Bán doanh nghiệp Nhà nước giá 0 đồng
Trường hợp DN 100% vốn Nhà nước đã thua lỗ kéo dài, mất hết vốn chủ sở hữu, nếu phía mua cam kết kế thừa mọi trách nhiệm và nghĩa vụ về công nợ, lao động… thì giá bán có thể là 0 đồng. Còn nếu không bán được, không có người mua thì nên cho giải thể, phá sản.
Hết vốn thì 0 đồng cũng bán
Bán, thoái vốn Nhà nước là một hình thức sắp xếp lại DNNN đã được khuyến cáo cần đẩy mạnh hơn. Thế nhưng, nỗi lo về trách nhiệm bảo toàn vốn, không để mất vốn của đại diện chủ sở hữu khiến quá trình thực thi vẫn ì ạch. Không ít DNNN sống dở chết dở vẫn cứ tồn tại. Trong khi đó, giải pháp chuyển giao những DNNN yếu kém từ tập đoàn này sang tổng công ty khác… lại đang được cảnh báo “sẽ làm bệnh thua lỗ lây lan”.
Các chuyên gia có nhiều năm theo sát vấn đề này như TS. Lê Đăng Doanh, Lưu Bích Hồ… đã nhiều lần gióng lên đề nghị: thúc đẩy quá trình sắp xếp lại DNNN với những giải pháp mạnh tay; bán những DNNN đang chỉ còn là cái vỏ không hồn; thậm chí cho phá sản, giải thể nếu cần thiết. “Không nên tốn tiền, không thể oằn lưng nuôi những DN sống thực vật này nữa”, khuyến nghị này đã được TS. Lê Đăng Doanh đưa ra gần 2 năm trước.
Thế nhưng, theo TS. Nguyễn Thị Luyến, Phó trưởng ban Ban Cải cách và phát triển DN, từ năm 2007 đến nay, hầu như không có DN nào được bán dù hàng loạt DN đang lay lắt. Có lẽ chính vì quan niệm phải bảo toàn vốn Nhà nước nên sự e ngại bị truy cứu trách nhiệm đã khiến hàng loạt DN vẫn tồn tại.
Đề xuất về vấn đề này, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần có quy định giá bán tối thiểu. Trong trường hợp DN 100% vốn Nhà nước đã thua lỗ kéo dài, mất hết vốn chủ sở hữu, nếu phía mua cam kết kế thừa mọi trách nhiệm và nghĩa vụ về công nợ, lao động… thì giá bán có thể là 0 đồng. Còn nếu không bán được, không có người mua thì nên cho giải thể, phá sản.
Nên quy định đối tượng chuyển giao
Trong những năm qua, hàng loạt DNNN đã được chuyển giao đại diện chủ sở hữu nhưng vẫn là Nhà nước. Gần 950 DN thuộc các bộ, UBND các tỉnh đã được chuyển giao về cho Tổng công ty Quản lý và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Sự chuyển giao này, theo CIEM, “chưa có khung pháp luật điều chỉnh”.
Ông Lê Viết Thái, Trưởng ban Ban Thể chế kinh tế (CIEM) lưu ý: việc chuyển giao DN vừa qua mới chỉ dừng ở tư duy can thiệp hành chính, phi thị trường của Nhà nước. Vì vậy, nó không tạo ra sức ép và động lực cần thiết để đổi mới DN và chính điều này đã làm cản trở cơ chế thị trường đang dần được hình thành. Thậm chí, đang phá vỡ các nỗ lực thị trường hóa hoạt động các tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Nhưng dường như, những cuộc chuyển giao dự án giữa các DNNN và giữa các tập đoàn kinh tế Nhà nước đã không mang lại một tín hiệu tốt hơn nào, như TS. Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Cải cách và phát triển DN (CIEM) nhìn nhận. Đơn cử như, cuộc chuyển giao EVN Telecom từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã khiến Viettel phải xử lý nhiều vấn đề về nợ và nhân sự.
Hay như 7 công ty con và 23 công ty cháu của Vinashin được chuyển cho Vinalines và PVN cũng khiến phía nhận gặp không ít khó khăn. Hầu hết các DN được chuyển này ở trong tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, lại đang làm nhiều dự án dở dang và còn cả những khoản nợ tồn đọng. PVN và Vinalines đã phải tái cơ cấu lại cả tài chính lẫn nhân sự của các công ty được chuyển giao, giải quyết những vấn đề “hậu chuyển giao”.
Câu hỏi đặt ra là có nên thực hiện chuyển giao hay cho giải thể, phá sản, khi mà việc chuyển giao nguyên trạng DN là chủ yếu. Nhưng trong số đó, có những DN không thể tiếp tục hoạt động được hoặc không đáp ứng yêu cầu tiếp tục tồn tại, TS. Nguyễn Thị Luyến nêu vấn đề. Còn theo ông Cường: “Đó là một hình thức chủ động làm lây bệnh".
Theo CIEM, việc chuyển giao DN giữa các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chỉ nên áp dụng với những trường hợp đặc thù, liên quan đến bí mật ngành, an ninh quốc gia hoặc có ảnh hưởng lớn đến xã hội. Đồng ý với khuyến nghị này, ông Cường bổ sung, hình thức chuyển giao này chỉ thực hiện như là biện pháp ngoại lệ trong những bối cảnh đặc biệt. Đối với các trường hợp khác, nên chuyển nhượng và bán công khai.
Theo TBNH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Giảm phát thải carbon, bước đệm vào nền kinh tế xanh toàn cầu
Cột tin quảng cáo