Bầm dập doanh nhân xuất khẩu lao động
Hai lần chết hụt
Cách đây tám năm, Đức Phạm làm giám đốc Công ty thuộc một bộ, có nhiều dự án ODA. Anh chạy đôn đáo, nhờ hết người này người kia, rồi bỏ ra cả đống tiền để xin giấy phép xuất khẩu lao động. Xin được giấy phép rồi, lại lo kiếm đơn hàng, đối tác. Dù vất vả, mệt mỏi nhưng dạo đó lao động đi nhiều nên còn dễ thở. Có ngày, anh đưa cả trăm người xuất ngoại, tiền bạc rủng rỉnh. Nhờ làm xuất khẩu lao động mà anh mua được nhà lầu, xe hơi.
Thời đó làm ăn được, nên người người làm xuất khẩu lao động, nhà nhà làm xuất khẩu lao động dẫn đến nhiều lao động bị lừa, gây ra bao hệ lụy ở xứ người. Rồi thị trường đóng băng. Các thị trường truyền thống của Việt Nam đều bị ảnh hưởng. Đặc biệt là cú sốc thị trường Séc. Hàng loạt doanh nghiệp thu tiền lao động, chuẩn bị xuất quân thì thị trường đóng cửa.
Thoát vụ Séc, Đức Phạm lại mở thị trường mới. Anh chú trọng các thị trường dễ tính, chi phí trước khi đi thấp để thu hút lao động. “Quanh năm suốt tháng chạy long sòng sọc khắp nơi tuyển nguồn nhưng vẫn không có để cung cấp cho đối tác. Thậm chí, đã chi đậm cho môi giới ở các địa phương nhưng người lao động vẫn làm ngơ” - Đức Phạm nói.
Để có nguồn, Công ty Đức Phạm ra chính sách hỗ trợ người lao động bằng cách đứng ra bảo lãnh vay tiền ngân hàng. NLĐ chỉ cần đăng ký không phải lo tiền. Mọi thủ tục được Công ty hỗ trợ tối đa mà vẫn không tài nào thu hút được lao động. Để đưa lao động sang Ả rập Xê-út, Đức Phạm phải sang tận Đại sứ quán Ả rập Xê-út ở Bangkok (Thái Lan) để xin visa cho lao động.
Theo Đức Phạm, đây là khâu khó nhất. Tuyển nguồn khó, kiếm đơn hàng lương cao khó, nhưng khó nhất vẫn là xin visa. Vì thế, cứ hai tuần, anh lại phải sang Bangkok một lần. Có lần, tôi đi với anh sang Bangkok mà phát ốm. Ngồi chờ nhân viên Đại sứ quán Ả rập Xê-út tại phố dành cho người Ả rập ở thủ đô Bangkok đến tận hai giờ sáng.
Có lần, Đức Phạm một mình lái xe đi khắp tỉnh thành trong cả nước để móc nối kiếm nguồn. Lần vào Nghệ An, vì buồn ngủ, anh lao xe xuống ruộng. Xe lật mấy vòng nhưng may mắn thoát chết. Làm xuất khẩu lao động, không năng đi lại, không kiên nhẫn thì mọi nỗ lực sẽ đổ sông, đổ bể.
Rồi “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, đùng một cái, nghe nói anh đang nằm viện vì tai nạn. “Suýt chết anh ạ. May thế!”- anh nói qua điện thoại. Chuyện là trước Tết Nhâm Thìn 2012, Đức Phạm lên Hoà Bình tuyển lao động. Trên đường đi, vào đoạn đường cua, dính sỏi rơi vãi trên đường nên xe mất lái, lao xuống vực. Toàn xe bẹp dúm. Nhưng một lần nữa, anh lại thoát chết.
Đến tán gia bại sản
Đức Phạm suýt chết nhiều lần nhưng vẫn còn bám trụ được với xuất khẩu lao động dù hiện nay Công ty anh cũng đang trong tình trạng ngắc ngoải. Số đông còn lại đã bỏ nghề hoặc chịu cảnh tán gia bại sản. Cách đây chưa lâu, có một phiên toà dân sự diễn ra ở Vũng Tàu gây xôn xao làng xuất khẩu lao động. Sỡ dĩ như vậy vì cả người bị hại và bị đơn là hai người nổi tiếng trong làng xuất khẩu lao động, từng là những người bạn gắn bó thân thiết với nhau. Bị đơn là chị Nguyễn Thị Tâm, giám đốc chi nhánh Hà Nội của một Công ty xuất khẩu lao động lớn.
Chuyện là, khi việc đưa lao động sang thị trường Séc nở rộ, vì có nhiều mối quan hệ nên các doanh nghiệp khác nhờ chị giúp xin visa cho lao động. Khi thị trường Séc đóng cửa, hàng loạt công ty xuất khẩu lao động phá sản. Nợ nần chồng chất. Lao động kiện cáo khắp nơi nên nhiều người phải trốn ra nước ngoài. Chị Tâm không bỏ trốn mà ở lại để cố gắng trả hết tiền cho người lao động.
Để có tiền trả nợ, chị bán hết tài sản dành dụm gần suốt cả đời. Một mảnh đất hàng trăm mét vuông ở Hà Nội, một căn biệt thự khang trang, bảy chiếc ô tô và tất cả vàng bạc lâu nay cất giữ... “Khi tôi làm ăn được, mọi người quây quanh nhờ vả. Khi thấy tôi lâm nạn, ai cũng lảng tránh. Người ta nợ nần tôi khắp nơi. Thậm chí có khoảng 5.000 lao động ở Malaysia vẫn nợ cả chục tỷ đồng tiền bảo lãnh ngân hàng mà tôi có đòi đâu vì họ cũng đang rất khó khăn. Thế mà, là bạn thân, là người hiểu rõ hơn ai hết về thị trường Séc lại kiện tôi ra toà. Tôi đau mà không biết tâm sự với ai” - chị Tâm tâm sự.
Rồi chị cho biết, dù tòa xử chị thắng kiện sau đó nhưng vì quá thấm, quá đau với nghề xuất khẩu lao động nên sau vụ kiện, chị không làm nghề này nữa.
Trắng tay, không đồng xu dính túi, không chồng con, không bạn bè, một mình chị lầm lũi làm lại từ đầu. Chị cho biết, Công ty mới của chị đã ăn nên làm ra, tạo công ăn việc làm cho gần trăm con người.
Theo TPO
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)
End of content
Không có tin nào tiếp theo