Bảo hiểm xã hội: Doanh nghiệp FDI gặp khó
Ngày 16/12, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, lần đầu tiên, lãnh đạo BHXH Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đối thoại với hàng trăm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), theo tin tức trên báo Tiền phong.
Chia sẻ tại buổi đối thoại, bà Nguyễn Thị Minh Khương, đại diện Cty CEDO (đóng tại huyện Tiên Du, Bắc Ninh) cho biết, đây là công ty 100% vốn của Anh. Hiện có 870 lao động.
Giai đoạn đầu mới thành lập, công ty gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động (NLĐ) do nhân lực yếu. Do đó, công ty đã không khai báo kịp thời, đầy đủ về chế độ bảo hiểm của NLĐ đối với cơ quan BHXH.
“Trên bảng lương, chúng tôi có trích tiền của NLĐ, nhưng chưa kịp khai báo với cơ quan BHXH. Theo thống kê, có 1,29 tỷ đồng tiền bảo hiểm đã trích từ lương của NLĐ nhưng công ty vẫn chưa làm thủ tục để đóng cho NLĐ. Thậm chí, lao động nghỉ việc, công ty cũng không làm thủ tục báo với cơ quan BHXH”, bà Khương nói.
Theo bà Khương, hậu quả của việc làm trên là rất nghiêm trọng, vì đã khiến cho lao động nghỉ thai sản không có chế độ; lao động nghỉ việc không có sổ BHXH để thanh toán BHTN. Từ đó, NLĐ mất niềm tin vào doanh nghiệp.
Khảo sát lấy ý kiến hơn 300 doanh nghiệp FDI trong tháng 10 - 11/2016 tại các khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp FDI là: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai... được VCCI công bố tại hội nghị cho thấy ngành BHXH đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm chi phí và thời gian giải quyết chế độ, báo Thanh niên đưa tin.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Lan Anh - Phó giám đốc Văn phòng Giới chủ sử dụng lao động, vẫn còn tồn tại về thủ tục trong lĩnh vực BHXH. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ chưa nhận thấy thay đổi gì từ những cải cách này chiếm tới 28,8% đối với BHXH, 35,1% đối với BHYT và 43,8% đối với BHTN.
Bà Lan Anh cho hay nhiều doanh nghiệp phàn nàn việc cơ quan quản lý nhà nước chưa ban hành hoặc ban hành muộn các văn bản hướng dẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các văn bản pháp luật, các văn bản hướng dẫn còn chưa rõ ràng, cụ thể, chậm ban hành, không phù hợp với thực tế, nhiều quy định còn rườm rà... Trong đó, có tới 89% doanh nghiệp gặp vướng mắc với các văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn quy định chưa rõ.
Khoảng 85% doanh nghiệp cho rằng luật và nghị định không rõ ràng, chưa điều chỉnh những vướng mắc, 77% doanh nghiệp gặp phải vướng mắc hồ sơ thủ tục về BHXH rườm rà, khó đáp ứng của cơ quan BHXH.
“Đáng lưu ý, tỷ lệ doanh nghiệp “chờ” cơ quan BHXH giải quyết các vướng mắc của mình khá lớn, chiếm tới 42,7%. Ngoài ra, có 9,6% số doanh nghiệp chưa được giải quyết vướng mắc. Thậm chí đối với các doanh nghiệp đã được giải quyết, phần lớn “không đồng ý” với kết quả xử lý của cơ quan BHXH”, bà Lan Anh nói.
Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp, ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH VN, khẳng định: “Nếu doanh nghiệp không trả kết quả cho người lao động đúng thời gian, cơ quan BHXH phải chịu trách nhiệm. Luật BHXH cũng quy định xử phạt trong việc đóng, hưởng và chậm trả.
Rõ ràng cơ quan BHXH làm sai phải chịu trách nhiệm phạt hành chính, phạt lãi. doanh nghiệp có thể yêu cầu, thậm chí là khiếu kiện đến cơ quan quản lý gần nhất là Sở LĐ-TB-XH để kiến nghị xử phạt”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo