Xã hội

Báo động tình trạng mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực

Tại Công ty TNHH điện tử Poster Đà Nẵng, hiện có gần 1.000 cử nhân làm việc ở vị trí... công nhân. Đây chỉ là một phần nhỏ, minh chứng cho sự bất cập, mất cân đối của việc đào tạo nguồn nhân lực hiện nay.

(laodong) Trên thực tế con số công nhân có bằng đại học còn nhiều hơn hàng ngàn người công khai đăng ký trong hồ sơ nhân sự.

“Ông cử, bà cử” làm công nhân

Giám đốc nhân sự Công ty TNHH điện tử Poster Đà Nẵng - ông Lê Duy Lương cho biết, công ty này hiện có 16.000 công nhân, nhưng có đến cả ngàn người có bằng cử nhân, kỹ sư. Cá biệt, có công nhân có cả 2 bằng cử nhân, hoặc cả hai vợ chồng đều là “ông bà cử” làm công nhân tại công ty.

Theo ông Lương, hầu hết những người có bằng đại học mà làm công nhân đều mặc cảm với quê hương, gia đình và bạn bè. Họ không muốn công khai lộ diện danh tính và công ty cũng không đòi hỏi bằng cấp.

Nhiều người có bằng đại học nhưng chỉ khai trình độ lớp 9, 12... Mặt khác, họ giấu thông tin cá nhân là vì trước đây, từ năm 2009 trở về trước, công ty chúng tôi không nhận công nhân có bằng đại học với lý do số lao động này hay “nhảy việc”, bất ổn định.

Từ thực tế tại Công ty Poster, ông Lương đúc kết, có 3 nguyên nhân chính khiến các cô cậu cử nhân, kỹ sư phải chấp nhận làm công nhân với mức lương thấp, lãng phí kiến thức đại học của mình là “không xin được việc làm”; “thực trạng mất kiểm soát ở các doanh nghiệp tư nhân về chế độ chính sách như BHYT, BHXH, chế độ thai sản, chính sách cho lao động nữ... khiến người lao động ở khối doanh nghiệp này bị chịu nhiều thiệt thòi” và nguyên nhân nữa là “làm tạm để chờ xin việc”.

Dẫu với nguyên nhân gì thì việc cả ngàn người có bằng đại học chấp nhận làm công nhân cũng khiến chúng tôi áy náy khi tuyển dụng, trả lương. Thực tế, mọi lao động sau khi được tuyển dụng vào làm công nhân đều được công ty đào tạo như nhau. Họ chỉ cần làm 1 công đoạn của dây chuyền lắp ráp linh kiện tai nghe - sản phẩm chính của Công ty Poster.

Bạn N.H.L -  tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng, ngành ngoại thương- đành chấp nhận làm công nhân tại công ty 3 năm nay sau khi tìm không được việc ở khắp nơi. Chồng cô cũng tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng nhưng cũng đang thất nghiệp, gia cảnh khốn khó vì phải thuê nhà trọ, nuôi con nhỏ. N.H.L rơi nước mắt nhưng không muốn chia sẻ kỹ vì sợ bố mẹ ở quê buồn phiền, xấu hổ với bạn bè thời đại học ngày xưa.

Còn N.H.H tốt nghiệp đại học loại khá, có đầy đủ các chứng chỉ tin học, tiếng Anh ... nhưng đành vứt bỏ tất cả kiến thức để làm công nhân. N.H.H nói, thực tế em có làm việc ở một số doanh nghiệp tư nhân, nhưng không được mua BHXH, không có chế độ thai sản, bảo hiểm tai nạn... cho người lao động.

Trong khi đó, lương công nhân ở Công ty Poster cũng tương đương các doanh nghiệp kia, các chế độ chính sách cho người lao động trước mắt cũng như lâu dài rất đảm bảo. Vì vậy em sẽ gắn bó nơi này. Cũng chính từ thực tế này mà từ 2010, Công ty Poster Đà Nẵng đã “mở rộng” đối tượng, tuyển chọn người có bằng đại học về làm công nhân.

Mất cân đối về đào tạo

Sau 3 năm liên tiếp đứng đầu toàn quốc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI), năm 2012 TP.Đà Nẵng bị tuột xuống thứ... năm. Trong đó, chỉ số về nguồn nhân lực bị tuột điểm nhiều nhất.

Báo cáo của Sở Lao động Thương binh & Xã hội cho hay, hệ thống đào tạo nghề của địa phương đã nâng cao, mở rộng với quy mô rộng khắp, đủ các ngành nghề, sát với thực tiễn ở 60 cơ sở. Mỗi năm, con số lao động qua đào tạo trên dưới 30.000 người. Vì sao lại có nghịch lý này?

Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội TP.Đà Nẵng - ông Nguyễn Văn An cho biết, kết quả khảo sát của ngành Lao động Thương binh & Xã hội đầu năm 2012, có đến 49% (trong tổng số 70.000 công nhân) công nhân lao động tại Đà Nẵng là dân nhập cư. Điều này chỉ hợp lý với thời điểm hơn 10 năm trước, khi đó các doanh nghiệp đều đầu tư vào các ngành nghề gia công, may mặc... nên nhu cầu tuyển lao động nhiều nhưng không đòi hỏi tay nghề cao.

Tuy nhiên, những năm gần đây, loại hình đầu tư này dần dịch chuyển về nông thôn, các địa phương lân cận cũng hình thành các khu công nghiệp, có nhà máy và lực lượng lao động nhập cư bị thâm hụt vì họ rút về quê.

Trong khi đó, cư dân Đà Nẵng lại “chê” công việc lao động chân tay, nhưng lại thiếu trình độ cao để vào các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi tay nghề chất lượng.

Ngoài ra, việc giáo dục đào tạo nghề trong vài chục năm gần đây gần như phát triển nóng, bị thả nổi về công tác sàng lọc chất lượng, định hướng nghề nghiệp, dẫn đến thực trạng nguồn nhân lực sau đào tạo vừa thiếu lại vừa thừa.

Sự dôi dư này vừa gây lãng phí cho xã, vừa tạo áp lực giải quyết việc làm cho địa phương. Ở Đà Nẵng đang tồn tại thực trạng cử nhân, kỹ sư dôi thừa, thất nghiệp, nhưng cần lao động nghề thì tuyển không ra.

 

 

Việt Nguyên

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo