Quốc tế

Bán đảo Triều Tiên căng thẳng, Thủ tướng Merkel lên tiếng

(DNVN)-Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ thái độ sẵn sàng tham gia vào các sáng kiến ngoại giao để chấm dứt tranh cãi về chương trình vũ khí của Triều Tiên.

Trong một cuộc phỏng vấn với Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung, Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ thái độ sẵn sàng tham gia vào các sáng kiến ngoại giao để chấm dứt tranh cãi về chương trình vũ khí của Triều Tiên. Theo bà, chính sách ngoại giao - điều đã giúp giải quyết căng thẳng với Iran trong năm 2015 - như một mô hình để giải quyết những bất đồng quốc tế. 

"Nếu như cần đến sự có mặt của Đức trong các cuộc đàm phán thì tôi sẽ ngay lập tức đồng ý", bà Merkel chia sẻ. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel lên tiếng về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Bà Merkel đã đề cập đến các cuộc đàm phán dẫn tới hiệp định hạt nhân lịch sử giữa Iran và các cường quốc thế giới năm 2015. Cụ thể, Đức và 5 quốc gia trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc có quyền phủ quyết đã tham gia vào quá trình đàm phán, và cuộc đàm phán đã đem đến kết quả tốt đẹp với việc Tehran đồng ý cắt giảm hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ phần lớn các lệnh cấm vận.

“Tôi có thể tưởng tượng một kịch bản tương tự để chấm dứt xung đột với Triều Tiên. Châu Âu và đặc biệt là Đức cần phải chuẩn bị để tham gia với một vai trò chủ động hơn trong quá trình đó”, Thủ tướng Merke nhấn mạnh. 

Tuyên bố của Thủ tướng Merkel đưa ra ít ngày sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lớn nhất và thứ sáu. Vụ thử này đã tác động mạnh đến thị trường tài chính toàn cầu và khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang. 

Cũng theo Thủ tướng Đức, ngoại giao là cách duy nhất để giải quyết chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. 

"Một cuộc chạy đua vũ trang mới đang bắt đầu trong khu vực sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai", bà Merkel nhận định. 

 

Triều Tiên hiện đang chịu áp lực gia tăng từ cộng đồng quốc tế về chương trình tên lửa và hạt nhân. Và thực tế, Bình Nhưỡng đã hứng chịu một loạt lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. 

Dù vậy, Triều Tiên tuyên bố sẽ không từ bỏ khả năng răn đe hạt nhân trừ khi Washington chấm dứt chính sách thù địch với quốc gia này.

Nên đọc
Thu An (Theo Press TV)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo