Bản chất vụ án oan 10 năm phải là giám đốc thẩm
“Bản chất của vụ việc án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) phải là giám đốc thẩm mới đúng nhưng vì các cơ quan hữu trách không nghe, không phát hiện ra nên chỉ đến khi kẻ giết người thực sự xuất hiện, ra đầu thú thì vụ việc mới được lật lại và khi đó thì chọn tái thẩm”.
TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đã khẳng định như vậy với Đất Việt bên lề buổi thảo luận của Quốc hội chiều 11/11.
Ông Chấn kêu oan nhưng tòa đã không nghe nên là… tái thẩm
PV: - Thưa ông, dù thời điểm này Hội đồng thẩm phán TAND tối cao mở phiên toà xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm đối với vụ án Nguyễn Thanh Chấn phạm tội giết người theo kháng nghị tái thẩm của Viện KSND tối cao.Tuy nhiên việc lựa chọn này vẫn đang khiến dư luận thấy chưa thuyết phục. Là người công tác trong lĩnh vực nghiên cứu lập pháp xin ông phân tích kỹ hơn vì sao lại chọn tái thẩm. Ông có đồng tình với cách lựa chọn này?
TS Đinh Xuân Thảo: - Đúng ra vụ này là tái thẩm chứ không phải là giám đốc thẩm. Giám đốc thẩm là những trường hợp do chính phạm nhân khẳng định, kiến nghị bản án đề nghị xem xét lại. Hoặc bên Viện Kiểm sát kháng nghị khi thấy trong quá trình xét xử quy trình thủ tục có thể không đúng như thiếu luật sư, hay trong lúc bị can đưa ra xét xử trong tình trạng không bình thường thì đề nghị xem xét lại.
Giám đốc thẩm nghĩa là xem lại. Còn tái thẩm là trở lại hoàn toàn mới, xem xét lại vụ án ngay từ đầu như một vụ án mới. Trong luật quy định dấu hiệu tái thẩm và giám đốc thẩm là khác nhau. Tái thẩm là vì xuất hiện tình tiết mới, nghĩa là kẻ giết người thực sự ra đầu thú chứ không phải do phạm nhân hay Viện Kiểm sát kháng nghị lên.
PV: - Nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng việc lựa chọn tái thẩm là đang cố tình không thừa nhận những sai lầm trước đó trong quá trình điều tra, xét xử. Và việc xét lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải bồi thường nhiều cho ông Chấn về mặt dân sự theo Nghị quyết 388. Còn tái thẩm thì việc bồi thường không được bao nhiêu? Ông nghĩ sao về ý kiến này?
TS Đinh Xuân Thảo: - Rõ ràng ở đây là xuất hiện tình tiết mới. Tức là nếu trong quá trình xét xử ông Chấn và gia đình đi kêu oan mà Viện Kiểm sát tiếp nhận hồ sơ đó và ra quyết định xem xét lại vụ án thì phải là giám đốc thẩm.
PV: - Thưa ông nhưng 10 năm nay ông Chấn vẫn kêu oan và gia đình ông đi gõ cửa khắp nơi nhưng không ai nghe. Điều này phải tính như thế nào thưa ông?
TS Đinh Xuân Thảo: - Kể cả trong trường hợp này ông Chấn cho rằng mình bị oan sai thì rõ ràng là trong việc xét xử hay điều tra là có cái sai. Có sai thật sự nhưng không ai để ý đến và Viện Kiểm sát cũng không kháng nghị lại nên đã không rơi vào trường hợp giám đốc thẩm.
PV: - Nghĩa là bản chất của vụ việc này phải là giám đốc thẩm mới đúng nhưng vì các cơ quan hữu trách không nghe, không phát hiện ra nên chỉ đến khi kẻ giết người thực sự xuất hiện, ra đầu thú thì vụ việc mới được lật lại và khi đó thì chọn tái thẩm?
TS Đinh Xuân Thảo: - Đúng rồi. Dấu hiệu phát hiện ra vụ việc này không phải là từ phía phạm nhân mà là do chính người gây án trước đây đầu thú đã làm thay đổi hoàn toàn vụ án này.
PV: - Thưa ông vậy hậu quả pháp lý của vụ án này theo ông là như thế nào?
TS Đinh Xuân Thảo: - Hậu quả pháp lý khi xem xét lại vụ án này là như nhau. Nếu đúng là vô tội thì trả lại tự do và minh oan cho ông Chấn. Nhưng đối với cơ quan điều tra thì trách nhiệm hoàn toàn như nhau. Tức là phải xem xét lại các khâu của hoạt động tố tụng, từ khởi tố, điều tra, xét xử… sai ở giai đoạn nào anh đó phải chịu trách nhiệm.
Nếu làm đúng như ông Chấn đã tố cáo là bị ép cung, nhục hình thì những người trực tiếp điều tra sẽ phải chịu trách nhiệm. Bây giờ có thể phải khởi tố một vụ án mới.
PV: - Nhưng có ý kiến so với giám đốc thẩm, tái thẩm ít tiền hơn?
TS Đinh Xuân Thảo: - Không phải như thế.
PV: - Thưa ông, hiện các điều tra viên đã phủ nhận bức cung, dùng nhục hình với ông Chấn. Vậy làm thế nào để chứng minh được ai đúng, ai sai?
TS Đinh Xuân Thảo: - Theo Luật quy định điều tra việc này không phải là công an nữa mà là Viện Kiểm sát tối cao. Nếu ông Chấn đưa ra bằng chứng để khẳng định được thì ông Chấn đúng, còn những điều tra viên sai.
Ví dụ như việc thực tập, diễn tập lại hành vi gây tội cũng phải có bằng chứng. Hai nữa trong điều tra sẽ tách cán bộ điều tra để xét hỏi. Sẽ có cách để tìm ra thôi.
PV: - Vậy trong trường hợp ông Chấn chỉ có lời khai mà không có bằng chứng thì rất nhiều người lo ngại ông ấy bị phản lại rằng đã vu khống. Trong trường hợp như thế thì theo ông, luật pháp sẽ đứng về phía nào?
TS Đinh Xuân Thảo: - Kiểu gì cũng tìm cách để tìm ra bằng chứng. Trong công an còn có khâu trinh sát trong trại giam theo dõi. Kể cả những người giam cùng phạm nhân này khi thành án, khi đang điều tra giam cùng với ai đó, hoặc trong quá trình cải tạo đã từng nói với ai… Tức là sẽ có cách để tìm ra sự thật, có điều có muốn làm sáng tỏ thật hay không thôi.
Sẽ có cách để tìm ra sự thật, có điều là muốn làm hay không thôi
PV: - Thời điểm này là cơ quan công an Bắc Giang đang thực hiện. Theo ông nên giao cho công an hay Viện Kiểm sát?
TS Đinh Xuân Thảo: - Hiện cơ quan công an tỉnh đang tiến hành kiểm điểm sau đó sẽ có báo cáo lên trên và Viện Kiểm sát sau đó sẽ vào cuộc.
PV: - Ông vừa nói có thể khởi tố một vụ án mới trong vụ việc này, cụ thể là vụ án điều tra việc ép cung. Theo ông tên gọi của nó là vụ án gì mới là phù hợp?
TS Đinh Xuân Thảo: - Vụ án mới mà liên quan đến thủ phạm chính thì rõ ràng là giết người rồi. Còn vụ án xem xét trách nhiệm của các điều tra viên, những người từng tham gia xét xử vụ án của ông Chấn, nếu lời khai của ông Chấn là sự thực thì rõ ràng đây phải là một vụ án mới, riêng rẽ.
PV: - Vậy theo ông đã nên khởi tố luôn vụ án mới để làm chưa?
TS Đinh Xuân Thảo: - Để sớm có kết luận trắng đen rõ ràng tốt nhất nên khởi tố vụ án này sớm để có kết luận. Tránh tình trạng cứ nghi ngờ mãi.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo