Bán đảo Triều Tiên căng thẳng, ông chủ Lầu Năm Góc tới Hàn Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã nhấn mạnh những nỗ lực ngoại giao trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên trong khuôn khổ chuyến công du châu Á kéo dài 1 tuần, ngay cả khi các vụ thử vũ khí của TriềU Tiên cũng như "khẩu chiến" giữa Bình Nhưỡng và Washington làm dấy lên lo ngại xảy ra xung đột vũ trang.
"Tôi mong muốn truyền tải một thông điệp rằng chúng ta cùng hợp tác càng nhiều trong hôm nay thì càng có nhiều cơ hội để bảo vệ hòa bình trong tương lai," ông chủ Lầu Năm Góc phát biểu với các đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản tại một cuộc họp được tổ chức hôm 23/10 tại Philippines. Thậm chí trước khi hạ cánh ở Seoul, ông Mattis đã tổ chức cuộc họp tại Philippines vào ngày 23/10 với người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi họ đã nhất trí duy trì thúc đẩy chia sẻ thông tin tình báo về Triều Tiên và tăng cường tập trận.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cảnh báo mối đe dọa từ Triều Tiên đã gia tăng lên "mức nguy hiểm".
Tuần trước, Giám đốc CIA Mike Pompeo cho biết, Triều Tiên có thể chỉ cần vài tháng là phát triển được khả năng tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, một kịch bản mà Tổng thống Trump tuyên bố ngăn chặn.
Các chuyên gia tình báo Mỹ nhận định, Bình Nhưỡng tin tưởng họ cần vũ khí này để đảm bảo sống sót và từng hoài nghi về những nỗ lực ngoại giao, tập trung vào trừng phạt để đổi lại việc Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa.
Hôm 26/10, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào 7 cá nhân Triều Tiên và 3 tổ chức vì cho rằng lạm dụng nhân quyền "một cách trắng trợn", bao gồm giết người, tra tấn, cưỡng bức lao động...
Ông Mattis được cho là sẽ gặp các lãnh đạo Hàn Quốc vào ngày 27/10 trước khi ông cùng quan chức quân sự cấp cao Mỹ, Tướng Joseph Dunford tham dự "Hội nghị Tư vấn An ninh" với quân đội Hàn Quốc vào ngày 28/10.
Chuyến thăm Hàn Quốc của ông chủ Lầu Năm Góc diễn ra ngay trước khi ông Trump bắt đầu chuyến công du Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam vào Philippines vào ngày 03/11.
End of content
Không có tin nào tiếp theo