Quốc tế

Bác sĩ gốc Việt chính thức trở thành cố vấn của Tổng thống Obama

Ông Barack Obama vừa chính thức bổ nhiệm bác sĩ trẻ gốc Việt Nguyễn Thanh Tùng vào Ủy ban Cố vấn cho Tổng thống chuyên trách về người Mỹ gốc châu Á - Thái Bình Dương.

Trước đó, ngày 8/10/2011, Nhà Trắng đã phát đi thông cáo cho biết, Tổng Thống Mỹ đề xuất bổ nhiệm một số người vào các chức vụ trong chính quyền của ông, trong số đó có một bác sĩ gốc Việt.


Thành công đáng nể!



Khi được hỏi về bí quyết của thành công đáng nể này, bác sĩ Tùng cho biết: “Tôi cứ cố gắng, chứ không có gì đặc biệt hết. Thắng cũng tiếp tục mà thua cũng tiếp tục. Bất cứ việc gì tôi cũng cố gắng làm, không mất gì cả. Cứ mỗi lần tôi có cơ hội là làm, nhiều khi được, nhiều khi không, nhưng không lo bị thua và cũng may là gia đình tôi rất chú ý về vấn đề giáo dục cho con em”.



Hiện, bác sĩ Tùng là giáo sư y khoa tại Đại học California - San Francisco (UCSF). Ông phụ trách giảng dạy và chăm sóc y tế cho cộng đồng đa sắc tộc. Ông cũng là Giám đốc Dự án phát triển sức khỏe trong cộng đồng người Việt, đồng thời là điều tra viên chính của Trung tâm Huấn luyện, nghiên cứu và nâng cao nhận thức về ung thư của UCSF. Ở vị trí này, ông chịu trách nhiệm tiến hành các nghiên cứu chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng người Mỹ gốc châu Á.

 

Từng một thời là "anh phụ việc nhà"



Giống như những người Việt xa xứ khác, để có được thành công hôm nay, bác sĩ gốc Việt Nguyễn Thanh Tùng có một tuổi thơ khá cơ cực. Thanh Tùng kể: “Từ hồi 15 tuổi, tôi đã vừa đi học vừa đi làm thêm. Tôi làm việc trong thư viện, đi bỏ sách, đi dọn dẹp việc nhà để đỡ đần gánh nặng tài chính cho gia đình".


Tuy thế, trong suốt thời gian học phổ thông và đại học, Nguyễn Thanh Tùng vẫn luôn đạt thành tích cao và giành học bổng toàn phần. Ra trường, ngoài các chức vụ trải qua, vị bác sĩ trẻ gốc Việt lúc nào cũng thiết tha nguyện vọng được phục vụ và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng người Mỹ gốc Á. Cụ thể, ông tích cực tham gia vào việc nghiên cứu các căn bệnh ung thư ngực, cổ cũng như tác hại của thuốc lá trong cộng đồng. Năm 2002, ông được trao Giải thưởng Phát triển sự kiểm soát ung thư trong xã hội.



Dù thành danh trên đất Mỹ, nhưng khi chia sẻ về nguồn cội, bác sĩ Tùng cho biết, ông mong được tham gia vào các cuộc nghiên cứu về sức khỏe của người Việt trong nước và các chương trình y tế ở Việt Nam khi điều kiện cho phép.

 

Theo ĐV

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo