Quốc tế

Báo Indonesia: Chúng ta đang đối mặt với một quốc gia lớn và ngạo mạn

Indonesia từng tuyên bố có thể xúc tiến giải quyết phần nào vấn đề Biển Đông tại Hội nghị cấp cao ASEAN 21 vừa qua, song mục tiêu này không thành công mà theo giới học giả là do Jakarta đã tính toán nhầm những toan tính của Trung Quốc.

Truyền thông Indonesia đã có nhiều tin bài phản ánh dư luận ở nước này về Hội nghị cấp cao Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 21 và các Hội nghị cấp cao liên quan vừa kết thúc tại Phnom Penh (Campuchia). Theo đó, nhiều học giả đánh giá ASEAN vẫn chia rẽ về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong giải quyết vấn đề tranh chấp tại đây giữa một số nước thành viên ASEAN và Trung Quốc.   

Tờ "The Jakarta Globe" số ra mới đây đã có bài viết về vấn đề này, trong đó cho rằng các nhà ngoại giao hàng đầu của Indonesia đã ảo tưởng về vai trò đòn bẩy của nước này trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông khi thúc đẩy cuộc thảo luận về COC tại các Hội nghị cấp cao của ASEAN và ASEAN với các đối tác tại Campuchia.   

Bài viết lưu ý rằng Indonesia đã nhiều lần tuyên bố sẽ thúc đẩy việc tạo ra COC trước khi Hội nghị cấp cao ASEAN kết thúc tại Campuchia. Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nhiều lần nói rằng tất cả các nước ASEAN và Trung Quốc cần đồng ý với một COC mang tính ràng buộc pháp lý để làm giảm căng thẳng trong khu vực và ngăn chặn một nước sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn với nước khác. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa cũng đã không chỉ một lần tỏ ra lạc quan với các nhà lãnh đạo trong khu vực Đông Nam Á rằng Indonesia có thể thuyết phục Trung Quốc và các quốc gia ASEAN hợp tác về vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế những gì diễn ra tại Phnom Penh cho thấy cả Trung Quốc lẫn các nước thành viên ASEAN tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và một số nước thành viên không liên quan đều “không nghe” những gì Indonesia đã nói. 

"Mặc dù có ý định tốt, song cần phải thực tế, bởi chúng ta (Indonesia) đã đánh giá quá cao ảnh hưởng của mình và tính toán nhầm những ý định của Trung Quốc", Trưởng khoa Khoa học Chính trị và Xã hội, Đại học Pelita Harapan của Indonesia, ông Aleksius Jemadu nhận xét. Theo học giả có tên tuổi này, "Indonesia nghĩ rằng có thể thuyết phục Trung Quốc chấp nhận đề xuất về COC của mình, vì hai nước có mối quan hệ rất tốt trong nhiều lĩnh vực và Indonesia đã trở thành thị trường và điểm đến đầu tư lớn nhất của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á. Song chúng ta đã sai, bởi chúng ta đang phải đối mặt với một quốc gia lớn và ngạo mạn”.   

Ông Aleksius Jemadu cho rằng trong khi cố gắng gây ảnh hưởng, Indonesia chỉ đạt được rất ít khi đề cập tới vấn đề tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề chiến lược, bởi Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý thảo luận đa phương về Biển Đông mà nước này đã tuyên bố là của mình, và cũng sẽ không bao giờ muốn quốc tế hóa vấn đề tranh chấp khu vực biển này. Ông cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục quyết đoán giải quyết tranh chấp trên Biển Đông với các bên liên quan thông qua đàm phán song phương, trong khi các nước thành viên ASEAN, nhất là Phillippines, muốn giải quyết thông qua con đường đa phương, thậm chí quốc tế hóa, với hy vọng nhận được sự hỗ trợ của Mỹ. 

Báo trên nhấn mạnh Indonesia cũng đã thất bại trong việc thống nhất các thành viên ASEAN để có cùng một lập trường duy nhất về vấn đề Biển Đông. Đại diện của Philipppines và Campuchia thậm chí còn bất đồng gay gắt về vấn đề này. Campuchia, nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao và Chủ tịch năm 2012 của ASEAN, đã hành động như một đại diện của Trung Quốc, bởi nước này nhận được hàng tỷ USD tín dụng và viện trợ từ người láng giềng khổng lồ Trung Quốc. 

Một học giả khác của Indonesia, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc phòng Indonesia, ông Bantarto Bandoro cũng chia sẻ rằng mỗi thành viên ASEAN đều có lợi ích riêng của mình, và điều này đã ngăn cản sự thống nhất về vấn đề Biển Đông. Theo ông, "Indonesia lẽ ra phải biết rất rõ điều này”. 

Tờ "The International Herald Tribune" số ra đầu tuần này còn lưu ý rằng đề nghị của Indonesia về việc thiết lập đường dây nóng khủng hoảng để giải quyết nhanh chóng những hiểu lầm về tranh chấp lãnh thổ có thể cũng không được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên ASEAN, trong khi hai nước dường như “không đội trời chung” như Hàn Quốc và Triều Tiên có tới ba đường dây nóng khủng hoảng để tránh xung đột leo thang.

Nhiều học giả Indonesia cho rằng với vai trò dắt dẫn ASEAN vì là nền kinh tế lớn nhất và đông dân nhất trong khối, Indonesia cần phải “thực tế”, nhất là trong những gì liên quan đến Trung Quốc, trong đó đặc biệt là vấn đề Biển Đông, bởi Trung Quốc vừa tái khẳng định chiến lược vươn ra biển tại Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 18 mới đây.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Dân Trí)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo