Báo động đỏ tồn vong của gần 1000 doanh nghiệp ngành nông nghiệp!
Hiện nay cả nước có gần 9.000 doanh nghiệp nông nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 3,5% trong tổng số doanh nghiệp của tất cả các ngành kinh tế trong cả nước; thu hút gần 400 nghìn lao động, bằng 1,5% tổng số lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp.
Hàng ngàn doanh nghiệp ngành nông nghiệp, sản xuất thức ăn chăn nuôi đang hoạt động ngắc ngoải, trong đó một số lượng lớn đã phá sản rất cần Nhà nước giải cứu và có chính sách hỗ trợ.
Chung quanh vấn đề này, phóng viên DNHN đã có cuộc trò chuyện cùng ông Đoàn Trọng Lý – Ủy viên Thường vụ Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành HIệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu – APROCIMEX.
Vừa qua Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay và lãi xuất huy động, phải chăng đây là tín hiệu đáng mừng để cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, thưa ông?
Ông Đoàn Trọng Lý: Nhà nước và các bộ, ngành cứ nói rằng ưu tiên cho các doanh nghiệp nông nghiệp, nhưng các văn bản hỗ trợ mãi chưa thấy đi vào thực tiễn và không giúp ích nhiều cho doanh nghiệp. Ưu tiên cho nông nghiệp là thông điệp của Ngân hàng nhà nước. Trong ba tháng đầu năm 2012, nhiều con số về xuất khẩu nông sản rất đẹp, nhưng thực tế âm tăng trưởng.
Hàng nghìn doanh nghiệp ngành nông nghiệp phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động, khiến nhà nước không thu được thuế, các ngân hàng không thể thu được lãi và vốn. Ngân hàng cứ tham lãi cao cho lắm vào, đẩy doanh nghiệp vào vòng thua lỗ, không còn tiền trả vốn cho ngân hàng là đương nhiên.
Rõ ràng là ngân hàng “tham bát, bỏ mâm”. Lúc này đừng có mơ hồ huy động được tiền tín dụng giá rẻ ở trong dân. Nói là dân, nhưng dân ở đây chủ yếu là doanh nghiệp, chứ người lao động làm thuê, người không công ăn việc làm thì làm gì có tiền. Trải qua năm năm khủng hoảng, ai có 10 thì mất đến chín rồi, làm gì còn nữa mà bảo huy động tiền trong dân.
Có một đồng chí đại biểu Quốc hội hỏi chúng tôi rằng: Tại sao doanh nghiệp FDI người ta không kêu lãi suất cao, tiếp cận vốn khó? Tôi nói thẳng anh không hiểu gì hết, nước ngoài vào đây đầu tư người ta mang vốn đến, các doanh nghiệp nước ngoài người ta thừa vốn, mà nếu cần vay vốn thì vay ở nước của họ lãi suất chỉ 3-5%/năm.
Sản xuất ở Việt Nam, người ta bán với giá thấp hơn giá của các doanh nghiệp trong nước cũng dư sức đánh bạt các doanh nghiệp nội địa phải chịu lãi vay hơn 20%.
Vào năm 2009, Nhà nước có chính sách hỗ trợ 4% lãi suất cho các doanh nghiệp ngành nông nghiệp, khi ấy lãi suất vay vốn chỉ có 10%/năm, sau khi trừ đi hỗ trợ thì doanh nghiệp phải trả lãi 6%/năm.
Mặc dù chỉ được hỗ trợ một năm, nhưng cái liều thuốc tâm lý ấy đã giúp các doanh nghiệp có niềm tin để đứng vững, rằng doanh nghiệp luôn có Đảng, Nhà nước bên cạnh hỗ trợ. Từ năm 2010 đến nay thì tất cả văn bản hỗ trợ không đi vào cuộc sống, không vào doanh nghiệp, mặc dù các hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị rất nhiều.
Chúng tôi thấy không được cái gì cả, lãi suất vay vốn ngân hàng thì tăng vọt lên 20-22% trong năm 2011 vừa qua, cao gấp ba lần so với lãi suất doanh nghiệp phải trả năm 2009. Nhiều ngân hàng tha hồ thao túng, cho vay đến 25-27% , thậm chí có ngân hàng đòi lãi suất tới 30%.
Có nghịch lý là: Tín dụng ngân hàng, chỉ đưa trần lãi suất huy động chứ không phải là trần lãi suất cho vay. Do đó, xuất hiện tình trạng các ngân hàng kinh doanh trên lưng nhau, ngân hàng có vốn tốt không cho cộng đồng doanh nghiệp vay được thì lại cho ngân hàng nhỏ vay.
Các ngân hàng nhỏ không có thanh khoản thì lại vay của ngân hàng lớn theo một mức lãi xuất trần huy động với mức thấp, nhưng cuối cùng các ngân hàng nhỏ lại cho doanh nghiệp vay với một lãi suất cao, lãi cắt cổ để các doanh nghiệp thua lỗ đến giờ không trả được cả gốc, cả lãi và cả thuế luôn.
Chúng tôi ở dưới cộng đồng doanh nghiệp nhận thấy bây giờ là lúc nguy kịch nhất. Quan điểm giữa tăng trưởng với chống lạm phát đáng lẽ phải cân bằng. Không tăng trưởng, không phát triển kinh tế thì chống thế nào được lạm phát? Lạm phát tự mọc ra trong yếu kém về kinh doanh, về sản xuất, về công nghệ, nhưng nếu không đầu tư vốn cho doanh nghiệp, hàng hóa không được sản xuất ra, lạm phát sẽ càng tăng cao.
Trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông có nhận định gì về tình hình phát triển các doanh nghiệp ngành nhỏ và vừa nói chung và doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nói riêng?
Ông Đoàn Trọng Lý: Rất nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nội địa đã phá sản. Nguyên nhân là các công ty đó không trụ được trước tình hình khó khăn hiện nay: tỷ giá tăng, lãi suất ngân hàng tăng, các chi phí đầu vào như xăng, dầu, điện, nước, cước vận tải, tiền lương, tiền công… đều tăng chóng mặt.
Thị trường thức ăn và chăn nuôi bây giờ gần như đã để cho các doanh nghiệp nước ngoài lấn át hết rồi, các doanh nghiệp trong nước đang ngày một yếu, không thể cạnh tranh nổi. Hầu hết các doanh nghiệp chăn nuôi và sản xuất thức ăn hiện nay rất khó vay được vốn phục vụ sản xuất nên đành hoạt động cầm chừng.
Các ngân hàng công bố lãi suất 17-18% nhưng cộng mọi chi phí vào thì lãi suất vay cũng lên tới 19-21%. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp thậm chí không vay được do là đối tượng rủi ro cao. Trong khi các công ty nước ngoài chỉ vay với lãi suất 2-3%/năm. Nhiều công ty thức ăn chăn nuôi trong nước đóng cửa, chuyển sang buôn nguyên liệu. Với lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản, đã có hơn 30% doanh nghiệp chế biến thức ăn cho cá, tôm đã đóng cửa trong quý I/2012.
Trong khi chi phí đầu vào tăng cao thì giá sản phẩm của doanh nghiệp và nông dân lại giảm. Hiện giá thịt lợn hơi chỉ còn 39.000-48.000 đồng/kg, gà trắng 22.000-24.000 đồng/kg. Với mức giá này, các doanh nghiệp trong nước chỉ có nước lỗ và giải thể.
Từ hơn 400 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi của ba, bốn năm trước hiện chỉ còn khoảng 200 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong nước khi nhập khẩu nguyên liệu, do không nắm vững luật thương mại quốc tế, nên cũng đang gặp nhiều khó khăn, bị “xù” hợp đồng rất nhiều mà không kiện được.
Đang có một sự tái cấu trúc lại ngành này thức ăn chăn nuôi theo hướng các doanh nghiệp nhỏ lẻ chết dần, chỉ còn lại các “đại gia” hoạt động theo quy mô công nghiệp là sản xuất thức ăn gia súc kết hợp chăn nuôi và giết mổ, chế biến… Để có thể làm được như thế, việc liên kết các doanh nghiệp trong nước lại với nhau để cùng tồn tại và phát triển là yêu cầu bắt buộc hiện nay.
Sắp xếp lại doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa các chi phí, xây dựng chiến lược phát triển hợp lý, bền vững… là những điều các doanh nghiệp cần chú trọng thời gian tới. Trong bối cảnh doanh nghiệp ngành chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi khó khăn như vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã làm gì để cứu các doanh nghiệp?
Vậy trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay Ông có kiến nghị gì tới các cơ quan hữu quan?
Ông Đoàn Trọng Lý: Tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị với Chính phủ: Những khu vực đã có danh sách ưu tiên thì phải đi vào cuộc sống vì bây giờ cứ hy vọng giảm lạm phát để hạ lãi suất thì sẽ là không tưởng.
Chính phủ cần phải tung tiền ra hỗ trợ các doanh nghiệp khi còn “ngắc ngoải”, giãn nợ để vực dậy các doanh nghiệp. Đừng sợ tung tiền ra thì đẩy lạm phát. Cần hỗ trợ cho doanh nghiệp nào còn tiếp tục làm ăn dược, còn phát triển được.Với những doanh nghiệp nào đã phá sản, ngừng hoạt động rồi thì cho giải thể luôn cho “sạch” nền kinh tế. Phải giúp doanh nghiệp tăng trưởng, thì mới thu được thuế để nuôi ngân sách, nuôi bộ máy nhà nước.
Một trong những mũi nhọn khu vực ưu tiên thì theo tôi nghĩ nông nghiệp nông thôn nên đưa nó làm hàng đầu, phải ưu tiên số một. Tất nhiên bất động sản quan trọng, chứng khoán quan trọng, nhưng lương thực thực phẩm là mặt hàng mọi người dân đều phải tiêu dùng hàng ngày, một kg thịt đắt lên 1.000 đồng thì cả xã hội này phải chịu, rẻ đi thì cả xã hội cùng được hưởng.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở và hết sức thẳng thắn này!
Phạm Hà
End of content
Không có tin nào tiếp theo