Băn khoăn với lộ trình bán đại trà xăng sinh học
Có theo kịp lộ trình?
Tháng 9-2014, tất cả các cửa hàng xăng dầu trong tỉnh Quảng Ngãi đã chuyển sang bán xăng sinh học E5 RON 92 thay cho Mogas RON 92. Tuy nhiên, khi đến lượt các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM chuẩn bị cho lộ trình chuyển sang bán xăng E5 vào tháng 12-2014 thì vấn đề không còn đơn giản nữa!
Đại diện Công ty Xăng dầu khu vực II (Petrolimex Saigon) cho biết, Petrolimex có thể chuyển đổi ngay sang bán xăng E5 sau vài ngày. Tuy nhiên, Petrolimex cho rằng nguồn cung ethanol để phối trộn xăng E5 cần phải đảm bảo, tránh thiếu hụt.
Còn Saigon Petro thì cho rằng TPHCM nên chọn phương án cửa hàng xăng dầu chỉ cung cấp xăng E5 RON 92 như Quảng Ngãi đang làm. Việc chỉ bán một loại xăng (thay vì bán cả hai loại xăng E5 RON 92 và Mogas 92) sẽ giúp cho các cửa hàng xăng dầu đơn giản hóa công việc.
Tuy nhiên, tại buổi họp với các doanh nghiệp đầu mối và tổng đại lý xăng dầu vào đầu tháng 9-2014 để triển khai lộ trình phân phối xăng E5 tại TPHCM, bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết cửa hàng xăng dầu ở TPHCM vừa nhiều về số lượng (TPHCM có hơn 500 cửa hàng xăng dầu so với chỉ 150 cửa hàng của toàn tỉnh Quảng Ngãi), vừa chịu sự quản lý của nhiều đơn vị đại lý và doanh nghiệp đầu mối cho nên TPHCM sẽ khó khăn hơn Quảng Ngãi trong việc triển khai phân phối xăng E5 đồng loạt vào cuối năm nay.
Ông Nguyễn Anh Toàn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), cho biết doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang gặp khó khăn do thiếu hướng dẫn, chính sách hỗ trợ cụ thể của từ Bộ Công Thương cho việc triển khai phân phối xăng E5. Cách đây 3-4 năm, khi TPHCM mới bắt đầu triển khai bán xăng E5 thí điểm có khá nhiều tài xế taxi đổ xăng E5 vì được giảm 100 đồng/lít so với xăng Mogas 92, còn người tiêu dùng bình thường cũng đổ xăng E5 vì nghe nói tốt cho môi trường nên dùng thử. Tuy nhiên, sức mua xăng E5 đã giảm mạnh kể từ mấy năm gần đây sau khi báo chí đăng tin về các vụ cháy xe (tình nghi do xăng sinh học).
Theo Saigon Petro, mức tiêu thụ xăng E5 gần đây giảm ước chừng 50% so với thời điểm bắt đầu bán xăng E5 tại TPHCM.
Do đó, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng cần phải đẩy mạnh truyền thông, cung cấp thông tin về xăng sinh học E5 cho người tiêu dùng trước thời điểm chuyển sang phân phối xăng E5. Sở Công Thương TPHCM cho biết sẽ tổ chức đợt truyền thông về xăng sinh học E5 từ nay cho đến cuối năm.
Chưa có nhiều nơi phân phối
Theo ông Nguyễn Sinh Khang, Phó tổng giám đốc tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), cả nước có hơn 10 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu với tổng số 13.000 trạm xăng nhưng chỉ có 3 doanh nghiệp với 169 trạm xăng có kinh doanh xăng E5 - một con số quá ít ỏi!
Riêng ở TPHCM hiện vẫn còn khá nhiều đầu mối xăng dầu chưa triển khai điểm bán xăng E5 như Petrolimex Saigon, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội... Hiện thời xăng E5 chỉ mới có ở các trạm bán xăng thuộc hệ thống cung cấp của Saigon Petro, PV Oil, Petec (thuộc PV Oil)...
Theo báo cáo của Sở Công thương TPHCM tới tháng 12-2014 sẽ có thêm 29 cửa hàng bán xăng E5; còn hiện tại trên địa bàn TPHCM chỉ có 29 điểm bán xăng E5 nằm rải rác ở một số quận huyện.
Như vậy, nếu chỉ có 58 điểm bán xăng E5 trên tổng cộng hơn 500 trạm xăng dầu tại TPHCM thì lộ trình phân phối xăng E5 tại TPHCM cũng khó mà thực hiện.
Liệu có đủ xăng E5 để bán?
Theo kế hoạch dự kiến của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tới cuối năm 2014 ba nhà máy của PVN có thể cung cấp mỗi năm khoảng 300 triệu lít ethanol, đủ để pha trộn khoảng 6 tỉ lít xăng E5, có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng E5 thay thế xăng Mogas RON 92 trên toàn quốc.
Theo PVN thì ngay cả khi cả 7 tỉnh thành đều sử dụng xăng E5 vào cuối năm 2014 theo đúng lộ trình thì sản lượng ethanol của PVN và các công ty khác vẫn thừa và phải tiếp tục xuất khẩu. Hiện tại, chỉ mới có Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất thuộc sự quản lý của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đang cung cấp ethanol để pha trộn xăng E5.
Tuy nhiên, Petrolimex doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chiếm thị phần lớn nhất vẫn lo ngại về khả năng cung cấp nguồn ethanol để phối trộn xăng E5. Hiện tại, mức tiêu thụ xăng E5 so với xăng truyền thống chỉ vào khoảng một phần tám nên không có gì phải lo nhưng khi triển khai đại trà vào năm 2015 mà nguồn cung không đáp ứng kịp thì phải làm thế nào?
Doanh nghiệp cần thêm ưu đãi
Theo ông Nguyễn Sinh Khang, Phó tổng giám đốc PVN, hiện thời các chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với nhiên liệu sinh học mới chủ yếu khuyến khích khâu sản xuất, vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ với khâu phân phối, kinh doanh và phát triển vùng nguyên liệu.
Theo ông Nguyễn Phú Cường, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ thuộc Bộ Công Thương, hiện tại, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng cơ chế khuyến khích cụ thể hơn dành cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh nhiên liệu sinh học, ngoài các ưu đãi trước đó theo Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TPHCM, cho rằng Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho người bán. Ví dụ như nên có chính sách chiết khấu hoa hồng cho người bán xăng E5 thay vì chỉ hỗ trợ phí súc rửa bể chứa xăng từ phía doanh nghiệp đầu mối như hiện nay.
Ngoài ra, bên cạnh việc ban hành các quy định ưu đãi, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng mong muốn xăng E5 sẽ được hưởng mức giá thấp hơn xăng thông thường vào đầu năm 2015.
End of content
Không có tin nào tiếp theo