Bán nợ xấu: TCTD sẽ “được” nhiều hơn
Trước vấn đề hiện nay vẫn chưa có nhiều các TCTD công bố con số nợ xấu và có nguyện vọng bán nợ cho VAMC, tại cuộc họp, các đơn vị liên quan khẳng định lại những quyền lợi của TCTD khi bán nợ cho VAMC. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cho rằng, với cơ chế hoạt động của VAMC đã tạo cơ hội tốt cho các NHTM xử lý nợ xấu.
Cần tăng sức hấp dẫn của TPĐB
Ngày 24/9/2013, Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình đã chủ trì hội nghị quán triệt thực hiện Thông tư 19/2013/TT-NHNN (TT 19) quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và Thông tư 20/2013/TT-NHNN (TT 20) quy định về cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt (TPĐB) của VAMC.
Trước vấn đề hiện nay vẫn chưa có nhiều các TCTD công bố con số nợ xấu và có nguyện vọng bán nợ cho VAMC, tại cuộc họp này, các đơn vị liên quan khẳng định lại những quyền lợi của TCTD khi bán nợ cho VAMC. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) cho rằng, với cơ chế hoạt động của VAMC đã tạo cơ hội tốt cho các NHTM xử lý nợ xấu.
Đặc biệt, TT 19 sẽ giúp NHTM xử lý nợ xấu, phân bổ dự phòng trong khoảng thời gian 5 năm. Về cơ bản các lợi ích liên quan đến khoản nợ xấu đã bán cho VAMC thuộc về các TCTD bán nợ vì TCTD chỉ trả cho VAMC chi phí rất nhỏ so với giá trị thu hồi được. VAMC không lấy lợi nhuận làm mục tiêu.
Theo đó, TT 19 đưa ra hai hình thức mua nợ xấu của VAMC theo giá trị thị trường và mua nợ xấu bằng TPĐB. NHNN cho biết, trước mắt, trong trung hạn VAMC ưu tiên mua bán nợ bằng TPĐB. “Sau khi bán nợ cho VAMC, TCTD lấy TPĐB, lợi ích sẽ thuộc về TCTD, khi đó bảng cân đối tài chính của TCTD sẽ đẹp hơn. Có trái phiếu, TCTD vay tái cấp vốn, với tỷ lệ có thể lên tới 70% và mức lãi suất TPĐB thấp hơn lãi suất trên thị trường mà chúng ta đang huy động”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh và cho biết: về cơ bản những lợi ích khoản nợ bán cho VAMC và giá trị thu hồi khoản nợ thuộc về TCTD. VAMC không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích và trách nhiệm trong việc thực hiện xử lý nợ xấu này là thủ tục hồ sơ pháp lý, giám sát nợ.
Theo ý kiến của nhiều NHTM, với TPĐB của VAMC, các NHTM sử dụng để vay tái cấp vốn thì lãi suất áp dụng nên ưu đãi hơn lãi suất cho vay tái cấp vốn bình thường. “Lãi suất tái cấp vốn thông thường trong 2 năm trở lại đây là theo hướng cao hơn lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng. Vì vậy, lãi suất tái cấp vốn với TPĐB có thể thấp hơn lãi suất tái cấp vốn thông thường, hoặc thấp hơn cả lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng”, đại diện một NHTM đề xuất.
Sẽ lên danh sách về tỷ lệ nợ xấu của TCTD
Lãnh đạo NHNN cho rằng, việc xử lý nợ xấu là trách nhiệm của ngành Ngân hàng trước cộng đồng và nhằm đảm bảo sự an toàn cho hệ thống ngân hàng. Hơn ai hết, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, bằng nghiệp vụ quản lý rủi ro, giám sát biết được và chỉ rõ các khoản nợ xấu. “Tôi đề nghị các TCTD thống nhất cách thức, bàn bạc sâu hơn, xác định nợ, khoản nợ xấu nào nằm trong phạm vi điều kiện của TT 19 để tiếp cận VAMC”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa yêu cầu.
Bà Đỗ Thị Nhàn, Vụ trưởng Vụ Thanh tra các TCTD trong nước (thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát) cho biết, trong tuần này Vụ sẽ có văn bản gửi các TCTD thông báo tỷ lệ nợ xấu của từng TCTD; yêu cầu các TCTD xây dựng kế hoạch để giảm nợ xấu. “Trên cơ sở đó, chúng tôi xem xét, đề xuất giải pháp cụ thể với từng TCTD. Tất cả danh sách TCTD có nợ xấu 3% và danh sách khách hàng có nợ xấu tại 1 TCTD và nợ xấu tại nhiều TCTD sẽ được thống kê để VAMC lựa chọn mua khoản nào”, bà Đỗ Thị Nhàn nhấn mạnh.
Sau một thời gian nghiên cứu văn bản, cân nhắc tình hình giải quyết nợ xấu, đại diện một số NHTM vẫn còn băn khoăn trong cơ chế mua bán nợ xấu.
Đai diện của Techcombank cho biết, ngân hàng sẵn sàng bán nợ cho VAMC, nhưng muốn biết rõ hơn về quyền mua lại nợ của TCTD với khoản nợ đã bán cho VAMC. Bởi theo TT 19 thì VAMC có quyền bán lại nợ cho TCTD sau 5 năm. Tuy nhiên, trong trường hợp nợ xấu của TCTD xuống mức dưới 3% thì TCTD có quyền mua lại nợ trước thời hạn 5 năm không? Bên cạnh đó, tại Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC và TT 19 có quy định việc VAMC được ủy quyền một phần và toàn bộ cho TCTD lại không được nêu rõ trong TT 19.
Đại diện một NHTM băn khoăn: đối với các khoản nợ TCTD đã bán sang VAMC và sau đó được cơ cấu lại và khách hàng trả nợ bình thường, thì khoản nợ đó TCTD có được mua về và được “thử thách” thế nào? Trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo, một vấn đề được nhiều TCTD quan tâm là, mặc dù NHNN rất ủng hộ các TCTD xử lý nợ xấu, nhưng những vướng mắc về mặt pháp lý trong giải chấp tài sản rất phức tạp. Với tài sản đảm bảo, mặc dù các TCTD được ủy quyền toàn bộ thì việc giải quyết với khách hàng khi họ đã trả bớt nợ và muốn rút dần tài sản đảm bảo là rất khó. Liệu có phải đưa vào hợp đồng ủy quyền khi TCTD bán nợ cho VAMC?
Phó Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT VAMC, ông Đặng Thanh Bình nhấn mạnh, cơ chế liên quan tới VAMC rất đặc biệt nên trong quá trình xử lý nợ xấu khó tránh khỏi những nội dung chưa phù hợp. Vấn đề phối kết hợp trong quá trình triển khai hoạt động có thể có phát sinh, nên cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế của VAMC.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, trước mắt, vấn đề quan trọng là chủ trương, cách thức xử lý nợ xấu nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.
TBNH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng
Giá heo hơi ngày 27/12/2024: Diễn biến trái chiều với nhiều biến động
Cột tin quảng cáo