Xã hội

Báo cáo tình hình triển khai công tác ứng phó bão MUJIGAE

(DNVN) - Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên ta vừa có báo cáo phục vụ hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó với bão số 4 (bão MUJIGAE) cho biết đã thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 46.049 phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản/231.312 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Theo báo cáo lượng mưa từ 19h00’ ngày 01/10 đến 07h00’ ngày 02/10, các khu vực trên cả nước rải rác có mưa, mưa vừa, lượng mưa phổ biến dưới 50mm. Một số trạm có lượng mưa lớn như: Minh Đài (Hòa Bình) 87 mm, Trị An (Đồng Nai) 150 mm.

Báo cáo của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCLB, TKCN Bộ đội Biên phòng, tính đến 11h00 ngày 02/10, Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng đã thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 46.049 phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản/231.312 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Ảnh minh họa.

Các hồ chứa của các tỉnh miền núi phía Bắc đều đạt từ 70- 90% dung tích thiết kế, một số hồ đã  đạt mức cao như: Pa Khoang 103% (Điện Biên), Bò Lạc 100%, Vân Trục 99% (Vĩnh Phúc), Khuôn Thần 100%, Cấm Sơn 94% (Bắc Giang), Khe Chè 100%, Chúc Bài Sơn 98%, Yên Lập 93% (Quảng Ninh), Tà Keo 91% (Lạng Sơn).

Nên đọc

Các hồ chứa của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An mực nước còn thấp, chỉ đạt khoảng 30-65% dung tích thiết kế, một số hồ đã đạt mức cao như: Đồng Chùa 99% (Thanh Hóa), Sông Sào 91% (Nghệ An).

Các hồ chứa khu vực Tây Nguyên đều đạt từ 70- 90% dung tích thiết kế, một số hồ đã đầy nước. Các hồ chứa các khu vực khác hiện mực nước còn thấp và đạt khoảng 25-60% dung tích thiết kế.

Tình hình sản xuất nông nghiệp, theo báo cáo của Cục Trồng trọt, tình hình sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh phía Bắc đến Thanh Hóa như sau: Tổng diện tích là 1.332 nghìn ha, trong đó: vụ Hè Thu (Bắc Trung Bộ) 159 nghìn ha; vụ Mùa 1.173 nghìn ha. 

 

Về Lúa Hè Thu (tại các tỉnh Bắc Trung Bộ): Gieo trồng 152 nghìn ha, đã thu hoạch xong, theo đánh giá lúa Hè Thu năm nay năng suất cao hơn cùng kỳ năm 2014.  Lúa vụ Mùa: Gieo trồng: 1.155 nghìn/1.173 nghìn ha (đạt 98,5% kế hoạch). Hiện lúa đã trỗ: 1.100 nghìn ha/1.155 nghìn ha gieo cấy (đạt 95%). Diện tích lúa mùa đã cơ bản trỗ xong chỉ còn một số giống địa phương, giống phản ứng ánh sáng ngày ngắn sẽ trỗ cuối tháng 9, đầu tháng 10.  Thu hoạch: 100 nghìn ha lúa Mùa sớm. Dự kiến thu hoạch lúa vụ Mùa tập trung từ ngày 5-15/10.

Đầu tháng 9 do Ảnh hưởng của mưa vừa đến rất to ở diện rộng toàn miền Bắc, đúng vào giai đoạn lúa trỗ và phơi màu tập trung do vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thụ phấn của cây lúa; do vậy đánh giá sơ bộ diện tích lúa trỗ vào thời gian qua có thể tỷ lệ hạt lép khoảng 30-35%.

Các tỉnh ven biển cần tiếp tục theo dõi, bắn pháo hiệu, kiểm đếm nắm bắt tình hình hoạt động của tầu thuyền; thông báo kịp thời, đầy đủ cho chủ các phương tiện, ngư dân, tàu vận tải, tàu du lịch đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là phía Bắc Biển Đông từ Bắc vĩ tuyến 15 và Đông kinh tuyến 113 (vùng nguy hiểm sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến của bão). 

Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người vùng trũng thấp, vùng ven sông, ven biển và lồng bè nuôi trồng thủy sản ven biển; Chủ động cấm biển trong những ngày tới khi xác định vùng bão đổ bộ và vào gần bờ.

Đối với khu vực miền núi cần theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa, lũ; rà soát và sẵn sàng phương án di dời dân cư vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực hầm lò, mỏ than, khoáng sản tại tỉnh Quảng Ninh đã bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua.

 

Tăng cường công tác kiểm tra hồ đập, chỉ đạo các chủ hồ bố trí lực lượng thường trực, theo dõi, vận hành hồ, đặc biệt đối với các hồ đã đầy nước; các hồ đang thi công, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý khi có tình huống xảy ra. Tăng cường tuyên truyền thông tin về diễn biến bão, mưa, lũ đến người dân để chủ động ứng phó.

Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ cần tổ chức kiểm tra hiện trạng hệ thống đê điều và công trình phòng lũ, sẵn sàng phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn đê theo cấp báo động. 

Khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Chủ động triển khai phương án tiêu nước đệm, tiêu úng đảm bảo sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước đô thị tại các thành phố lớn. Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo đảm bảo kịp thời phù hợp với diễn biến của bão, mưa lũ để phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó. 

Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, truyền thông kịp thời về diễn biến cơn bão số 4 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và các cấp địa phương đến cơ sở và người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh.

Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, duy trì lực lượng, trang thiết bị tại những khu vực có nguy cơ xảy ra mưa, lũ, sạt lở để sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.

 

Vào lúc 22h ngày 1/10, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện số 29/CĐ-TW gửi Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa; Ban chỉ huy PCTT và TKCN các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc Phòng, Giao thông Vận tải, Ngoại Giao.

Công điện yêu cầu thông báo kịp thời, đầy đủ cho chủ các phương tiện, ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, không đi vào hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Khu vực nguy hiểm được xác định trong 24 giờ tới là phía Bắc Biển Đông từ vĩ tuyến 13 trở lên (vùng nguy hiểm sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến của bão).
Theo dõi, kiểm đếm nắm bắt tình hình hoạt động của tầu thuyền, chủ động quản lý việc ra khơi và giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các bản tin dự báo để chủ động các phương án ứng phó. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để chủ động ứng cứu khi có yêu cầu.

Thành Sen
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo