Báo cáo việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN trong tháng 9
Cụ thể, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp theo kế hoạch; tập trung hoàn thành các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm, nghiệp; kịp thời giải quyết theo thẩm quyền những vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp để sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch năm 2015 và tiếp tục rà soát, bổ sung kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; xây dựng phương án tổng thể sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp; phân loại đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện để chuyển thành công ty cổ phần.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, rà soát, phân loại và lập phương án tổng thể thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đầu tư vào các lĩnh vực: bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2015.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu câu Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát trong việc thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cùng với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được giao; tổng hợp những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện tái cơ cấu để chuyển các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Tài Chính, sau hơn 4 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN, tình hình sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn 2011 - 2015 về cơ bản đã đạt được một số kết quả.
Theo đó, hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DNNN có nhiều cải thiện; vốn chủ sở hữu tăng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn và doanh thu đạt 10 - 15%, nộp NSNN tăng 27%/năm, đóng góp khoảng 30% thu NSNN, 32% GDP. Trên 80% DNNN có lãi và 11,7% doanh nghiệp lỗ. Vốn chủ sở hữu năm 2012 tăng 26% so với năm 2011, năm 2013 tăng 4,1% so với năm 2012; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu so tương ứng là 16,37% (trong đó các tập đoàn, tổng công ty là 16,94%; năm 2013 là 15,4%). Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1,52 lần (TĐKT, TCTNN là 1,46 lần, năm 2013 là 1,58 lần), nằm trong giới hạn cho phép (3 lần).
Kết quả này là do tiến độ sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu các DNNN đã được thực hiện khẩn trương về mọi mặt. Cụ thể: Sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) DNNN: Các quy định về sắp xếp, CPH liên tục được thực hiện, bảo đảm chặt chẽ và ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mua được cổ phần, tăng cường tính công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường và gắn kết với phát triển thị trường vốn. Đặc biệt, đã quy định về bán cổ phần ra ngoài doanh nghiệp bằng hình thức đấu giá nhằm xóa bỏ cơ chế CPH khép kín trong doanh nghiệp CPH.
Trong 6 tháng đầu năm 2015 cả nước đã thực hiện sắp xếp được hơn 7.000 doanh nghiệp, trong đó CPH 4.300 doanh nghiệp. Giai đoạn 2011 - 2013, cả nước đã sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó CPH 99 doanh nghiệp và sắp xếp theo các hình thức khác 81 doanh nghiệp. Theo kế hoạch, sẽ CPH 432 doanh nghiệp trong 2 năm 2014 - 2015. Trong năm 2014, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 167 doanh nghiệp, tăng gấp 1,65 lần năm 2013, trong đó, CPH 143 doanh nghiệp, tăng gấp gần 2 lần năm 2013.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước CPH 61 doanh nghiệp (trong đó có 5 TCTNN và 56 doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp), 46 doanh nghiệp thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu và thoái vốn thông qua sở giao dịch chứng khoán, bằng 28% số lượng cả năm 2014. Trong số 221 doanh nghiệp thực hiện CPH trong năm 2015 theo kế hoạch, có 44 doanh nghiệp đã công bố giá trị doanh nghiệp, 127 doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp.
Tiến độ tái cơ cấu: Hết quý I/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án của 20/20 tập đoàn, TCTNN thuộc thẩm quyền. Các bộ, địa phương đã phê duyệt 70 đề án của TCTNN trực thuộc. Trên cơ sở đề án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các TĐKT, TCTNN đã và đang triển khai phương án sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý điều hành, đẩy mạnh việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị thành viên, đi đôi với việc tái cơ cấu lao động, triển khai nghiên cứu, bổ sung các chính sách và mô hình quản trị hiện đại, phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp sau tái cơ cấu.
Tình hình thoái vốn (ra khỏi 5 lĩnh vực nhạy cảm: bất động sản, chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư, tính từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26/11/2011): Năm 2012, thoái vốn 348 tỷ đồng, thu được 356 tỷ đồng; Năm 2013, thoái được 874 tỷ đồng, thu được 745 tỷ đồng; Trong giai đoạn 2014 - 2015, các TĐKT, TCTNN tiếp tục thực hiện thoái vốn theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Năm 2014, thoái được 4.184 tỷ đồng, thu được 4.292 tỷ đồng; 2 quý đầu năm 2015, thoái được 7.522 tỷ đồng, thu được 11.161 tỷ đồng, bằng 1,48 lần giá trị sổ sách. Tính đến quý I/2015, số vốn đã thoái là 8.213 tỷ đồng và số thu về là 8.599 tỷ đồng.
Được biết, trong Quý III/2015, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có yêu cầu yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp phải hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa 44 doanh nghiệp và ban hành quyết định công bố giá trị 127 doanh nghiệp. Trong Quý IV/2015, hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa của 127 doanh nghiệp nêu trên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc