Báo chí thế giới đánh giá cao sự tăng trưởng của nền công nghiệp Việt Nam
Bài báo nhận định các yếu tố như mức lương thấp, ưu đãi thuế để khuyến khích các nhà đầu tư và các thỏa thuận về tự do thương mại đã tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường nước ngoài.
Tờ báo cũng ghi nhận sự tăng trưởng phi thường của các khu công nghiệp Việt Nam và vị trí địa chiến lược của Việt Nam, nằm giữa Trung Quốc và Singapore, tiếp giáp với Biển Đông - một trong những tuyến đường hàng hải lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, tờ này cũng lưu ý sự phụ thuộc vào ngành xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trong các cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại khác, như Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Tương tự, với tựa đề "Việt Nam đang trở thành trung tâm công nghiệp mới của Đông Nam Á", tờ Inquirer.net của Anh nhận định trong hơn 20 năm qua, Việt Nam không ngừng phát triển dần từ một nền kinh tế nông nghiệp trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á.
Tờ này nhấn mạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ này có được là nhờ Việt Nam tập trung phát triển ngành xuất khẩu, sự phát triển của các khu công nghiệp và kinh tế chuyên biệt và được quy hoạch cụ thể, hàng loạt hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và lực lượng lao động trẻ, đông đảo.
Những yếu tố này đã góp phần thu hút một lượng vốn đầu tư đáng kể từ các tập đoàn nước ngoài, điển hình là Samsung đã công bố đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam. Sự kiện này đã tạo dựng niềm tin mạnh mẽ trong mắt nhà đầu tư trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, tờ này cho rằng một trong những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong những năm tới là khả năng thích nghi và ứng phó được với sự gián đoạn và những sự thay đổi tất yếu mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Inquirer.net khuyến cáo để có thể chuyển dịch lên một nấc thang mới trong chu kỳ phát triển khu công nghiệp/logistics cũng như trở nên thu hút và cạnh tranh hơn so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam sẽ cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống đường cao tốc, các cảng biển nước sâu, nâng cao chất lượng hệ thống điện nước.
Trong khi đó, theo mạng tin Bloomberg, Việt Nam cần áp dụng một số biện pháp bảo vệ nền kinh tế của mình, trong đó có giảm tỷ giá hối đoái VND/USD để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá trong nước.
Trong số những biện pháp cần thiết có cả việc cắt giảm chi phí cho các nhà xuất khẩu và nhà sản xuất bằng cách giảm số lượng giấy phép và giấy chứng nhận, cũng như giúp họ tìm kiếm thị trường mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo