Xã hội

Bao giờ công bố chính thức kết quả bầu cử?

(DNVN) - Theo quy định, sau khi hoàn tất việc kiểm phiếu và xác định kết quả bầu cử, Ủy ban bầu cử các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương sẽ có Biên bản xác định kết quả bầu cử gửi Hội đồng bầu cử quốc gia...

Theo tin từ Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, ngày 22/5, cử tri cả nước bước vào ngày hội lớn bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021.

Theo đó, hơn 69 triệu cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn những người có đức, có tài để bầu ra 500 đại biểu QH; 3.918 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 24.993 đại biểu HĐND cấp huyện; 294.055 đại biểu HĐND cấp xã. Đây là một sự kiện chính trị lớn có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước, là cơ hội để cử tri thể hiện quyền, trách nhiệm của người công dân, trực tiếp góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Theo quy định của pháp luật về bầu cử, thời gian bỏ phiếu kéo dài từ 7h đến 19h để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cử tri đi bỏ phiếu mà không ảnh hưởng đến công việc hàng ngày. Sau khi kết thúc bỏ phiếu, các tổ bầu cử phải chờ đến 19h mới được tiến hành mở và kiểm tra hòm phiếu theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp nào còn cử tri chưa bỏ phiếu thì khu vực đó phải chờ đến 21h mới được đóng hòm phiếu và thực hiện kiểm phiếu theo quy định.

Đúng 7h sáng ngày 22/5, trên phạm vi cả nước, các Tổ bầu cử đồng loạt tiến hành khai mạc bầu cử theo đúng trình tự, thủ tục quy định, bảo đảm lễ khai mạc trang trọng, nghiêm túc. Một số điểm bầu cử ở một số địa phương tiến hành khai mạc và bỏ phiếu bắt đầu từ 5h - 5h30 (Hậu Giang, Cần Thơ, Đắk Lắk), như ở các khu vực bỏ phiếu của lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ trong ngày bầu cử, để bảo đảm cử tri ở các đơn vị này có thể tham gia bầu cử. Ở một số nơi đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo không khí tưng bừng trong ngày bầu cử.

Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng thực hiện trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ công dân. Ảnh: Internet.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cấp chính quyền, các vị lão thành cách mạng đã tham dự lễ khai mạc. Rất đông cử tri đã có mặt tại lễ khai mạc và bỏ những lá phiếu đầu tiên. 

Tại khu vực bỏ phiếu số 2, thôn Cát Bi, xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội có cụ Nguyễn Thị Nhâm cao tuổi nhất là 107 tuổi. Ở khu vực bỏ phiếu số 3, nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham gia bỏ phiếu có cụ bà Bùi Thị Sáu là cử tri cao tuổi nhất của khu vực cùng với Tổng Bí thư và anh Nguyễn Hữu Hòa là cử tri trẻ tuổi nhất (18 tuổi) đã thực hiện việc bỏ những lá phiếu đầu tiên tại điểm bầu cử này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 4, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Chủ tịch nước Trần Đại Quang bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 8, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bỏ lá phiếu đầu tiên tại khu vực bầu cử số 8, khu phố Đông Thái, thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

Trên khắp các tuyến đường, khu phố, khu dân cư, các địa điểm công cộng của các tỉnh, thành phố phủ rợp băng rôn, khẩu hiệu, pa-nô, áp phích chào mừng Ngày bầu cử. Mỗi tuyến đường, khu phố và mỗi hộ dân đều được trang hoàng cờ, hoa rực rỡ. An ninh, trật tự, an toàn xã hội trong ngày bầu cử ở các địa phương được bảo đảm.

Ngay sau lễ khai mạc, cử tri đến dự và tham gia bỏ phiếu rất đông. Không khí tại các khu vực bỏ phiếu khẩn trương,  nhộn nhịp. Theo đánh giá của dư luận, đây là cuộc bầu cử dân chủ, đổi mới, thật sự phát huy quyền dân chủ của Nhân dân. Cử tri đã thể hiện được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc cân nhắc, lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho mình để bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; đồng thời nhân dân luôn tin tưởng vào sự thành công chung của cuộc bầu cử.

Đúng 19h, trên cả nước các đơn vị bầu cử đã hoàn thành công tác bỏ phiếu hoàn tất và tiến hành mở hòm phiếu kiểm phiếu. Nhìn chung, cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp với không khí ấm áp, hồ hởi, trách nhiệm, cử tri đặt rất nhiều tin tưởng, kỳ vọng vào người trúng cử sẽ góp phần đưa đất nước phát triển.

 

Theo báo cáo của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, tính đến 21h00 ngày 22, tổng số cử tri đi tham gia bầu cử là 66.586.622 triệu cử tri, đạt 98,77%. Nhìn chung tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu rất cao (trên 90%). 

Trong đó, hai tỉnh đạt cao nhất là Thừa Thiên Huế và Yên Bái đạt 99,99%: Lai Châu- 99,96%; Hậu Giang- 99,95%; Bắc Ninh- 99,91%; Đắk Lắk- 99,90%; Lạng Sơn- 99,84%; Ninh Thuân- 99,80%; Tiền Giang- 99,76%; Phú Yên- 99,73%; Tuyên Quang- 99,74%; Sóc Trăng- 99,69%; Khánh Hòa- 99,67%; Quảng Ninh- 99,66%; Cao Bằng- 99,65%; Thái Nguyên và Đắk Nông- 99,60%; Phú Thọ 99,57%; Vĩnh Long- 99,53%; Thanh Hóa- 99,52%; Quảng Trị và Nam Định 99,50%... Hầu hết cả Tổ bầu cử đều tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu đúng theo giờ quy đinh.
Theo quy định, sau khi hoàn tất việc kiểm phiếu và xác định kết quả bầu cử, Ủy ban bầu cử các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương sẽ có Biên bản xác định kết quả bầu cử gửi Hội đồng bầu cử quốc gia. 

Sau khi kết thúc kiểm phiếu, các Ủy ban bầu cử cấp tỉnh có báo cáo về tình hình và kết quả sơ bộ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia. Chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử sẽ công bố chính thức kết quả bầu cử.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo