Ban hành luật để tăng chủ động ứng phó thiên tai
Trình bày Tờ trình dự án Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết dự thảo Luật phòng chống thiên tai gồm có 5 chương, 46 điều quy định về hoạt động phòng chống thiên tai, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phòng chống thiên tai, quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm việc thực hiện phòng chống thiên tai.
Để phù hợp với nội dung của Luật, Chính phủ xin phép Quốc hội cho đổi tên Luật là “Luật phòng chống thiên tai” nhằm thể hiện cô đọng nhất bản chất cũng như mục đích của dự án Luật là tăng cường tính chủ động, ứng phó trong hoạt động phòng chống thiên tai.
Theo dự thảo, Nhà nước khuyến khích và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ và chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống thiên tai; có chính sách hỗ trợ các đối tượng bị thiệt hại do thiên tai; khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động bảo hiểm thiên tai; đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia và hỗ trợ địa phương xây dựng công trình phòng chống thiên tai.
Dự thảo Luật đề cao tính chủ động của cá nhân, cộng đồng trong phòng chống thiên tai. Công tác phòng chống thiên tai lấy phòng ngừa là chính; thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm," sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, đồng thời huy động mọi nguồn lực của cộng đồng, của các tổ chức, cá nhân.
Thẩm tra dự án Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đồng tình việc ban hành luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tăng cường quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động phòng, chống thiên tai...
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành cơ bản với đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật đối với 18 loại hình thiên tai và đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến những nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai như Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, không thể chỉ “hỗ trợ” trong phòng, chống thiên tai.
Việc phòng chống thiên tai phải dựa trên cơ sở khoa học về dự báo, cảnh báo và đánh giá rủi ro thiên tai; các biện pháp ứng phó với tình huống khẩn cấp phải tương xứng với bản chất, tính chất nghiêm trọng và phạm vi mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, dự thảo Luật cần bổ sung một số chính sách như đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nâng cao đời sống, giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống của người dân vùng thường xuyên bị thiệt hại do thiên tai gây ra; quy hoạch sử dụng đất cho phòng chống thiên tai, di dời dân vùng thường bị thiệt hại nặng nề do thiên tai sang các khu vực mới bảo đảm an toàn; ưu đãi đối với các đối tượng kinh doanh bảo hiểm thiên tai….
Đoàn Huế (Theo Vietnamplus)
End of content
Không có tin nào tiếp theo