Bảo hộ mậu dịch gia tăng: Vấn nạn kinh tế mới
Kinh tế Mỹ còn gặp nhiều khó khăn, tình hình tại Trung Quốc cũng không mấy sáng sủa, châu Âu vẫn ngập chìm trong bài toán nợ công, trước những khó khăn đó, nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng đẩy mạnh bảo hộ mậu dịch.
Động thái này giống như con dao hai lưỡi: nó bảo vệ nền kinh tế trong nước, song đồng thời cũng đẩy những nỗ lực đấu tranh cho tự do thương mại vào ngõ cụt.
Những con số biết nói
Mới đây, Tổng giám đốc tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Pascal Lamy một lần nữa cảnh báo về tình trạng bảo hộ mậu dịch trong thương mại toàn cầu.
Theo ông Lamy, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã có nhiều nhân tố như khủng hoảng nợ công châu Âu, bất ổn ở thế giới Arập, động đất và sóng thần ở Nhật Bản, thiên tai ở nhiều nước trên khắp thế giới khiến thương mại toàn cầu chỉ tăng 5% trong năm 2011 so với mức tăng trung bình 6% trong suốt 15 năm qua. Trao đổi thương mại toàn cầu năm 2012 dự báo cũng chỉ tăng chưa đầy 4%.
Đặc biệt, theo số liệu mới công bố của WTO, xu hướng bảo hộ thương mại ở 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) không hề giảm sút trong 7 tháng qua.
Cụ thể, từ tháng 10/2011 đến nay, hòng nhanh chóng phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính, các nước G20 đã tung ra 124 biện pháp bảo hộ mậu dịch mới như tự vệ thương mại và tăng thuế quan. Điều này đã tác động đến 1,1% lượng hàng hóa nhập khẩu của G20, tương đương 0,9% lượng hàng hóa nhập khẩu của thế giới.
Cùng với những số liệu của WTO, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết: Từ tháng 4/2010 đến tháng 9/2011, các biện pháp bảo hộ mậu dịch đã khiến kim ngạch xuất khẩu trên thế giới giảm từ 5 - 8% và kim ngạch mậu dịch toàn cầu giảm khoảng 0,2%, tương đương 30 đến 35 tỷ USD mỗi năm.
Theo Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc, ông Wan Jifei, việc chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đang gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế thế giới. "Bảo hộ thương mại là hành động thiển cận và hẹp hòi. Nó không thể giải quyết được những vấn đề như thất nghiệp hay tăng trưởng kinh tế toàn cầu".
"Tại anh tại ả"
Tại Mỹ, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, ông Mitt Romney cam kết sẽ tuyên bố Trung Quốc là "quốc gia thao túng tiền tệ" nếu ông giành được chiếc ghế "ông chủ" Nhà Trắng trong cuộc đua vào tháng 11 tới.
Điều này cho thấy sự tức giận của nhiều người Mỹ đối với những gì mà họ cho là Trung Quốc đã cố ý định giá thấp đồng Nhân dân tệ nhằm giúp cho các công ty xuất khẩu trong nước được lợi không công bằng. Chỉ trích Trung Quốc là vậy, nhưng ngay cả tại nền kinh tế số một thế giới những chính sách bảo hộ cũng không ngừng được đưa ra để bảo vệ doanh nghiệp trong nước.
Một đề nghị trong danh sách những việc cần làm mà Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây trình lên quốc hội là giảm thuế 20% cho các doanh nghiệp chuyển được công ăn việc làm từ bên ngoài về nước.
Động thái này đã được cây bút Rushford đăng trên báo Wall Street Journal mới đây phản đối: "Trong khi Tổng thống Obama muốn các quốc gia khác mở rộng tự do thương mại nhưng ông lại sẵn sàng bảo vệ thuế quan của ngành dệt may nội địa".
Theo nhiều chuyên gia, điều nguy hiểm là bảo hộ mậu dịch sẽ dẫn tới những cuộc chiến thương mại không cần thiết và cũng không hề có lợi cho nền kinh tế thế giới. Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mới đây khi Washington áp thuế chống bán phá giá đối với các tấm điện năng lượng mặt trời của Trung Quốc là một ví dụ điển hình.
Trong khi Mỹ khăng khăng cho rằng các sản phẩm của Trung Quốc được trợ giá từ chính phủ thì Trung Quốc lại lên án Mỹ bảo hộ mậu dịch khiến ngành công nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của nước này bị tổn hại.
Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vừa qua cũng cho thấy xu hướng trở lại mạnh mẽ của tư tưởng bảo hộ mậu dịch khi cả hai ứng viên là Francois Hollande và Nicolas Sarkozy đều hùng biện mạnh mẽ về bảo hộ nhằm thu hút được 80% cử tri là những người chống toàn cầu hóa.
Tuy nhiên một điều trớ trêu thay, chính Pháp lại là nước được hưởng lợi nhiều từ việc toàn cầu hóa. Số công ty Pháp ra nước ngoài kinh doanh cao gấp 14 lần so với số doanh nghiệp nước ngoài tới Pháp làm ăn.
Khu vực Mỹ Latinh cũng không mấy sáng sủa hơn. Hiện tại, Argentina đang là nước xung kích trong số các nền kinh tế lớn nhất khu vực Nam Mỹ chống lại hàng nhập khẩu từ bên ngoài khu vực. Thậm chí, Argentina đã đề xuất với Brazil về việc thuế đánh vào hàng hóa từ bên ngoài khu vực Mercosur nên tăng từ 10% lên 35%, mức tối đa theo các quy định của tổ chức Thương mại Thế giới.
Tại châu Á, Ấn Độ, quốc gia nổi tiếng trong việc cởi mở với những "cuộc du nhập từ bên ngoài vào" vẫn không sẵn lòng cho phép các công ty nước ngoài tiếp cận nhiều hơn vào nền kinh tế của họ. Điều này thể hiện qua sự thất bại trong những nỗ lực vào năm 2011 về việc mở cửa thị trường siêu thị cho các tập đoàn toàn cầu như Wal - Mart, Tesco và Carrefour.
Các doanh nghiệp như Starbucks và Ikea hiện đã được phép mở cửa hàng ở Ấn Độ nhưng đổi lại, họ phải mua 30% hàng từ các ngành công nghiệp nhỏ nội địa của Ấn Độ.
Theo các chuyên gia, "chủ nghĩa bảo hộ tiến bộ" là "việc khuyến khích và cho phép các quốc gia tái xây dựng và tái định hình các nền kinh tế của họ bằng cách hạn chế những hàng hóa mà họ cho phép nhập vào cũng như những nguồn vốn mà họ chọn lựa để đổ vào hoặc chuyển ra khỏi đất nước.
Chủ nghỉa bảo hộ là tốt hay xấu, toàn cầu hoá có thực sự mang lại sự thịnh vượng cho nền kinh tế thế giới? Cả hai câu hỏi đó đều chưa thực sự được chứng minh. Bởi bên cạnh hàng loạt các tư tưởng ủng hộ toàn cầu hoá thì cũng có hàng triệu người biểu tình chống lại toàn cầu hoá trên khắp thế giới.
Và chừng nào cả hai câu hỏi đó còn chưa có được lời giải đáp từ thực tế thì mỗi quốc gia sẽ vẫn làm theo cách của riêng mình để tìm kiếm lợi nhuận cho bản thân.
Theo VEF
End of content
Không có tin nào tiếp theo