Quốc tế

Báo động tình trạng vô sinh ở Trung Quốc

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, đang phải đối diện với một vấn đề gây “đau đầu” khi ngày càng nhiều các cặp vợ chồng gặp khó khăn trong chuyện sinh con.

Xi Xiaoxin, 35 tuổi, chưa bao giờ nghĩ cô có thể gặp vấn đề với việc mang thai từ 3 năm trước. Vào thời điểm đó, tất cả những gì cô muốn làm là du ngoạn thế giới cùng với người chồng kết hôn từ năm 2012. Nhưng khi cô bắt đầu tính toán về việc sinh con để xây dựng tổ ấm thì hành trình làm mẹ với người phụ nữ này bỗng trở nên khó khăn.

Cho đến lúc này tôi mới thấm thía rằng để có con khó như vậy”, cô Xi chia sẻ với CNN.

Tỉ lệ sinh sản ở Trung Quốc đang thấp dưới mức trung bình (Ảnh minh họa: SCMP)

Xi là một trong số hàng trăm ngàn phụ nữ sinh sống tại khu vực đô thị Trung Quốc đang đối mặt với hội chứng vô sinh. Giống nhiều nơi trên thế giới, việc tạm hoãn sinh con đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc do nhiều nguyên nhân trong đó có chi phí sinh hoạt cao, điều kiện làm việc, chính sách thai sản và chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng con cái. Các chuyên gia nhận định một số yếu tố về ô nhiễm môi trường dường như cũng gây nên tình trạng vô sinh ở nam giới.

Tỉ lệ sinh sản ở Trung Quốc hiện đạt mức 1,6 trẻ em/phụ nữ trong năm 2017, ngang bằng Canada nhưng thấp hơn Mỹ và Anh. Theo CIA World Factbook, tỉ lệ này cần đạt mức trung bình 2,1 để dân số tăng trưởng ổn định.

Trung Quốc muốn tăng tỷ lệ sinh nhưng kim tự tháp dân số của nước này hiện đang trong tình trạng “lộn ngược” khi số người ở tuổi lao động giảm dần và dân số đang già hóa.

Để đối phó với tình trạng này, chính phủ Trung Quốc đang thay đổi mạnh mẽ chính sách dân số. Từ năm 2015, Bắc Kinh đã xóa bỏ “Chính sách một con” kéo dài hàng thập niên, và năm nay họ đã cho giải thế Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình nhằm tăng tỉ lệ sinh trở lại.

Tuy nhiên, việc cho các cặp vợ chồng sinh thêm con dường như không thể thay đổi được nhiều tình trạng hiện tại, khi vấn đề đặt ra là ngày càng nhiều phụ nữ lớn tuổi sống ở đô thị Trung Quốc bị mắc chứng vô sinh.

 

Xi và chồng cô không bao giờ nghĩ tới việc làm cha mẹ khi còn trẻ. Nhưng khi sắp bước vào ngưỡng trung tuổi, họ lo sợ rằng họ sẽ không còn cơ hội để sinh con.

Không có dữ liệu chính thức về tình hình vô sinh ở Trung Quốc nhưng một báo cáo của Hiệp hội Dân số Trung Quốc 6 năm trước cho biết khoảng 40 triệu người bị ảnh hưởng bởi hội chứng này, bao gồm cả phụ nữ và nam giới.

Cuộc chiến thầm lặng

Phoebe Pan là người điều hành của một nhóm trợ giúp cho phụ nữ đang chữa trị vô sinh trên trang mạng xã hội WeChat. “Tôi biết nhiều phụ nữ Trung Quốc vẫn cảm thấy hoảng sợ vì hội chứng vô sinh và các vấn đề liên quan tới vô sinh”, Pan nói, nhận định vấn đề tuổi tác dường như là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.

Vấn đề càng thêm trầm trọng hơn nữa khi các phụ nữ này phải đối mặt với sự kỳ thị xung quanh từ gia đình và xã hội khi mắc chứng vô sinh. Nhiều người tâm sự với Pan cho biết họ cảm thấy xấu hổ khi nói về vấn đề này với những người thân thiết. Dần dần, điều này phần nào đó gây nên sự thiếu hiểu biết của những phụ nữ về tình trạng vô sinh.

 

Nhiều cặp vợ chồng đã chọn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm để hy vọng có con. (Ảnh minh họa: Getty).

Vấn đề vô sinh đã được nhiều người quan tâm tới mức khi một bác sĩ có tên Wei Siang Yu quyết định tổ chức một chương trình truyền hình thực tế nhằm tư vấn sinh sản cho các cặp có dấu hiệu vô sinh, chương trình này đã trở nên rất ăn khách.

Trong chương trình, bác sĩ Wei cùng cộng sự đã tới thăm một cặp đôi sinh sống tại các thành phố Trung Quốc và cho họ lời khuyên về ăn uống, sinh hoạt, tập thể dục. Chỉ riêng 2 tập đầu tiên đã thu hút 46 triệu lượt xem trực tuyến trên mạng Internet.

Những tia hy vọng

Xi đã “chiến đấu” với hội chứng vô sinh trong suốt 3 năm qua, sử dụng nhiều phương pháp từ uống thảo dược, liệu pháp kích thích rụng trứng, thậm chí phẫu thuật nội soi buồng trứng. Năm nay, sau khi những nỗ lực không mang lại kết quả, cô quyết định sẽ thụ tinh trong ống nghiệm. Phương pháp này tốn khoảng 4.700 USD, bằng 4 tháng lương trung bình ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải.

Tuy nhiên, CNN cho hay, tỉ lệ thành công thực tế của phương pháp này ở Trung Quốc không cao một phần vì số lượng phòng khám được cấp phép quá thấp, phần vì cơ sở vật chất tại các phòng khám đã lỗi thời.

 

Tỉ lệ thụ thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ở Trung Quốc chỉ đạt mức 30-40%, thấp hơn nhiều so với Mỹ, Thái Lan, Malaysia vào khoảng 60-65%.

Ngoài vấn đề tuổi tác, các vấn đề về cân nặng, chất kích thích gây nghiện như rượu bia, thuốc lá cũng được cho là gây ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng của đàn ông Trung Quốc, theo bác sĩ Hal Danzer từ một cơ sở thụ tinh nhân tạo nổi tiếng tại Los Angeles, Mỹ.

Nắm bắt nhu cầu hiện tại, các doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc đã bắt đầu tham gia vào lĩnh vực hỗ trợ điều trị vô sinh. Fang, bác sĩ làm việc tại một bệnh viện ở tỉnh Chiết Giang, sở hữu chuỗi cửa hàng trực tuyến bán các loại thảo dược ngâm chân trị vô sinh. Dù Fang thừa nhận, Những thảo dược không phải là thần kỳ nhưng anh cho rằng nó có giúp cải thiện sức khỏe của phụ nữ khiến quá trình thụ thai dễ hơn. Dù chưa có thống kê chính thức nhưng nhu cầu cho loại các sản phẩm này vẫn tăng nhanh chóng trong thời gian qua.

Ngoài phương pháp truyền thống, người Trung Quốc cũng sử dụng công nghệ hiện đại, ví dụ như một ứng dụng tính toán ngày và điều kiện lý tưởng để thụ thai thành công. Ứng dụng có tên Fengkuangzaoren (Tạm dịch: Cuồng em bé) đã trở thành một hiện tượng và nhà phát triển của phần mềm này cho biết nó đã thu hút trên 8 triệu người dùng cũng như giúp 70.000 phụ nữ có bầu từ khi ra mắt.

Với tinh thần không sợ thất bại, những người như cô Xi vẫn miệt mài áp dụng mọi phương pháp có thể, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến tư vấn dù Xi biết hành trình có con còn rất dài phía trước. “Mặc dù quá trình này gây áp lực cho tôi về cả tinh thần và thể chất nhưng tôi tin rằng chỉ còn một tia hy vọng, tôi sẽ cố gắng để có con", Xi nói.

 

Nên đọc
Theo Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo