Bạo loạn và cướp bóc lan tràn, Venezuela phải áp lệnh giới nghiêm
Video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy hàng trăm người, trong đó đa phần là nam giới, đã tràn vào siêu thị và lấy tất cả mọi thứ từ dầu ăn đến bia lon.
Binh lính, cảnh sát đặc nhiệm và lực lượng an ninh thuộc Cơ quan tình báo quốc gia (Sebin) hiện đang tuần tra thành phố Cumaná. Với lệnh giới nghiêm, xe máy, phương tiện giao thông thiết yếu đối với nhiều người dân Venezuela nhưng thường được kẻ cướp sử dụng như phương tiện chạy trốn, đã bị cấm hoạt động từ trung tâm thành phố trong vòng 72 giờ.
Trong hơn một tuần căng thẳng vừa qua, đã có ít nhất 4 người thiệt mạng tại Venezuela, tuy nhiên chính phủ khẳng định các nạn nhân này không liên quan tới các hoạt động ổn định trật tự tại các cửa hàng và kho dự trữ thực phẩm. Việc giá dầu toàn cầu - mặt hàng xuất khẩu chính của Venezuela - lao dốc và tình trạng quản lý kinh tế yếu kém trong nhiều năm qua đã khiến chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đang phải vật lộn để nhập khẩu đủ lương thực trang trải cho người dân.
Chính phủ Venezuela cho rằng chính phe đối lập và "chiến tranh kinh tế" liên quan tới chính phủ Mỹ chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng khan hiếm lương thực và thuốc men kéo dài ở quốc gia nam Mỹ này.
Để tránh bạo loạn đòi lương thực, chính phủ Venezuela đã yêu cầu các ủy ban của đảng cầm quyền phân phát thực phẩm cho người dân đang đói khát. Tuy nhiên, động thái đó khiến một bộ phận dân chúng và phe đối lập tức giận vì họ cho rằng đó là hành động tranh thủ sự ủng hộ của tầng lớp dân nghèo ở Venezuela.
Mới đây, chính phủ Venezuela cho biết, họ đã thu xếp để nhập khẩu thực phẩm thiết yếu, theo đó người dân địa phương sẽ được nhận đồ tiếp tế thông qua hệ thống phân phối thực phẩm mới của chính phủ. Quyết định này của chính phủ Venezuela đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực đã lên đến đỉnh điểm, khiến người dân nước này buộc phải ăn rác vì đói.
Quốc gia dồi dào nguồn tài nguyên dầu mỏ này đã và đang chứng kiến các cuộc biểu tình phản đối hàng ngày do thiếu lương thực, điện và các mặt hàng thiết yếu khác, trong đó các cuộc đụng độ và cướp bóc thường xuyên xảy ra. Hàng chục ngàn người vẫn đang kêu gọi Tổng thống Nicolas Maduro từ chức do họ phản đối những gì mà ông gọi là một "cuộc chiến tranh kinh tế".
End of content
Không có tin nào tiếp theo