Bao giờ đèn Led leo lên cột đèn?
Đa dạng
Bao giờ đèn LED được sử dụng cho các mục đích chiếu sáng công cộng, chiếu sáng giao thông, lắp trên các cột đèn cao chất ngất bên các con phố, con đường? Cũng có câu hỏi đèn phố vẫn sáng đấy thôi, sao cứ phải LED mới được.
Hỏi thế thì phải gặp các chuyên gia chiếu sáng, mà trong bài này là KS. Lê Trung Kiên, Đội trưởng Quản lý Trung tâm Điều khiển Công ty Hapulico. KS Kiên khẳng định trong lĩnh vực chiếu sáng trang trí và lễ hội, đèn LED tỏ rõ tính ưu việt mà không loại đèn khác có thể có được.
Đó là nhờ việc phối hợp các đèn LED màu có thể tạo ra hàng triệu màu khác nhau theo kịch bản chiếu sáng linh hoạt, được điều khiển bằng phần mềm.
Trong lĩnh vực quảng cáo, đèn LED được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực quảng cáo thương mại nhờ ưu điểm vượt trội về khả năng thay đổi hình ảnh, màu sắc theo chương trình, tuổi thọ cao và giá thành ngày càng rẻ.
Với sự phát triển của công nghệ trong vài năm tới, LED sẽ hoàn toàn thay thế các đèn phóng điện chất khí. Riêng chiếu sáng cảnh quan và lễ hội, LED đã là sự lựa chọn hàng đầu ngay từ bây giờ.
Có thể điểm qua vài công trình kiến trúc lớn tại Hà Nội tiên phong sử dụng đèn led để trang trí như tòa nhà Tổng công ty cổ phần thiết bị điện Việt Nam (Gelex- 52 Lê Đại Hành), tòa nhà Charm Vit ở 117 Trần Duy Hưng.
Đèn LED cũng đã được sử dụng trong chiếu sáng trang trí lễ hội của Hà Nội từ đại Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và cho đến nay tất cả hệ thống trang trí chiếu sáng trên đường phố Hà Nội đều sử dụng đèn LED. Đó là hệ thống trang trí đổi màu theo chương trình xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, hồ Thuyền Quang, trang trí trên các cầu vượt tại các nút giao thông, trang trí trên dàn và khung ngang đường tại 30 điểm trên các tuyến phố.
Leo được không…LED
Nhưng xu hướng sử dụng LED trong chiếu sáng công cộng đang tỏ ra ưu thế so với các nguồn sáng khác mới là điều đáng nói.
Cho đến nay, việc sử dụng “ánh sáng của thế kỷ 21” trên đường phố vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân được chỉ ra ngay là bởi chi phí đầu tư ban đầu cao. Giá một bộ đèn LED từ 15-20 triệu đồng /bộ. Với những bộ đèn của các hãng lớn như Philips, giá còn cao hơn nhiều.
Con số đấy là cao, nếu không muốn nói là rất cao khi so với chi phí đầu tư cho một bộ đèn chiếu sáng đường phố sử dụng bóng Sodium hiện chỉ nhõn ba, bốn triệu đồng mỗi bộ.
Trong khi đó, kinh phí nhà nước cấp cho các đơn vị quản lý chiếu sáng tại các đô thị mới chỉ đảm bảo cho công tác duy trì hệ thống chiếu sáng và lắp đặt bổ sung tại đường phố và xóm, ngõ chưa có chiếu sáng. Kinh phí dành cho công tác đầu tư mới và thay đổi công nghệ rất hạn chế.
Cơ chế chính sách cũng đang hụt hẫng. Hiện chưa có đơn giá, định mức cho đèn LED chiếu sáng đường phố, gây khó khăn cho đơn vị quản lý muốn ứng dụng đèn LED.
Khó nữa và có lẽ là khó nhất với các nhà sản xuất khi muốn “led hóa” toàn bộ cột đèn chiếu sáng ở Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, ở Việt Nam chưa có(thiếu) tiêu chuẩn thiết kế và tiêu chuẩn của sản phẩm. Rào cản này như đã nói, còn cao hơn cả cột đèn mà LED muốn treo trên đường phố.
Tất nhiên các đơn vị sản xuất cũng tự xây dựng tiêu chuẩn riêng cho mình. Tuy nhiên, “chúng tôi thấy khó khăn để có thể giải trình với chủ đầu tư, ban quan lý dự án vì không có tiêu chuẩn, không có căn cứ để thuyết phục. Ở Việt Nam, nếu không có giải trình thì rất khó nhiệm thu công trình.”, ông Kiên cho biết.
Tại Việt Nam, đèn LED đắt trong khi giá điện được cho là rẻ (theo quan điểm của nhà sản xuất bóng đèn), dẫn đến cơ chế thu hồi kinh phí đầu tư thay thế đèn Sodium bằng đèn LED nhằm tiết kiệm điện rất khó khăn. Chi phí đầu tư cao, khấu hao lâu mới thu hồi được vốn nên rất khó cho việc triển khai rộng rãi đèn LED cho chiếu sáng
Những có nên cứ loanh quanh vốn và lãi mà quên đi thực tế, qua đánh giá, sử dụng 10 bộ đèn LED tiết kiệm 1,3 triệu tiền điện mỗi năm. Chi tiết đó đặt trong bối cảnh quy hoạch phát triển điện đến năm 2020, mỗi năm cần đầu tư 4,88 tỷ USD cho ngành điện để đạt sản lượng 330-362 TWh vào năm 2020.
Riêng năm 2010, điện năng cho chiếu sáng các công trình giao thông tổng công suất 54MW, chiếu sáng công trình công cộng bên ngoài công suất khoảng 25 MW. Và nên nhớ dự báo đến năm 2020, nhu cầu phát triển chiếu sáng công cộng cho các đô thị lớn của Việt Nam phải gấp đôi quy mô hiện nay. Ở tầm cấp vĩ mô, có lẽ nên lắng nghe một số kiến nghị dưới đây.
Một số kiến nghị của doanh nghiệp
- Xây dựng và ban hành cơ chế huy động các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước.
-Ban hành cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính liên quan đến ưu đãi đầu tư, thuế, tín dụng, giá cả, nhằm khuyến khích các tổ chức tham gia đầu tư xây dựng phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng ứng dụng đèn LED thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, nghiên cứu áp dụng đèn LED trong chiếu sáng đường phố bao gồm: Ban hành tiêu chuẩn và quy chuẩn trong chiếu sáng đường phố ứng dụng đèn LED; Các doanh nghiệp sản xuất đèn LED chiếu sáng đường phố nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới để sản xuất các sản phẩm đồng bộ, đạt chất lượng cao, phù hợp với các đô thị Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo