Thị trường

Bán lẻ truyền thống hết lạc quan

Dù đóng góp đến 83% trong tổng doanh thu ngành hàng tiêu dùng, song chỉ số niềm tin của các nhà bán lẻ kênh truyền thống đang giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.

Khảo sát vừa được Nielsen Việt Nam công bố hôm nay (17/7) cho thấy, với hơn 1,4 triệu cửa hàng bán lẻ, kênh thương mại truyền thống hiện là kênh lớn nhất cả về số lượng cửa hàng và về đóng góp doanh thu cho ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Ở khu vực thành thị, kênh thương mại truyền thống đóng góp khoảng 83% tổng doanh thu, tương đương gần 10 tỉ USD trong ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy, mức độ tự tin của các cửa hàng tạp hóa truyền thống vào ngành bán lẻ và tình trạng kinh doanh của họ trên khắp Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong 2 năm qua, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Theo báo cáo, chỉ số niềm tin các nhà bán lẻ truyền thống giảm xuống 68 điểm.

Kênh bán lẻ truyền thống đang giảm sút niềm tin vào thị trường. Ảnh: Đ.N.T.

Theo Giám đốc cấp cao bộ phận Dịch vụ Đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam Nguyễn Anh Dũng, chỉ số niềm tin nhà bán lẻ trung bình ở mức 100. Nếu trên mức 100, thường các nhà bán lẻ rất tự tin. Dưới mức 100, các nhà bán lẻ không tự tin. Như vậy, với mức 68 điểm, chắc chắn nhà bán lẻ truyền thống hiện khá “hoang mang” và hầu như giảm sút sự lạc quan về tiềm năng của thị trường bán lẻ.

Trong khi đó, khảo sát về chỉ số niềm tin của người tiêu dùng trong quý 1/2018 lại đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 124 điểm. Điều này cũng cho thấy, người tiêu dùng lạc quan, song việc gia tăng sức mua không nằm ở kênh thương mại truyền thống. The ông Dũng, chi tiêu của người tiêu dùng thành thị hiện ưu tiên rót vào những khoản lớn hơn như du lịch, xe máy, điện thoại, đồ gia dụng...

Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng số lượng cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý này của các nhà bán lẻ truyền thống. Số lượng cửa hàng tiện lợi đã tăng hơn 10 lần trong 5 năm qua, từ 147 cửa hàng năm 2012 lên khoảng 1.700 cửa hàng trong năm 2017.

Nên đọc
Theo Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo