Xã hội

Bác sĩ Hoàng Công Lương tại ngoại tránh được "thảm hoạ" kép

Theo ý kiến của nhiều bác sĩ, việc bác sĩ Hoàng Cương Lương được tại ngoại là niềm vui cho các bác sĩ cả nước...

Như tin tức đã đưa, ngày 5/7, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an Hòa Bình, ra quyết định tại ngoại cho bác sĩ Hoàng Công Lương, người bị khởi tố, tạm giam ngày 22/8 vì liên quan đến vụ tai biến chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình khiến 8 bệnh nhân tử vong, theo tin tức trên báo VnExpress.

Trước đó sáng 29/5, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình có dấu hiệu bất thường. 8 người lần lượt tử vong; 10 người được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong đêm, hiện đã hồi phục.

Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân tử vong là nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo; tồn dư hóa chất trong nước chạy thận cao gấp hơn 200 lần quy định; các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình.

Cơ quan điều tra đã khởi tố, tạm giam các ông Bùi Mạnh Quốc (31 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh, tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp; Trần Văn Sơn (27 tuổi), cán bộ phòng Vật tư - trang thiết bị y tế Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; và bác sĩ Hoàng Công Lương (31 tuổi), Khoa Hồi sức tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, tội Vi phạm quy định về chữa bệnh.

Bác sĩ Hoàng Công Lương. Ảnh: Infonet.

Theo kết luận ban đầu của cơ quan điều tra, bác sĩ Hoàng Công Lương trực tiếp ký đề xuất sửa chữa, biết việc sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO. Tuy nhiên, khi chưa nhận được bàn giao việc sửa chữa bằng văn bản và chưa biết nguồn nước RO số 2 có đạt tiêu chuẩn hay không, bác sĩ vẫn chạy thận cho bệnh nhân.

Ngày 29/6, Tổng hội Y học Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị Công an tỉnh Hòa Bình và Viện KSND cùng cấp cho phép bác sĩ Hoàng Công Lương được tại ngoại.

Sau khi biết thông bác sĩ Hoàng Công Lương được tại ngoại, trên trang facebook của các bác sĩ đều tràn ngập tin vui thông báo việc bác sĩ đồng nghiệp được tại ngoại, theo tin tức trên báo Infonet.

Không giấu được niềm vui, TS Võ Xuân Sơn là người lên tiếng mạnh mẽ về việc phải cho bác sĩ Lương tại ngoại đã vui mừng thông báo với đồng nghiệp của ông về việc bác sĩ Lương đã được tại ngoại.

Bác sĩ Phạm Trung Nghĩa – Bệnh viện Hồng Đức – TP. HCM cũng có chung tâm trạng cùng các đồng nghiệp khi nghe tin bác sĩ Lương được tại ngoại. Anh Nghĩa tâm sự, từ sau khi nghe tin bác sĩ Lương bị tạm giam anh cảm thấy xót xa vô cùng vì ngành y vốn vất vả giờ lại phải vướng vào vòng lao lý vì tai biến y khoa mình không thể kiểm soát nổi.

 

Hơn 1 tuần liền, các bác sĩ chờ mong hồi âm từ cơ quan chức năng đến hôm nay (5/7) thì bác sĩ Lương đã được tại ngoại. Anh Nghĩa cảm thấy tiếng nói của các bác sĩ trong cả nước đã được cơ quan chức năng xem xét.Bác sĩ Nghĩa cho rằng, nếu bắt tạm giam bác sĩ Lương sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu cho ngành y bởi cứ có tai biến là bác sĩ bị bắt tạm giam thì bác sĩ nào còn dám chữa bệnh cứu người?

BS Nghĩa cho biết, nghề chữa bệnh luôn đứng trước nguy cơ tai biến có thể xảy ra bất cứ khi nào nếu không được bảo vệ thì họ sẽ không dám làm việc.

Sự việc của bác sĩ Lương đã khiến đồng nghiệp của anh trong cả nước đứng ngồi không yên nhất là những bác sĩ làm khối lâm sàng có thể cận kề với nguy cơ tai biến bất cứ lúc nào.

Một giáo sư đầu ngành tại Bệnh viện Bạch Mai tâm sự, ông rất vui khi được tin bác sĩ Lương tại ngoại bởi đây không chỉ là niềm vui với bác sĩ Lương mà nó còn là niềm vui cho các bác sĩ cả nước. Việc này là biện pháp “sốc” tâm lý cho toàn bộ nhân viên y tế ở Việt Nam.

Những ngày xảy ra sự cố y khoa ở Hoà Bình, các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình đã là cú sốc với nhân viên y tế nhưng khi bác sĩ Lương bị bắt thì mọi người càng sốc hơn. Tâm lý rã rời họ không muốn làm việc. Có người vừa làm vừa khóc không biết mình có sai không, không biết mình có bị bắt lúc nào đó không?

 

Các bác sĩ từ Bắc và Nam đều lo lắng. Làm sao có thể làm việc khi tâm lý ai cũng lo lắng, họ sợ trách nhiệm, sợ mình sẽ giống bác sĩ Lương bị bắt chỉ vì cố cứu người. Không tưởng tượng ra được những gì xảy ra, vị giáo sư này chia sẻ cú sốc tâm lý này có thể tạo “thảm hoạ kép của ngành y tế” khi bác sĩ không làm việc. Bởi ai cũng biết không làm thì không sai và lúc đó người bệnh sẽ ra sao?

Bất cứ ai khi lên làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đều thấy anh em cán bộ y tế mệt mỏi và lo lắng như thế nào sau khi bác sĩ Lương bị tạm giam.

Qua sự việc bác sĩ Lương, nhiều bác sĩ lên tiếng cảm ơn cơ quan chức năng đã lắng nghe tâm tư của bác sĩ ngành y bởi bác sĩ Việt Nam chế độ đãi ngộ vốn thấp, điều kiện làm việc còn thiếu thốn nhưng họ vẫn luôn cố gắng hết mình với nhiệt huyết yêu nghề.

Sự việc của bác sĩ Lương, có thể nói rằng lần đầu tiên trong ngành y có nhiều tiếng nói như thế từ hội nghề nghiệp, bác sĩ, Bộ Y tế. Tiếng nói của bác sĩ đã được cơ quan điều tra xe xét.

Các bác sĩ cho rằng, nên xét xử có lý, có tình, kết thúc có hậu nhất bởi đây là chỉ tai nạn nghề nghiệp. Nếu do cố tình thì phải xử nhưng đây là tai nạn mà đã là tai nạn thì phải xem xét. Khi ra toà, có thể bác sĩ Lương sẽ bị liên đới nhưng tù tội không phải là cách để các bác sĩ yên tâm làm việc hơn.

 

Nên đọc
Công Danh (tổng hợp theo báo VnExpress, Infonet)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo