Chân dung

Bán phở hay làm cho Google đều phải khác biệt

Từ khi “dính” vào nghiệp kinh doanh, Nguyễn Khánh Trình, Giám đốc điều hành Công ty Quảng cáo Thông minh (CleverAds) cho biết, những con số ngày càng phức tạp khiến anh không ôm trọn một giấc ngủ thoải mái. Anh quan niệm, dù làm việc gì, từ bán phở, giảng dạy hay làm việc cho Google thì cũng hết mình, tạo được sự khác biệt.

1. Nhiều chàng khổng lồ công nghệ trên thị trường thế giới như Google, Apple, Cisco Systems, Yahoo!, Nesrcape, Sun Microsystems, Compaq, Digital Equipment và American Online (AOL), Facebook, Twitter, LinkedIn, Zynga và Groupon đã thành công nhờ kêu gọi vốn đầu tư mạo hiểm vào thời kỳ đầu trong quá trình phát triển của mình. Nhiều trong số đó đã trở thành những công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất hiện nay như Facebook, Twitter, LinkedIn, Zynga và Groupon.

Thực tế trên cũng đang xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Trong làn sóng các công ty kinh doanh về thương mại điện tử hay quảng cáo, online marketing mọc lên như nấm sau mưa, đã có nhiều công ty khởi nghiệp (start up) lọt vào mắt xanh của các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Trong số đó có CleverAds do Nguyễn Khánh Trình ươm mầm cùng người bạn, với số vốn khởi nghiệp 40 triệu đồng.

Với Trình, đây là một câu chuyện dài. “Cách đây 5 năm, tôi nhận được thư đề nghị một cuộc gặp mặt đến từ anh chàng người Nhật Bản đang làm ở Quỹ đầu tư Cyber Agent Ventures.

Lúc đó, do công ty mới thành lập được một năm, nên tôi không nghĩ gì nhiều về mô hình kinh doanh, cứ cắm cúi vào làm. Nhưng đúng là các quỹ đầu tư có con mắt nhìn tổng quát hơn rất nhiều. Trong khi tôi không hề có dữ liệu để đánh giá, thì họ đã mang đến cho tôi những con số về quy mô thị trường, tiềm năng tăng trưởng. Đặc biệt, tôi rất bất ngờ khi họ đề nghị mua 20% cổ phần”, anh kể.

Tuy nhiên, lúc đó, quỹ đầu tư này định giá công ty 1 triệu USD, một mức giá thấp hơn rất nhiều so với thị trường, nên Trình đã từ chối. Năm 2010, Cyber Agent Ventures quay lại định giá công ty 5 triệu USD và bỏ ra 1 triệu USD để đổi lấy 20% cổ phần. Anh quyết định bán, vì đó là thời điểm anh muốn các mô hình kinh doanh của mình trở nên chuyên nghiệp hơn.

Sau thương vụ đó, ngoài tiền, anh còn có thể thiết lập được mối quan hệ với các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực Internet, online marketing. “Tôi rất tin tưởng vào công ty Nhật Bản và hiện hai bên đều rất hài lòng về sự hợp tác này. Họ hỗ trợ tôi rất nhiều về quản lý doanh nghiệp, về tầm nhìn. Các doanh nghiệp khởi nghiệp khác, nếu có cơ hội, cũng nên tìm đến đầu tư của họ, tiền cứ chảy vào Việt Nam là tốt rồi”, anh hồ hởi.

2. Từ những hạt giống đầu tiên đó, CleverAds đã nảy mầm thành cây xanh khỏe mạnh. Tháng 12/2011, CleverAds chính thức trở thành đối tác cao cấp đầu tiên của Google tại Việt Nam (Google Premier SMB Partner). Trải qua 6 năm cung cấp và không ngừng cải tiến dịch vụ, CleverAds trở thành đại lý quảng cáo đóng góp thị phần lớn nhất trong các đối tác của Google tại Việt Nam, với 40% thị phần và đội ngũ kỹ thuật được đánh giá là số 1 trên toàn thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến hết năm 2013, CleverAds đã có 5 năm liên tiếp giữ thị phần Google Adwords lớn nhất tại Việt Nam.

Tháng 12/2013, CleverAds lại bắt tay với Facebook khi trở thành đại lý bán lẻ quảng cáo (Authorized Reseller) đầu tiên của Facebook tại Việt Nam. Theo đó, CleverAds sẽ mang đến cho các doanh nghiệp Việt dịch vụ tốt nhất với những tư vấn chiến lược và hỗ trợ tối đa trong mảng quảng cáo Facebook.

Nếu như Google luôn đưa ra tiêu chí khắt khe khi bắt tay với CleverAds thì Facebook hoàn toàn ngược lại. “Tôi nghĩ điều này là dễ hiểu. Đây là nước cờ khôn ngoan để rút ngắn thời gian thâm nhập thị trường của Facebook, khi họ lấy được toàn bộ những đối tác, khách hàng của Google đang nằm trong tay chúng tôi”, anh nhận định.

Song cần phải nhắc lại, hơn 3 năm qua, việc bán quảng cáo của Facebook ở Việt Nam đã rất phổ biến, chỉ có điều, khi họ tìm một đối tác chính thức để hoạt động chứng tỏ đã đến lúc họ không thể bỏ qua thị trường tiềm năng này. Facebook đang thực hiện chiến thuật tập trung vào xây dựng thêm các sản phẩm tiện ích cho khách hàng tại mỗi thị trường, chứ chưa tập trung bán sản phẩm. Đặc biệt, quan trọng nhất với cả Facebook và CleverAds là làm sao tạo độ phủ lan nhanh nhất.

Những dấu mốc trên khiến CleverAds được mọi người biết đến nhiều hơn, nhưng với người sáng lập, thì CleverAds chưa thực sự bước vào khúc ngoặt chiến lược nào cả. “Lộ trình vẫn ở phía trước, với những nấc thang được chồng cao hơn, chúng tôi còn nhiều việc phải làm”, anh chia sẻ.

Dù không thích dùng từ tham vọng, nhưng mục tiêu chiến lược của anh là đưa CleverAds trở thành công ty agency số 1 trên thị trường Việt Nam và Đông Nam Á về online maketing.

Trước mắt, Công ty đẩy mạnh quảng cáo trên điện thoại di động để đạt mục tiêu bao phủ thị trường điện thoại trong năm sau. 90% thị phần sẽ tập trung ở Hà Nội, TP.HCM, với khách hàng mục tiêu trong các lĩnh vực như du lịch, giáo dục, đào tạo lập trình, tiếng Anh, đặc biệt là khối đào tạo liên kết với nước ngoài, ngành công nghệ cao, viễn thông, các sản liên quan đến giải trí như: game, phim ảnh, chương trình vui chơi...

Không chia sẻ về con số kinh doanh cụ thể, vì cho rằng, sẽ rất nhạy cảm trong bối cảnh này, nhưng anh nhất quyết khẳng định: “Một thị trường Dot - com sẽ có sự bùng nổ lớn, nếu chúng tôi biết đầu tư đúng lúc, đúng chỗ, thì sẽ thu lời nhanh. Đây là ngành không phải đầu tư quá nhiều, mà nằm ở chất xám, những kỹ thuật bền vững”.

Đối với thị trường quốc tế, CleverAds sẽ tập trung vào những thị trường còn nhiều cơ hội. Trong đó, hai thị trường điểm nhấn đầu tiên là Indonesia, Philippines. Indonesia có khá nhiều đặc điểm giống Việt Nam, khá lộn xộn, đông dân, trong khi Internet phát triển nhanh. Còn Philippines vẫn là thị trường còn bỏ ngỏ và khoảng 2 năm sau sẽ đạt tốc độ phát triển như Việt Nam. Nói chung, cả thị trường trong và ngoài nước vẫn còn nhiều cá để bắt, vấn đề nằm ở sự chân thành với mọi khách hàng, từ nhỏ từ đến lớn.

“Quảng cáo trên Google, Facebook không giới hạn về chi phí và chúng tôi cũng vậy. Khi khách hàng bỏ ra bao nhiêu tiền, thì có những dịch vụ tương xứng kèm theo và một điều chắc chắn là dù nhỏ hay lớn, thì cũng luôn được phục vụ một cách chu đáo nhất”, anh nói.

Chính sự chỉn chu đó khiến anh ngày càng trở thành vị sếp khó tính, dù nhìn anh lúc nào cũng dễ gần. “Muốn cung cấp dịch vụ tốt, tôi phải khắt khe với bản thân, công ty và nhân viên của mình”, anh tâm sự.

3. Một người ăn thật, nói thật, làm thật như anh không phù hợp với môi trường nhà nước vốn thụ động, chậm chạp. Đó là lý do để anh rẽ ngang qua kinh doanh khi còn là giảng viên của Trường đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 2007. Một năm sau, anh thành lập CleverAds, tự phong mình thành Giám đốc. Trong quá trình đó, anh vẫn đi dạy ở Đại học FPT, tại Hà Nội Aptech, làm miễn phí cho 1 công ty kiểm định của Pháp.

Trải qua quá trình đó, anh đã nhận ra, dù mình chọn công việc như thế nào thì vẫn phải lao động để mưu sinh và để có tiền thì phải làm thật tốt công việc mình đang làm. Còn để có nhiều tiền, để giàu thì phải tạo ra sự khác biệt so với những người cũng đang làm công việc giống mình, cho dù là bán phở, đi dạy hay làm việc ở Google.

Làm kinh doanh thật lắm áp lực, nhiều âu lo. Mỗi buổi sớm thức dậy, những con số ở đâu cứ tự nhiên ập đến và nhảy múa trong đầu, khiến những lo toan, tính toán lại bắt đầu. Rồi những câu hỏi, những lời giải đáp cứ tự nhiên xuất hiện trong đầu như thể anh đang nói chuyện với một người khác vậy.

“Từ khi bắt đầu nghiệp kinh doanh, chưa bao giờ tôi trọn một giấc ngủ thoải mái, lúc nào cũng suy nghĩ, vật lộn với những con số phức tạp và đáng gờm. Để rồi, mỗi sáng thức dậy, tôi soi gương và bất giác nhận ra rằng, mình đã già đi. Và nét mặt có phần nhàu nhĩ, nhưng ánh mắt cương nghị hơn”, anh chia sẻ.

Theo Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo