Môi trường

Báo động nguồn nước bị ô nhiễm tại các thành phố

(DNVN) - Hiện nay người dân đang đứng trước nguy cơ phải sử dụng những nguồn nước ô nhiễm tại các thành phố lớn đang là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng.

Tình trạng ô nhiễm nước mặt ở các đô thị, được thể hiện rõ nhất tại hai đô thị lớn của cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang ở mức báo động rất cao. Ở hai thành phố này, nước sinh hoạt không có hệ thống xử lý tập trung cho các cụm dân cư, mà trực tiếp xả ra nguồn tiếp nhận như sông, hồ, kênh, mương...

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Bộ Tài nguyên- Môi trường cho biết, hầu hết hệ thống sông ngòi, hồ ao đều bị ô nhiễm, đặc biệt là hệ thống sông hồ ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Theo thống kê, tại hai thành phố này, phần lớn lượng nước thải sinh hoạt (khoảng 600.000m3/ ngày) và công nghiệp (khoảng 240.000m3/ngày) không được xử lý, đổ thẳng vào các ao hồ. Ngoài ra, nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất khác như các lò mổ và ngay cả bệnh viện (khoảng 7.000m3 mỗi ngày, chỉ 30% được xử lý) cũng không được trang bị hệ thống nước thải đủ tiêu chuẩn.

Cụ thể, theo đánh giá của một số liên minh tài nguyên thì lượng nước thải sinh hoạt chiếm khoảng 350.000 - 400.000m3 mỗi ngày và hơn 1.000m3 rác mỗi ngày được thải ra ở khu vực Hà Nội, trong đó chỉ có 10% được xử lý số còn lại đều không qua xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi. Hiện chỉ có 5/31 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải; 36/400 cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý nước thải.

Ô nhiễm nguồn nước xuất hiện quanh khu vực dân cư.
Ô nhiễm nguồn nước xuất hiện quanh khu vực dân cư.

Mặt khác, còn rất nhiều cơ sở sản xuất không xử lý nước thải, nhiều bệnh viện và cơ sở y tế chưa có hệ thống xử lý nước thải; một lượng lớn rác thải rắn trong thành phố không được thu gom triệt để... là những nguồn quan trọng gây ô nhiễm nguồn nước mặt. 

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, các bệnh liên quan đến ô nhiễm nguồn nước mặt đang là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, gần một phần hai trong số 26 bệnh truyền nhiễm, có nguyên nhân liên quan tới nguồn nước bị ô nhiễm.

 Kết quả đánh giá giữa Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy, trung bình mỗi năm ở nước ta có khoảng 9.000 người tử vong từ nguồn nước bị ô nhiễm và điều kiện vệ sinh kém; đồng thời có khoảng 200 nghìn trường hợp mắc ung thư mới phát hiện, mà một trong những nguyên nhân chính là sử dụng nguồn nước ô nhiễm...

Để khắc phục tình trạng trên, trước mắt chưa cần thiết phải có một Luật riêng, mà nên tập trung vào một số giải pháp sau: Tăng cường các biện pháp, chế tài đối với hành vi gây ô nhiễm nguồn nước; nghiên cứu cơ chế thực hiện việc thu tiền xả nước thải gắn liền với thu tiền sử dụng nước để bảo vệ chất lượng nguồn nước, cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm…

Các cá nhân, hộ gia đình cần tiết kiệm tối đa lượng nước sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là có ý thức, trách nhiệm trong hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ nguồn nước mặt tại khu dân cư mình sinh sống. Ngoài ra, tuyệt đối không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm cho ăn, uống, sinh hoạt và hạn chế sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm cho các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt...

 

Ngọc Huệ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo