Thị trường

Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2015 của Hà Nội tăng cao

(DNVN) - Theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hà Nội, uớc tính cả năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 11,7% so với cùng kỳ, trong đó, bán lẻ tăng 11,5% (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,7%).

Cục Thống kê TP. Hà Nội cho biết, ừ đầu tháng 12 tại nhiều tuyến phố của Hà Nội, không khí No-en đã tràn ngập. Các món đồ trang trí, quần áo, giày mũ ông già No-en được bày bán ở vị trí bắt mắt. Giá cả các mặt hàng năm nay không biến động nhiều so với cùng thời điểm năm ngoái.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 12/2015 tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 14% so với cùng kỳ, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 1,6% và 12,8%. Ước tính cả năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 11,7% so với cùng kỳ, trong đó, bán lẻ tăng 11,5% (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,7%).

Năm 2015, Thành phố đã triển khai các biện pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh.

Ảnh minh họa.

Về ngoại thương, theo Cục thống kê TP. Hà Nội, năm 2015, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế thế giới cũng như sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường.

Trong năm, một số nhóm hàng có tốc độ tăng khá cao so cùng kỳ là nhóm hàng dệt may (tăng 18,7%), thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (tăng 9,4%). Các nhóm hàng xuất khẩu giảm mạnh so cùng kỳ là: xăng dầu (giảm 20,7%), hàng thủ công mỹ nghệ (giảm 9,5%). Kim ngạch xuất khẩu xăng dầu giảm mạnh là do giá xăng dầu xuất khẩu giảm so cùng kỳ.

Năm 2015, xuất khẩu nông sản tăng 3,8% so cùng kỳ, tuy nhiên, các mặt hàng cà phê, chè lại giảm so cùng kỳ cả về lượng và trị giá. Đức và Mỹ là hai thị trường tiêu thụ cafe lớn nhất song sức mua cafe của 2 thị trường này giảm mạnh, bên cạnh đó do hạn hán kéo dài tại khu vực Tây Nguyên và sâu bệnh khiến sản lượng thu hoạch giảm.

Kim ngạch xuất khẩu chè giảm là do chất lượng chè chưa cao, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu chè ra nước ngoài nhưng gặp khó về nguồn nhân lực, thương hiệu, bao bì, mẫu mã sản phẩm. Đối với một số thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ các doanh nghiệp xuất khẩu chè không xâm nhập được hoặc xuất khẩu không đáng kể.

Riêng lĩnh vực thủy sản, xuất khẩu sang thị trường lớn là Trung Quốc, Nhật Bản đều giảm đáng kể. Một số thị trường xuất khẩu lớn của Hà Nội hiện nay là: Mỹ (chiếm 16,4% tổng kim ngạch), Nhật Bản (chiếm 13,3%) tiếp đến là Trung Quốc (chiếm 12,5%) …

 

Ở chiều ngược lại, ước tính kim ngạch nhập khẩu tăng 4,5% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 4,6%. Trong tổng kim ngạch nhập khẩu, kinh tế nhà nước chiếm 61,4% và tăng 4,1% so cùng kỳ; Kinh tế ngoài nhà nước chiếm 17,6% và tăng 7,2%; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 21% và tăng 3,5%. Một số thị trường nhập khẩu lớn của Hà Nội hiện nay là Trung Quốc chiếm 31,2% tổng kim ngạch nhập khẩu, Nhật Bản chiếm 9,3%, Hàn Quốc chiếm 7,3%.

Tính riêng tháng 12/2015, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 15,1% so tháng trước và giảm 2,6% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 12,4% và 0,9%. Cũng trong tháng này, một số nhóm hàng xuất khẩu tăng so cùng kỳ là hàng dệt may (tăng 52,7%), linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi (tăng 23,6%), hàng điện tử (36,4%). Tuy nhiên vẫn còn một số nhóm hàng xuất khẩu giảm là giầy dép các loại và các sản phẩm từ da (giảm 32,1%), xăng dầu (giảm 26,6%).

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 1,4% so tháng trước và giảm 1% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 1% và giảm 2,3%. Trong tháng 12/2015, tất cả các nhóm, mặt hàng chủ yếu đều tăng so tháng trước, trong đó: máy móc thiết bị phụ tùng (tăng 3,1%), sắt thép (tăng 3,3%), hóa chất (tăng 4,1%)...

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo