Ban hành nhiều văn bản tạo thuận lợi thực thi FTA Việt Nam - EAEU
Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) bao gồm 5 nước thành viên (Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgystan và Armenia) là khu vực có quan hệ chính trị - kinh tế truyền thống đối với Việt Nam. Quan hệ thương mại song phương năm 2015 giữa hai bên là 3,6 tỷ USD, tăng 6% năm 2014, tuy nhiên nếu tính về tỷ trọng chung, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang khối Liên minh chỉ chiếm khoảng 1,1% tổng nhập khẩu của khối này và kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ khối Liên minh chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của khối này. Với kỳ vọngthúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, từ tháng 3/2013, các bên đã khởi động và tiến hành đàm phán Hiệp định Thương mại tự do.
Sau hơn hai năm đàm phán, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (Hiệp định Việt Nam - EAEU) đã chính thức được ký kết vào ngày 29/5/2015 và có hiệu lực từ ngày 5/10/2016. Đây là Hiệp định có ý nghĩa chiến lược mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu nói chung và với từng nước thành viên, là khung khổ pháp lý để các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp thuộc khối Liên minh Kinh tế Á - Âu tăng cường hợp tác, thúc đẩy tăng trưởng thương mại song phương trong thời gian tới.
Việc Việt Nam trở thành đối tác ký Hiệp định thương mại tự do đầu tiên với EAEU mở ra một cơ hội rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, tạo ra động lực mở cửa thị trường, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp hai bên, giảm bớt các rào cản thuế quan, phi thuế quan và sẽ là một cửa ngõ thuận lợi để thúc đẩy xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước trong EAEU. Với tỷ lệ gần 90% dòng thuế được cắt, giảm thuế quan nhập khẩu (trong đó 59,3% xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực) là lợi thế lớn cho Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nước khác trên thế giới khi xuất khẩu hàng hóa vào khu vực thị trường này.
Cụ thể, theo Hiệp định, đối với dệt may, 82% tổng số dòng thuế cam kết, cắt giảm, 42% xoá bỏ hoàn toàn với lộ trình tối đa trong 10 năm, 36% xoá bỏ hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực; đối với giày dép, 77% tổng số dòng thuế được cắt, giảm, 73% xoá bỏ hoàn toàn, lộ trình tối đa 5 năm; đối với thuỷ sản, 95% tổng số dòng thuế được cắt giảm, lộ trình tối đa 10 năm trong đó 71% có thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0% ngay khi Hiệo định có hiệu lực (chiếm 100% kim ngạch xuất khẩu trung bình 2010-2012 của Việt Nam sang khối Liên minh), 5% dòng còn lại là các mặt hàng Việt Nam không có thế mạnh xuất khẩu; chè nguyên liệu (xanh, đen) và cà phê nguyên liệu (chưa rang) được hưởng mức thuế 0% ngay khi có hiệu lực (EAEU không cam kết giảm thuế với chè xanh đóng gói dưới 3kg và cà phê rang); đối với đồ gỗ, 76% tổng số dòng thuế được cắt giảm, 65% dòng thuế được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% tối đa trong 10 năm; đối với nhựa và cao su, 100% tổng số dòng thuế được cắt, giảm, 97% hưởng mức thuế nhập khẩu 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực...
Để các doanh nghiệp hai bên tận dụng lợi thế từ Hiệp định nhằm tăng cường thương mai song phương, phía Việt Nam và phía Liên minh đã ban hành nhiều văn bản tạo thuận lợi cho việc thực thi Hiệp định. Cụ thể:
Về phía Việt Nam
- Ban hành Nghị định số 137/2016/NĐ-CP ngày 29/9/2016 của Chính phủ ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa một bên là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á - Âu và các nước thành viên giai đoạn 2016 - 2018 (toàn văn nội dung Nghị định số 137/2016/NĐ-CP tại địa chỉ http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=186619).
- Ban hành Thông tư số 16/2016/TT-BCT ngày 19/8/2016 quy định việc áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu và trứng gia cầm có xuất xứ từ các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu năm 2016, có hiệu lực từ ngày 05/10/2016 (toàn văn nội dung Thông tư số 16/2016/TT-BCT tại địa chỉ http://www.moit.gov.vn/vn/Pages/ChiTietVanBan.aspx?vID=14981).
Nội dung chính của Thông tư như sau: (i) Hàng hóa nhập khẩu phải có C/O mẫu EAV do cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu cấp; (ii) Riêng đối với thuốc lá nguyên liệu, thương nhân Việt Nam có giấy phép nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan do Bộ Công Thương cấp theo Quy định tại Thông tư 04/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014, số lượng nhập khẩu tính trừ vào HNTQ NK theo giấy phép do Bộ Công Thương cấp.
Ban hànhThông tư số 21/2016/TT-BCT ngày 20/9/016 quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, có hiệu lực từ ngày 5/10 năm 2016 (tại địa chỉ http://www.moit.gov.vn/vn/Pages/ChiTietVanBan.aspx?vID=15010).
Nội dung chính như sau: (i) Cho phép bên nhập khẩu tạm ngừng ưu đãi thuế quan nếu phát hiện có gian lận xuất xứ hoặc nước xuất khẩu không hợp tác xác minh xuất xứ một cách có hệ thống (thời gian áp dụng tạm ngừng ưu đãi là 04 tháng và được phép gia hạn 03 tháng); (ii) áp dụng hoá đơn nước thứ ba ngoài Hiệp định nhưng loại trừ một số quốc đảo phía Liên minh Kinh tế Á - Âu cho rằng có nguy cơ gian lận thương mại; (iv) cho phép áp dụng nguyên tắc linh hoạt 15% tính theo giá FOB đối với đơn vị sản phẩm hoặc bộ sản phẩm…
Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung liên quan đến mở cửa thị trường hàng hóa của Liên minh Kinh tế Á Âu và các nội dung liên quan đến quy tắc xuất xứ trên địa bàn toàn quốc.
Khẩn trương làm việc với phía EAEU đề nghị cung cấp nội dung các văn bản pháp lý chính thức điều hành cơ chế phòng vệ ngưỡng (trigger) và hạn ngạch đối với mặt hàng gạo để có căn cứ thông báo doanh nghiệp Việt Nam biết, thực hiện.
Về phía Liên minh Kinh tế Á - Âu
Đã cho đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Ủy ban Kinh tế Á - Âu: (i) Toàn văn Hiệp định Việt Nam - EAEU bằng tiếng Anh và tiếng Nga; (ii) Giới thiệu tổng quan đối với từng chương của Hiệp định, bao gồm các điều khoản chính, các lợi ích, thuận lợi mà Hiệp định mang lại cũng như rủi ro và các biện pháp phòng ngừa rủi ro được quy định tại Hiệp định; (iii) Bản giới thiệu về Hiệp định theo hình thức Q&A.
Ban hành Quyết định số 36 ngày 19/4/2016 về việc áp dụng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam được nhập khẩu vào lãnh thổ hải quan của Liên minh Kinh tế Á - Âu (có hiệu lực từ ngày 05/10/2016), theo đó Ủy ban đã quyết định: (i) Ban hành danh sách hàng hóa và mức thuế đối với từng mặt hàng (theo mã số HS) được áp dụng thuế nhập khẩu theo Hiệp định Việt Nam - EAEU theo lộ trình; (ii) Quy định cách áp thuế cụ thể đối với một số mặt hàng cụ thể.
-Quyết định số 76 ngày 21/6/2016 và Quyết định số 98 ngày 30/8/2016 về phân bổ hạn ngạch thuế quan đối với 10 tấn gạo hạt dài nhập khẩu với thuế xuất 0% từ Việt Nam cho các nước thành viên Liên minh để nhập khẩu trong năm 2016 và 2017, theo đó Liên bang Nga được phân bổ 8.974 tấn/năm, Belarus 1.026 tấn/năm trong năm 2016 và 2017.
Đối với Liên bang Nga, Bộ Phát triển Kinh tế đã trình Chính phủ dự thảo Quyết định về việc phân bổ hạn ngạch gạo cho các doanh nghiệp Nga để thực hiện, theo nguyên tắc “phân bổ cho các doanh nghiệp đã và đang nhập khẩu gạo từ Việt Nam với số lượng tương ứng với tỷ lệ nhập khẩu của các doanh nghiệp này từ Việt Nam” (theo thông tin từ Bộ Phát triển Kinh tế, dự kiến trong tuần từ ngày 05 đến ngày 12 tháng 10 năm 2016 Quyết định sẽ được Chính phủ Nga ký ban hành).
Ban hành Quyết định số 103 ngày 6/9/2016 điều chỉnh một số mã HS trong danh sách hàng hóa áp dụng thuế nhập khẩu theo Hiệp định Việt Nam - EAEU.
Đã chuyển cho Việt Nam các tài liệu cụ thể liên quan tới việc tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa của các nước thành viên theo quy định của Hiệp địnhViệt Nam - EAEU.
Hội nghị này là một trong chuỗi các sự kiện mà Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhằm phổ biến tuyên truyền thúc đẩy các doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ Hiệp định Việt Nam - EAEU. Kết thúc Hội nghị, Bộ Công Thương tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan Việt Nam và khối Liên minh, các vướng mắc, khó khăn còn tồn tại mà các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đã phát biểu để từ đó nghiên cứu triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp nhằm tăng cường hợp tác, thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, tận dụng tối đa các lợi thế được hưởng từ Hiệp định Việt Nam - EAEU.
Nguồn: Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD