Bánh kẹo ngoại chiếm lĩnh thị trường Việt
Tâm lý người Việt sính hàng ngoại
Ghi nhận của phóng viên DNVN, tại các siêu thị trên địa bàn TP. Hà Nội, bánh kẹo ngoại rất đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại. Kệ trưng bày bánh kẹo ngoại nhập ngày càng tăng nhanh các thương hiệu, sản phẩm đến từ ASEAN như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Đức, Đan Mạch, Pháp, Mỹ,… khi thuế nhập khẩu hàng hóa đã về 0%. Ngoài ra, những năm gần đây, chính sách mở cửa của nền kinh tế đã thu hút lượng lớn doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại thị trường Việt Nam, đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm cao cấp, chất lượng cao với nhiều mẫu mã đẹp mắt.
Nói về bánh kẹo ngoại phải kể đến các thương hiệu: Royal British, Butter Richy (Malaysia); Red rose (Indonesia); Michio (Thái Lan); Lambertz (Đức); Peperidge Farm (Mỹ); Choclairs, Lu (Pháp); Royal Dansk, Danisa (Đan Mạch)… Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm được sản xuất từ socola, sữa, trứng, trên thị trường còn xuất hiện nhiều loại bánh được làm từ trà xanh, dưa, mè, hạnh nhân, đậu phộng, đậu nành, lúa mì… Song song với việc cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng, bánh kẹo ngoại còn chủ động tiếp cận thị trường bằng giá cả hợp lý đến với người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, bánh kẹo Malaysia, Indonesia, Thái Lan có mức giá rẻ hơn so với bánh kẹo nhập khẩu từ Đức, Pháp, Mỹ. Đặc biệt bánh kẹo nhập từ Thái Lan, giá cả “mềm” hơn nhiều so với nhập từ châu Âu hay Nhật, Mỹ. Chất lượng tốt, chủng loại đa dạng, giá “dễ chịu” là lý do quan trọng giúp bánh, kẹo, mứt, hoa quả sấy khô của xứ Chùa Vàng “lên ngôi” trên thị trường Việt.
Tại một số hệ thống siêu thị Hà Nội như: Big C, Fivimart, Coopmart,…bánh kẹo chủ yếu có nguồn gốc từ: Pháp, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,Indonesia, Malaysia,… Giá cả giao động từ 70.000 - 300.000 đồng. Ngay cả những mặt hàng có cao hơn từ 500.000 - 1.000.000 đồng cũng thu hút sự lưu tâm của người mua thường làm quà tặng, biếu Tết.
Chị Yến - khách hàng sắm đồ tết tại một đại lý khu vực Hà Đông (Hà Nội) cho hay: “vì giá cả cũng không chênh lệch nhiều lắm nên gia đình chị thường chọn bánh kẹo ngoại hoặc hàng Việt phải có nhãn mác thương hiệu rõ ràng. Không những thấy được đảm bảo khi ăn mà hình thức mang biếu tặng trông sang trọng hơn hẳn”.
Bánh kẹo nội gồng mình cạnh tranh với bánh kẹo ngoại
Do vào mùa dịp Tết Nguyên Đán nhu cầu mua làm quà biếu tặng tăng cao nên các loại bánh kẹo ngoại nhập được tiêu thụ mạnh. Để cạnh tranh với sản phẩm bánh kẹo ngoại nhập trên thị trường Tết, một số doanh nghiệp (DN) trong nước đã có những bước đi riêng để đến được tay người tiêu dùng.
Như Công ty Mondelez Kinh Đô, cung ứng cho thị trường Tết trên 40 loại bánh các nhãn hiệu Orion, Cosy, Lu, Oreo, Solite, Ritz, Afc... với giá rất linh động từ 40.000 - 200.000 đồng/sản phẩm để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn. Đặc biệt dòng bánh Cosy, Lu, được Kinh Đô chăm chút kỹ về bao bì, mẫu mã, mang đến một diện mạo mới sang trọng nên được người tiêu dùng “săn đón” nhiều hơn trong dịp Tết năm nay.
Đại diện của Công ty Kinh Đô cho biết: Năm nay, công ty tiếp tục quảng bá chiến dịch “Thấy Kinh Đô là thấy tết” và ra mắt nhiều sản phẩm mới. Danh mục sản phẩm tết phong phú sẽ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng từ cao cấp đến phổ thông, với giá cả hợp lý.
Nhằm làm phong phú hơn cho sản phẩm nội, kẹo mềm ngũ quả, phúc - lộc - thọ, phát tài, phát lộc tiếp tục có mặt trên thị trường. Điều đặc biệt, điểm nhấn của bánh kẹo Việt là mang đậm chất truyền thống, có ý nghĩa sum họp, đoàn viên, phát tài… Ngoài sản phẩm bánh kẹo đơn lẻ, giỏ quà tết thuần Việt phong phú cả về chủng loại và kích cỡ cũng đáp ứng trọn vẹn nhu cầu biếu tặng đa dạng của doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Quốc Hoàng - Tổng giám đốc Pan Food - nhận định: Thị trường bánh kẹo đang có sự so găng gay gắt giữa các sản phẩm nội - ngoại. Mong muốn giành thị phần, bánh kẹo Việt sẽ phải nỗ lực hơn nữa để phát triển. Hiện nay, bánh kẹo Việt cải tiến đáng kể về chất lượng do ứng dụng dây chuyền sản xuất hiện đại, bao bì được thay mới không thua kém các sản phẩm ngoại nhập.
Ông Hoàng cho rằng, để tận dụng lợi thế sân nhà, các DN Việt cần hiểu và nhạy bén hơn trước những xu hướng mới. Tập trung vào các sản phẩm dinh dưỡng, nguyên liệu tự nhiên vì hiện nay vấn đề an toàn thực phẩm đang là mối lo ngại hàng đầu của người tiêu dùng. Doanh nghiệp phải đầu tư, mở rộng danh mục sản phẩm mới, thương hiệu mới, tạo ra nhiều hương vị, chủng loại mới đang thịnh hành hoặc có nhiều tiềm năng trên thị trường Việt.
Có thể thấy, trong một thời gian khá dài, bánh kẹo nhập khẩu xâm nhập mạnh vào thị trường nước ta và không ngừng gia tăng thị phần, đã buộc các DN bánh kẹo trong nước phải tự đổi mới. Nếu không có chiến lược kinh doanh tốt và cách triển khai bài bản, các DN bánh kẹo trong nước khó có thể tồn tại. Ngoài sự đầu tư vào công nghệ, dây chuyền, phải kể đến sự đầu tư trong việc tương tác giữa các kênh phân phối từ thành thị đến nông thôn. Một điểm cần lưu ý nữa là các nhà sản xuất bánh kẹo trong nước cần liên kết với nhau hoặc mở rộng hợp tác với nước ngoài, phướng án này có thể được coi mở thêm ra một hướng mới cho bánh kẹo trên thị trường Việt, tạo thêm sức hút cho tâm lý người tiêu dùng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines