, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 11/2014, bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân sẽ bị phạt 30 triệu đồng. Người đưa phong bì cũng bị xử phạt. Ngành y tế hy vọng, với mức phạt cao sẽ đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, công tác chấn trỉnh y đức cũng được thực hiện với quyết tâm cao. Bộ Y tế mở hẳn chương trình tập huấn kỹ năng ứng xử cho các cán bộ y tế nhằm giảm tiêu cực trong bệnh viện, giảm phiền hà cho người dân.

Tuy nhiên, sau nhiều ngày triển khai, quyết liệt ra quân thì những câu chuyện quá tải bệnh viện, phong bì cảm ơn vẫn là vấn đề nhức nhối. Trong khi đó, tình trạng "giả danh bác sĩ", cò mồi vẫn song hành phát triển lừa đảo bệnh nhân bất chấp sự quyết tâm của Bộ trưởng.

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo