Bao giờ kìm được giá thuốc?
“Cơ hội” để đội giá
Năm 2011, thuốc Perabact với hoạt chất Cefoperazon do Ấn Độ sản xuất khi trúng thầu vào bệnh viện ở Đồng Tháp có giá 18.000 đồng/hộp, trong khi thuốc này trúng thầu ở Cần Thơ có giá 30.000 đồng/hộp.
Lạ hơn, cũng loại hoạt chất này nhưng tên thương mại là Trikapezon do Công ty CP dược phẩm TW 1 sản xuất, cũng một hộp 10 lọ nhưng giá trúng thầu ở Bệnh viện (BV) Phổi Trung ương là 28.000 đồng/lọ còn tại Bệnh viện Trung ương Huế gần 37.000 đồng/lọ.
Hai loại thuốc nội khác đều có cùng chỉ định trong điều trị nhiễm khuẩn là Trikapezon plus do Công ty CP dược TW1 sản xuất và Midapezon do Công ty CP Dược phẩm Minh Dân sản xuất cũng trúng thầu giá một trời một vực.
Dù có cùng hàm lượng và hoạt chất nhưng khi trúng thầu tại Bệnh viện Phổi Trung ương, hai thuốc trên có hai giá chênh nhau gần 14.000 đồng/hộp. Cụ thể, thuốc Trikapezon plus giá 33 nghìn đồng còn Midapezon hơn 47 nghìn đồng.
Theo bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.Hồ Chí Minh, dù một loại thuốc có cùng tên thương mại, hàm lượng, dạng bào chế của một nhà sản xuất nhưng giá thuốc lại vênh nhau khi đến tay người bệnh.
Khảo sát của Bảo hiểm xã hội TP.Hồ Chí Minh trong năm 2010 cho thấy, thuốc trị ký sinh trùng Supercef do Công ty Alembic., Ltd sản xuất khi trúng thầu vào các bệnh viện chênh lệch tới 23%.
Theo bác sĩ Huyền, khảo sát 18 loại thuốc nội với hoạt chất paracetamol 500mg trúng thầu và đang sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh cho thấy giá trúng thầu chênh lệch đến…7 lần.
Có tình trạng loạn giá này, theo tìm hiểu của chúng tôi do lỗ hổng của Thông tư 10 được ban hành năm 2007. Thông tư này “mở đường” cho các công ty dược khi tham gia đấu thầu có thể đấu thầu cùng lúc nhiều loại thuốc.
Dược sĩ Nguyễn Hoàng Phương - Giám đốc một công ty phân phối dược ở quận 10 cho biết, việc làm này vô hình trung “tiếp tay” cho các công ty chỉ có thế mạnh về một hay hai loại thuốc.
“Rất nhiều công ty chỉ có một loại thuốc thế mạnh nhưng cơ chế đã khiến họ đi mua các thuốc không phải “hàng độc” của mình ở công ty khác để tham gia thầu.
Kìm vì người bệnh
Trong khi chi phí mua thuốc tại Việt Nam chiếm 60% trong tổng chi phí cho y tế nhưng nhiều năm qua, giá thuốc ở thị trường và những bất cập về giá thuốc trúng thầu vào bệnh viện vẫn chưa được kiểm soát. Chỉ tính riêng trong năm 2011, tổng số tiền mua thuốc đấu thầu ở bệnh viện là hơn 18.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia về dược học, số tiền lớn này sẽ giảm bớt nếu như những lỗ hổng từ việc đấu thầu theo thông tư cũ ban hành năm 2007 được vá lại.
Theo PGS Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, tình trạng thuốc chạy lòng vòng từ công ty A đến công ty B rồi từ công ty B đến C với nhiều tầng nấc và các chi phí trung gian khác khiến khi thuốc trúng thầu vào bệnh viện đã bị đẩy giá lên cao là điều dễ hiểu.
Vì vậy, theo ông Truyền, việc tổ chức đấu thầu tập trung là điều cần thiết, không chỉ giúp dẹp trình trạng loạn giá ở các bệnh viện mà còn giúp giảm gánh nặng giá thuốc cho người dân.
PGS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh- Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cho biết, bắt đầu từ năm 2013, TP.Hồ Chí Minh sẽ thành lập Trung tâm tiếp liệu thuốc. Đơn vị này sẽ tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc tập trung để cung ứng thuốc ở các bệnh viện thuộc sở.
Cũng theo bác sĩ Bỉnh, việc làm này là cần thiết bởi lâu nay, sau khi thực hiện xong đấu thầu thuốc ở các bệnh viện lại rơi vào tình trạng mỗi nơi một giá.
Bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền cũng cho rằng, việc tổ chức đấu thầu, cung ứng và thanh toán chi phí thuốc theo hình thức tập trung là điều cần thiết. “Khi đấu thầu tập trung, các bệnh viện cùng tổ chức thống nhất về giá nên không còn loạn giá”- bác sĩ Huyền nói.
Khi đấu thầu thuốc tập trung sẽ công khai giá từng loại thuốc ở một đầu mối và bệnh viện tham chiếu theo đó để xem xét. Vì vậy, sẽ không có tình trạng “chạy thầu” từ các công ty dược cho hội đồng thầu bệnh viện như trước đây.
Theo Thông tư 01/2012 về đấu thầu mua thuốc trong cơ sở khám chữa bệnh giữa liên Bộ Y tế và Tài chính, sẽ chấm dứt tình trạng mua bán thuốc lòng vòng, mua thuốc từ các đơn vị khác để tham gia đấu thầu… khiến giá thuốc bị đội lên hàng trăm lần.
Theo đó, các cơ sở y tế phải lập kế hoạch đấu thầu tối thiểu 1 năm/lần, mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu một mặt hàng thuốc đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định và có giá thấp nhất trong nhóm thuốc đó.
Báo cáo từ Cục Quản lý Dược cho thấy qua xem xét kê khai giá của hơn 4.000 mặt hàng thuốc trong nước và nhập khẩu, Tổ liên ngành về giá thuốc đã phát hiện 1.200 mặt hàng kê khai giá bất hợp lý. Cục đã yêu cầu các doanh nghiệp giải trình, rà soát và điều chỉnh lại giá kê khai.
Đoàn Huế (Theo TPO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo