Xã hội

Bảo hiểm xã hội cảnh báo tình trạng vỡ quỹ Bảo hiểm y tế

Thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXHVN) cho thấy chỉ trong 9 tháng đầu năm, đã có 122,9 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT với tổng chi 71,325 tỷ đồng.

Ngày 19/10, đối thoại chính sách bảo hiểm y tế khu vực phía Bắc diễn ra khá nóng giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam (đơn vị quản lý quỹ bảo hiểm y tế) và ngành y tế, các cơ sở khám chữa bệnh (bên tiêu tiền quỹ). Bảo hiểm cho rằng chi phí bệnh viện tăng bất thường làm thâm hụt quỹ, trong khi phía y tế phàn nàn bảo hiểm gây khó khăn.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cảnh báo tình trạng vỡ Quỹ BHYT có thể xảy ra sau 2 năm nữa, một phần do tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ xảy ra phổ biến tại các bệnh viện. Mâu thuẫn giữa một bên “quản lý tiền” là BHXH với một bên “tiêu tiền” là ngành Y tế khó tìm được tiếng nói chung. Theo tin tức trên báo An ninh thủ đô.

Mâu thuẫn giữa một bên “quản lý tiền” là BHXH với một bên “tiêu tiền” là ngành Y tế khó tìm được tiếng nói chung (Ảnh An ninh thủ đô).

Ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến, BHXH Việt Nam cho biết, 9 tháng đầu năm nay, chi BHYT cho khám chữa bệnh tăng vọt. Đáng chú ý, 35 tỉnh, thành phố có số chi BHYT tăng trên 100% như Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Tuyên Quang… khiến cho Quỹ BHYT giao cho các tỉnh này bị âm hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài nguyên nhân tăng lượt khám chữa bệnh BHYT cơ học hay tăng giá dịch vụ y tế, bội chi Quỹ BHYT này có nguyên nhân lớn từ việc các cơ sở khám, chữa bệnh chỉ định dịch vụ không hợp lý, lạm dụng, tìm nhiều cách để trục lợi quỹ. 

Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam dẫn chứng, có bệnh nhân ở An Giang chỉ bị gãy chân nhưng bệnh viện chỉ định chụp CT scanner tới 5 lần trong 5 ngày liền, dù kết quả giống hệt nhau. Tinh vi hơn là có tình trạng cắt lẻ dịch vụ/ phẫu thuật ra để thanh toán BHYT, tức cùng một phẫu thuật nhưng cố tình tách ra thành nhiều dịch vụ khác nhau để được hưởng BHYT nhiều hơn.

Ông Dương Tuấn Đức chia sẻ, qua kiểm tra 5 bệnh viện tại Hà Nội (Việt Đức, Xanh Pôn, Phụ sản Trung ương, Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y), số tiền mà các bệnh viện tăng thu từ cách tách nhiều dịch vụ trong 1 phẫu thuật lên tới 5,33 tỷ đồng, cùng đó người bệnh cũng bị thu thêm gần 4 tỷ đồng nữa. Chẳng hạn, một ca phẫu thuật tim chi phí tối đa là 8 triệu đồng nhưng nhiều bệnh viện tách ra thành 4 dịch vụ khác nhau để thu tổng cộng tới 50 triệu đồng từ người bệnh và BHYT…

Trong khi đó, theo Bộ Y tế, dù Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đang kết dư tới 49.000 tỷ đồng nhưng mức chi còn hạn chế, người bệnh vẫn bị thiệt thòi. Đại diện các bệnh viện cũng cho rằng bảo hiểm để tồn đọng chi phí không thanh toán, xuất toán (không thanh toán) gây khó cho cơ sở, trình độ giám định viên còn nhiều hạn chế...

Dẫn chứng những vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, ông Đặng Hồng Nam, Vụ phó Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, cho rằng tiền tạm ứng không đủ, tạm ứng nhiều lần. Hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gây bất lợi cho cơ sở y tế. Trong khi đó người giám định của bên bảo hiểm không có chuyên môn y dược, có tỉnh chỉ 50% giám định viên được đào tạo về y dược. Nhiều giám định viên từ chối thanh toán bảo hiểm mang cảm tính cá nhân, áp dụng máy móc cứng nhắc quy chế chuyên môn…theo báo Vnexpress.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, để tồn tại những vướng mắc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện nay là lỗi của cả Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Hai bên chưa ngồi lại với nhau một cách thông cảm chia sẻ. Nguyên tắc quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là số người đóng đủ để chi trả cho người thực hiện dịch vụ trong năm. Năm 2017, quỹ bảo hiểm y tế có thể mất cân đối 10.000 tỷ đồng nhưng vẫn còn kết dư 39.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, ngành đang điều chỉnh những bất cập trong nghị định thực hiện luật bảo hiểm y tế, thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế, tiếp tục xây dựng phác đồ điều trị chuẩn. Các cơ sở y tế không được lạm dụng xét nghiệm, kỹ thuật, thuốc… Về phía Bảo hiểm xã hội cũng cần thực hiện đúng trách nhiệm nhà nước giao, chi tiền xứng đáng.

Bà Tiến cho rằng sáu năm qua quỹ bảo hiểm y tế kết dư 49.000 tỷ đồng. Lý do là giá không tính đúng tính đủ, thủ tục phiền hà người dân không đi khám bảo hiểm y tế mà đi khám dịch vụ, kỹ thuật cao không được dùng... "Kết dư quỹ nhiều là thiệt thòi cho người dân. Vì thế, tăng chi là mừng vì người dân được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa tiêu thoải mái hết tiền quỹ, vì nếu cứ tăng chi như trong năm 2017 thì đến lúc âm quỹ, không có tiền”, Bộ trưởng Tiến nói.

Nên đọc


Cao Lâm (tổng hợp theo báoVnexpress, An ninh thủ đô)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo