Thị trường

Ban Chỉ đạo 127: Quyết tâm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng

Càng gần dịp Tết cổ truyền của dân tộc, công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Nam Định diễn biến phức tạp vì đây là thời điểm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tận dụng tối đa mọi cơ hội để bao tiêu sản phẩm, thu lợi nhuận.
Trong hai tháng gần đây, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định phát hiện, xử lý gần 200 vụ gian lận thương mại, phạt tiền hàng trăm triệu đồng và tịch thu hơn ba tấn hàng hóa vi phạm.
 
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nam Định tuần tra, bóc gỡ bốn vụ vận chuyển lâm sản trái phép, phạt tiền hơn 150 triệu đồng, tịch thu 10 con tê tê Java; 254 thanh gỗ nghiến xẻ nhóm IIA.
 
Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định phát hiện các lô hàng của ba đơn vị gồm Công ty cổ phần thuốc thú y Đất Việt (Hà Nội), Công ty liên doanh Bio-Pharmachemie (TP Hồ Chí Minh); Công ty thương mại và đầu tư thuốc thú y Đông Nam Á (Thái Bình) không đúng với tiêu chuẩn sản phẩm công bố. Cơ quan chức năng đã yêu cầu các công ty thu hồi toàn bộ sản phẩm thuốc thú y về tái chế và phạt tiền 10 triệu đồng.
 
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 127) tỉnh Nam Định, năm nay sản xuất gặp nhiều khó khăn, sức mua giảm, luân chuyển hàng hóa chậm nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng, vi phạm các qui định về hàng hóa. Đáng chú ý là hành vi quảng cáo, thông tin không đúng sự thật về hàng hóa dẫn tới thiếu định lượng, không bảo đảm chất lượng và hết hạn sử dụng nhưng sửa chữa, tẩy xóa rồi cho lưu thông.
 
Ngay trong tháng 1 vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định phát hiện đối tượng Ngô Thị Toàn (SN 1950), trú tại 126 Đông A, phường Lộc Vượng (T.P Nam Định) vận chuyển xuống huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) 1.700 gói đường loại một kg (tương đương 1, 7 tấn). Qua cân kiểm tra, bao bì sản phẩm ghi 1kg nhưng thực tế chỉ có 900g.
 
Tương tự như vậy, Chi cục còn thu giữ 10 thùng vừng dừa, 13 thùng bánh trứng sữa, bốn thùng bánh khoai môn và ba thùng sô-cô-la sữa của Công ty TNHH Hồng Anh, huyện Thường Tín (Hà Nội) vận chuyển vào địa bàn Nam Định đều không bảo đảm về định lượng như ghi trên bao bì.
 
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Nam Định cho biết, năm nay, phần lớn hàng nhập lậu do nước ngoài sản xuất, về cơ bản phương thức hoạt động của các đối tượng ít thay đổi như quay vòng hóa đơn, giá trên hóa đơn thấp hơn nhiều lần so với giá trị hàng hóa thực tế; để lẫn hoặc trà trộn vào các loại hàng hợp pháp; dùng hồ sơ mua hàng đấu giá để hợp thức hàng nhập lậu; gửi hàng trên các xe chở khách, thuê người vận chuyển theo hình thức trọn gói.
 
Nam Định không có cửa khẩu, nhưng lại là địa bàn trung chuyển hàng để vào Nam hay lên phía Bắc nên hàng giả, hàng cấm tuồn về bằng nhiều con đường khác nhau: Đường Lạng Sơn là hàng điện tử, gia dụng, thực phẩm, bánh kẹo; đường Móng Cái là hàng vật liệu xây dựng, điện thoại di động; đường Lao Bảo (Quảng Trị) chủ yếu là thuốc lá, rượu ngoại.
 
Trước tình hình này, Ban chỉ đạo 127 tỉnh Nam Định xác định Công an và Quản lý thị trường là lực lượng chủ công, xung kích trong phòng chống hàng giả, hàng cấm dịp Tết năm nay. Ngoài việc huy động 100% quân số triển khai phương án kiểm tra, xử lý tại địa bàn từng huyện cũng như thành phố Nam Định, Ban chỉ đạo 127 yêu cầu lực lượng làm nhiệm vụ triển khai xe ô tô để kiểm tra lưu động và kiểm tra đột xuất.
 
Ông Trần Lê Đoài, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 127 tỉnh Nam Định cho biết: Quan điểm của tỉnh là bảo vệ sản xuất, quyền lợi người tiêu dùng nhưng vẫn tạo điều kiện thông thoáng cho hàng hợp pháp lưu thông thuận lợi.
 
 
 
 
Nhật Minh (Theo NDO)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo