Thị trường

Bành trướng rồi phá sản, siêu thị điện máy liều chết

Sau khi rầm rộ mở rộng, không ít siêu thị điện máy đối mặt với khó khăn rồi phá sản. Đua nhau bành trướng rồi phá sản cả loạt là hai thái cực trên thị trường điện máy 2013.

Cuộc đua mở chuỗi siêu thị điện máy

Trên thị trường bán lẻ điện máy năm 2013, sức mua giảm sút đáng kể. Thống kê sơ bộ của các DN chỉ bằng 70% so với 2012. Dù liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mãi, nhưng nhiều siêu thị vẫn không tránh khỏi vắng khách, thua lỗ rồi phá sản đóng cửa.
 
Đối mặt với nhiều rủi ro nhưng các siêu thị mới vẫn mọc ra như "nấm sau mưa". Nhiều thương hiệu vẫn tiếp tục thực thi tham vọng ‘bành trướng’ thành chuỗi bán lẻ điện máy.
 
Thế giới số Trần Anh trong năm 2013 đã mở một loạt siêu thị điện máy tại nhiều địa điểm ở nội thành và các vùng mới phát triển ở Hà Nội. HC (HomeCenter) cũng không thua mở 2 siêu thị mới tại Hà Nội và một loạt tỉnh phía Bắc. Media Mart mở siêu thị thứ 7 tại Hà Nội và bắt đầu "tấn công" Hải Phòng. Pico cũng mở thêm siêu thị mới ở Hà Nội.
 
Siêu thị điện máy, mở nhiều rồi cùng nhau phá sản.
 
Theo các DN, đây là thời điểm BĐS giảm giá, thuận lợi để tìm kiếm mặt bằng giá rẻ. Lãi suất cho vay giảm mạnh, các NH đang thừa vốn nên tìm nguồn tín dụng lãi suất thấp không khó khăn.
 
Trong khi đó, thị trường điện máy hiện dù có mức độ cạnh tranh gay gắt nhưng chưa có nhà bán lẻ nào chiếm quá 10% thị phần. Vì thế, đây vẫn được cho được cho là một thị trường tiền năng, các nhà đầu tư vẫn nuôi tham vọng mở rộng, chờ đợi kinh tế phục hồi trong tương lai.
 
Tuy nhiên, trong cuộc đua "một mất một còn" này, các DN đối mặt với rất nhiều mạo hiểm và rủi ro.
 
Được biết, hầu hết các siêu thị mới mở đều sử dụng vốn vay lớn và dùng ngay chính siêu thị cùng hàng tồn kho thế chấp. Điều này giải thích vì sao nhiều DN mở 3 - 5 siêu thị trong một thời gian ngắn khi đầu tư hạ tầng, hàng hóa đều dựa vào nhà cung cấp và ngân hàng.
 
Không chỉ liên tiếp mở siêu thị mới, các DN còn chơi liên khúc khuyến mãi suốt cả năm. Cứ kiếm được cớ là khuyến mãi, nào là mùa hè xanh, mừng năm học mới, đón chào Seagame, tháng vàng... với mức giảm giá "khủng" từ 30% tới 50% trong thời gian dài.
 
Làn sóng phá sản
 
Cuối tháng 8, đầu tháng 9/2013, chuỗi 3 siêu thị điện máy HomeOne của Công ty Dịch vụ bán lẻ Tiên Phong tại TP Hồ Chí Minh đã phải đóng cửa vì thua lỗ. Nhiều tháng trước đó, HomeOne đã nợ tiền thuê mặt bằng, tiền lương nhân viên lên tới hàng tỷ đồng.
 
Được biết, khi mới thành lập, năm 2011, HomeOne có số vốn khoảng 200 tỷ đồng, nhưng sau 2 năm đã đốt hết và phải ngừng hoạt động.
 
Tại Hà Nội, nhiều chuỗi siêu thị lẻ điện máy đang ngấp nghé bờ vực phá sản. Hiện có DN sở hữu 7 siêu thị điện máy lớn, đang gánh khoản nợ lên tới 600 tỷ đồng, liên tục bị các NH và công ty bảo hiểm đưa ra cảnh báo. Chỉ cần một NH quyết định khởi kiện đòi nợ, chuỗi siêu thị này sẽ phá sản.
 
Cạnh tranh tiêu diệt đối thủ là chiến lược của nhiều hệ thống siêu thị.
 
Hệ thống siêu thị Việt Long, một trong những thương hiệu Việt đầu tiên trong lĩnh vực bán lẻ điện máy nay đang trong tình cảnh hết sức khó khăn. Nhiều nhà cung cấp không còn chịu bán hàng trả chậm, mà yêu cầu Việt Long phải thanh toán ngay. Giữa năm nay Việt Long đã phải đóng cửa siêu thị điện máy lớn tại Hà Đông.
 
Trong quý III/2013, một đại siêu thị điện máy tại đường 32 - Hà Nội với cả chục ngàn m2 nhưng doanh số mỗi ngày chỉ được 200 triệu đồng cũng đã phải đóng cửa.
 
Ngay cả các ông lớn, trường vốn như Trần Anh, chỉ riêng quý 3/2013, theo báo cáo tài chính đã thua lỗ trên 11 tỷ đồng.
 
Theo tính toán của chính các DN, để vận hành 1 siêu thị, chi phí mỗi tháng 2 - 3 tỷ đồng, một năm khoảng 36 tỷ đồng. Để hòa vốn thì các DN phải đạt doanh số 15 tỷ đồng/tháng, tính ra mỗi ngày phải bán được 500 triệu đồng. Dưới mức này coi như thua lỗ.
 
Mặc dù có không ít kẻ "thập tử nhất sinh" nhưng "cuộc chiến" giữa các siêu thị điện máy vẫn rất khốc liệt. Mục đích chính là giành giật thị phần và tiêu diệt lẫn nhau.
 
Theo tính toán, chi phí từ khâu nhập hàng đến phân phối, bán lẻ, các mặt hàng điện máy hiện nay cần phải tăng giá từ 15-20% DN mới trang trải đủ chi phí. Song ngược lại, các siêu thị đã liên tiếp khuyến mãi, nhiều mặt hàng có thời điểm phải giảm giá tới 50% để kéo khách.
 
Chiến lược phổ biến của các DN bán lẻ điện máy hiện nay vẫn là giá thấp, phi lợi nhuận... để đánh lại đối thủ.
 
Vì thế, hễ 1 siêu thị nào sắp tung ra chương trình khuyến mãi thì các siêu thị khác tung quân đến thám thính, nghiên cứu kỹ chương trình của đối thủ và ngay lập tức tung đòn trước, đối thủ giảm giá mặt hàng nào, bao nhiêu thì cũng giảm giá những mặt hàng đó thấp hơn để phá triệt hạ đối thủ.
 
Đây là cách làm liều chết và cùng cầm tay nhau đến bờ vực phá sản.
 
Về quê cầu khách
 
Để tồn tại, một số DN điện máy đã mở rông về các địa phương như Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Dương, Về tỉnh, chi phí thuê mặt bằng, nhân công đều thấp hơn đô lớn. Trong khi đó, nhu cầu hàng điện máy, gia dụng cũng khá cao.
 
Vấn đề của thị trường tỉnh lẻ là khả năng thanh toán thấp. Vì vậy, phải tìm ra nguồn hàng có giá rẻ, cộng với chế độ bảo hành bảo dưỡng tốt để hút khách.
 
Thực tế, các siêu thị điện máy vừa mở ở tỉnh đều có doanh số khá tốt. Khi nhận ra điều này, các siêu thị đang mở cuộc "đại khai phá" đưa thống siêu thị về quê. "Cuộc chiến" của các DN điện máy được dự báo sẽ chuyển từ phố về quê.
 
Tuy nhiên, khi nhiều siêu thị cùng mở về địa phương, cùng cạnh tranh theo kiểu đại hạ giá để tiêu diệt lẫn nhau như hiện nay thì nguy cơ cảnh báo về thua lỗ phá sản là khó tránh khỏi.
VietnamNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo