Xã hội

Bảo hiểm hưu trí: Xa xỉ và khó khả thi

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho biết còn đang chăm lo những khó khăn cơm áo gạo tiền cho người lao động, chưa có thời gian nghĩ tới loại hình bảo hiểm mới mẻ và có phần xa xỉ này.

(Vnexpress) Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng một số bộ ngành đang xây dựng đề án Quỹ Hưu trí bổ sung để đảm bảo cuộc sống cho người lao động ở tuổi nghỉ hưu. Theo một phương án trong dự thảo, số tiền được hưởng sau khi nghỉ hưu từ quỹ này thấp nhất là 5,5 triệu đồng. Tuy vậy, trong quá trình công tác, người tham gia sẽ phải đóng hằng tháng 5 - 10% thu nhập, nhưng không nhiều hơn 10 triệu đồng.

Chưa được tiếp cận dự thảo đề án nhưng ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.Hồ Chí Minh cho rằng chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung có thể nhận được sự quan tâm từ các công ty có tài chính tốt, quan tâm nhiều đến chế độ phúc lợi của người lao động. Tuy nhiên chính sách này sẽ không khả thi với đại đa số doanh nghiệp hiện nay.

Ở TP.Hồ Chí Minh có hàng trăm nghìn đơn vị sản xuất kinh doanh, nhưng theo ông Sang, số làm ăn hiệu quả, có thể giam gia hình thức bảo hiểm mới chỉ khoảng 5.000. Đồng quan điểm với ông Sang, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty may Sài Gòn 3 cũng cho rằng trong một năm khó khăn như 2013, việc đưa thêm loại hình bảo hiểm mới là chưa phù hợp. "Đây có thể là một phúc lợi tốt cho tương lai, nhưng trước mắt, doanh nghiệp phải lo san sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền với công nhân đã", ông Hồng cho hay.

Về phía người lao động, đa số đều cho rằng, việc đóng loại bảo hiểm này còn xa xỉ ở Việt Nam. "Tiền lương hiện chúng tôi đã không đủ để trang trải sinh hoạt hàng tháng. Nếu đóng thêm loại bảo hiểm mới, doanh nghiệp lại trừ vào lương thì thiệt thòi vẫn là người lao động", chị Hân, nhân viên một công ty bánh kẹo tại Hà Nội cho hay.

Anh Tiến, làm quản lý tại một siêu thị thì cho rằng, khi áp dụng chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung thì phải xây dựng cơ chế chi trả rõ ràng, phù hợp. "Tôi thấy việc giải quyết chế độ bảo hiểm của Việt Nam nhiều lúc còn phức tạp khiến người lao động cảm thấy mất lòng tin", anh Tiến nói.

Ông Phạm Trường Giang - Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thành viên ban soạn thảo đề án cho biết: "Dự kiến tháng 11/2013 năm nay, Bộ mới trình Chính phủ đề án Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung. Việc thí điểm loại hình bảo hiểm hưu trí bổ sung cũng không chỉ dừng lại ở các tập đoàn và công ty lớn mà mở rộng tại tất cả loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi thí điểm loại bảo hiểm này sẽ áp dụng ở hình thức tự nguyện".

Cũng khẳng định chưa tiếp cận đề án, tuy nhiên một lãnh đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng thời điểm nào áp dụng bảo hiểm hưu trí cần phải được tính toán rất kỹ càng mới có thể mang lại hiệu ứng tốt. "Đối với bảo hiểm xã hội, nhiều doanh nghiệp còn nợ, trốn tránh nên cũng khó khẳng định bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ được hưởng ứng", vị này cho hay.

Theo số liệu từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết năm 2012, số liệu nợ đọng Bảo hiểm xã hội trên cả nước là 5.825 tỉ đồng.

Đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ ở TP.Hồ Chí Minh lại cho rằng việc đề xuất thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung là một trong những cách để doanh nghiệp giữ chân người giỏi thông qua chế độ đãi ngộ. Về phía người lao động, họ sẽ có những dự định tốt hơn cho kế hoạch khi về hưu. "Chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung dựa trên cơ sở tự nguyện sẽ tạo cơ hội người lao động và chủ doanh nghiệp có thể tự quyết việc đóng góp nếu thấy phù hợp", vị này cho hay.

 

 

Đoàn Huế

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo