Bán vốn Nhà nước không thể như mớ rau
Về việc rút vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành của DNNN, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, phải hình dung được là trong một nền kinh tế đang khó khăn như hiện nay thì việc bán vốn rất khó, nhất là đòi bán ngay.
Lộ trình triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đến năm 2015 phải cơ bản hoàn thành cổ phần hoá (CPH), hoàn thiện thể chế quản lý, giám sát DNNN… trong đó vấn đề rút vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành là một bước quan trọng trong quá trình này. Phóng viên TBNH có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm uỷ Ban Kinh tế Quốc hội về vấn đề này.
Theo ông, tiến trình tái cơ cấu DNNN đã thực hiện được đến đâu?
Đối với DNNN chúng ta đã có lộ trình thực hiện CPH để tái cơ cấu. Nhưng vấn đề của lộ trình tái cơ cấu là phải làm rõ được vai trò của chủ sở hữu và quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và thể hiện nó bằng luật. Đối với vấn đề thoái vốn của các DNNN vào các ngành nghề khác cần phải hiểu là trước đó, việc các DNNN đã đầu tư vốn ra ngoài ngành là phù hợp với quy luật phát triển của kinh tế thị trường.
Theo quan điểm cá nhân của tôi, chỉ có những DN kinh doanh không có lãi ở những ngành nghề khác và không bố trí đủ nguồn nhân lực vào quản lý ở lĩnh vực đó thì phải rút vốn đã đầu tư bằng nhiều hình thức bán, rút vốn, chuyển nhượng…
Như vậy đang có hai phương án về mô hình đại diện chức năng chủ sở hữu (CSH), một là Chính phủ lập Ủy ban quản lý làm đại diện CSH, hai là giao cho các bộ ngành, địa phương. Vậy ý kiến của ông?
Mỗi một mô hình có một mặt mạnh và yếu khác nhau. Mô hình giao về cho các bộ, ngành quản lý là mô hình “bộ chủ quản”. Nhưng vấn đề hiện nay phải xác định nền kinh tế vĩ mô của chúng ta không ổn định nên ảnh hưởng tới hoạt động của các DN, làm cho tỷ trọng đóng góp của DNNN vào nền kinh tế không được như mong muốn. Và động tác đầu tiên là chúng ta phải dừng mô hình hoạt động của DNNN lại, để quan sát và nhận định xem là những mô hình DNNN mà chúng ta áp dụng sau 10 năm (từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa IX năm 2003), thấy có những vấn đề gì chưa ổn và phải kiểm điểm, tổng kết lại để có một mô hình mới phù hợp hơn. Như vậy, đề án tái cơ cấu DNNN mà Bộ Kế hoạch trình Chính phủ đang trong quá trình đúc kết để đi đến kết luận cuối cùng.
Ông có thể cho biết về con số vốn mà các DNNN đã đầu tư ngoài ngành?
Theo tôi biết, số vốn mà DNNN đã đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính chỉ khoảng 5% trên tổng số vốn chủ sở hữu của khối DN này. Chúng ta cứ nói quá lên về việc đầu tư ngoài ngành của các DNNN, nhưng nếu đúng về bản chất kinh tế thì không đến mức vậy.
Chẳng hạn, đối với tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có công ty con là Công ty Thông tin Viễn thông điện lực (EVN Telecom), mà mọi người không biết xuất phát của vấn đề là từ việc điều hành đường dây 500kv Bắc Nam, mà trong đó có một sợi cáp quang. Nếu chỉ điều hành một đường dây 500kv thì là lỗ. Vậy nó phải kinh doanh thêm, mà EVN đã có công ty đảm bảo liên lạc và dựa trên cơ sở đó đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong tổng sơ đồ phát triển viễn thông Việt Nam thì có 3 DN làm công nghệ GSM và 3 DN làm công nghệ CDMA (trong đó có EVN Telecom) và hiện nay công nghệ CDMA có kết cục buồn tại Việt Nam khiến EVN thua lỗ khi đầu tư vào EVN Telecom.
Đến năm 2015 việc rút vốn của DNNN trong lĩnh vực ngân hàng như thế nào, thưa ông?
Đối với việc rút vốn của các DNNN khỏi ngân hàng là phải làm và làm đúng lộ trình, thậm chí còn phải đi trước một bước thì ngành Ngân hàng mới tái cơ cấu được.
Nhưng việc rút vốn này đang gặp khó khăn vì giá chào bán dù thấp hơn giá trị sổ sách. Vậy ý kiến của ông thế nào?
Vấn đề là bán cả giá trị tiềm năng chứ không chỉ là giá trị trên sổ sách. Nếu nhà đầu tư nhìn thấy được thì họ sẵn sàng mua với giá mà đơn vị rút vốn đưa ra. Phải hình dung được là trong một nền kinh tế đang khó khăn như hiện nay thì việc bán vốn rất khó, nhất là đòi bán ngay. Đây không phải là mớ rau, mà muốn bán mớ rau thì thậm chí người ta cũng phải bày từ sáng đến trưa mới có người mua. Chứ có phải bày ra là bán được ngay đâu.
Các DNNN khi rút vốn khỏi ngành Ngân hàng, muốn bán cổ phần với giá mà chỉ nhà đầu tư nước ngoài mới đủ khả năng. Trong trường hợp ngân hàng đó đã hết “room”, thì Nhà nước có bán cho nhà đầu tư nước ngoài không?
Chúng ta cứ theo luật mà làm. Luật định hướng thị trường . Còn việc nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài vào ngân hàng thì điều này còn tùy thuộc vào từng ngân hàng cụ thể và tình hình cụ thể của ngân hàng đó. Vì mỗi trường hợp của mỗi ngân hàng là khác nhau.
Xin cảm ơn ông!
Theo TBNH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo