Xã hội

Bảo mẫu đọa đày trẻ: Bộ Giáo dục....đặt lại vấn đề?

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng nhiều vụ việc trẻ bị bạo hành hiện nay là do thiếu chỗ học, phụ huynh không còn lựa chọn khác... ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục - Đào tạo) cho biết.

Không thể nói phụ huynh vô can!

PV: -Thưa ông, ngày càng nhiều những vụ bảo mẫu hành hạ trẻ, cơ quan lãnh đạo nháo nhào chữa cháy, chỉ đạo, rà soát nhưng rồi đâu lại vào đấy chẳng khác nào bắt cóc bỏ đĩa, khiến dư luận không thể yên lòng. Theo ông, căn nguyên từ đâu?
 
Ông Nguyễn Bá Minh: - Nếu chúng ta theo dõi một cách có hệ thống thì sẽ thấy những vụ việc như vậy đều xảy ra tại những nhóm lớp trông giữ trẻ mầm non tư thục, không đảm bảo các điều kiện về an toàn cho trẻ, về chất lượng chăm sóc cho trẻ, đã không được cấp phép. 
 
Hiện cả nước còn khoảng 29% nhóm lớp mầm non chưa được cấp phép vì không đảm bảo điều kiện.
 
Lý dí đầu trẻ vào thùng nước
 
Trong phân cấp quản lý, việc kiểm tra, giám sát, cấp phép cho cơ sở mầm non tại địa phương  là do địa phương quyết định, sau khi có ý kiến của cơ quan chuyên môn là Phòng giáo dục địa phương. Vì vậy, vụ việc này xảy ra trách nhiệm trước hết là thuộc về địa phương. 
 
Bên cạnh đó là sự thiếu hiểu biết của phụ huynh. Tôi phải nói rằng, không thể nói phụ huynh không có trách nhiệm trong vụ việc này. Trước khi gửi con phụ huynh không tìm hiểu rõ để lựa chọn những trường lớp đủ tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn cho con mình. 
 
PV: - Trong trường hợp cụ thể này phải xem xét đã có đủ trường lớp để phụ huynh có lựa chọn khác ngoài các cơ sở tư thục không phép, nếu chưa đủ thì rõ ràng phụ huynh đã không còn lựa chọn nào khác, thưa ông? 
 
Ông Nguyễn Bá Minh: Tất nhiên, không có nước nào đảm bảo 100% ngân sách cho giáo dục mầm non.
 
Nguyên nhân sâu xa là phải xem chúng ta có đủ nguồn lực để đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ hay không. Ngân sách eo hẹp, không thể phủ kín được giáo dục mầm non, trường công ít lại chỉ ưu  tiên cho những người có hộ khẩu tại địa phương… các khu công nghiệp không có nhà trẻ, không có quỹ phúc lợi để đảm bảo chăm sóc, trông nom con cái cho các công nhân của họ. 
 
Nếu quy trách nhiệm thì rõ ràng có trách nhiệm thuộc về quy hoạch, trách nhiệm của chính các doanh nghiệp, công ty, các khu công nghiệp… 
 
Bộ chỉ ra... văn bản
 
PV: -Không đủ ngân sách, không thể phủ kín được giáo dục mầm non nên đã mở rộng ra, cho các trường tư thục thậm chí trong dân còn tự phát nữa. Với chức năng quản lý vĩ mô thì việc ra chuẩn quy định (chuẩn nhà trẻ, không gian, đồ chơi.. chuẩn giáo viên…) sẽ được quản lý thế nào, thưa ông? 
 
Ông Nguyễn Bá Minh: - Bộ GD-ĐT có trách nhiệm ra văn bản quy phạm pháp luật chung, quy định các tiêu chuẩn đối với phòng học, giáo viên, không gian, đồ chơi… để các sở thực hiện. Sở có trách nhiệm phối hợp với phòng để thực hiện chủ trương của Bộ. Phòng giáo dục có trách nhiệm phối hợp với địa phương để kiểm tra, giám sát cấp phép cho các cơ sở này. 
 
Trong trường hợp cấp phép không đủ điều kiện cho các nhóm lớp này là lỗi của phòng giáo dục địa phương. Chính quyền địa phương là đơn vị thực hiện ký quyết định cấp phép và thực hiện chức năng quản lý, kiểm tra. 
 
Bộ không thể về từng địa phương để làm công việc này thay địa phương.
 
PV: - Công nhân phải biết chọn nơi gửi con an toàn nghĩa là không quản lý, thả nổi hay sao, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Bá Minh: Tôi cho rằng, hoàn toàn không phải thả nổi mà được quản lý rất chặt chẽ. Nhưng đây là những nhóm lớp mở chui, không có phép thì Bộ, sở có thể về kiểm tra những cơ sở chui này được không? Mà việc kiểm tra, giám sát phải là địa phương. 
 
Tôi không có ý là đẩy trách nhiệm cho phụ huynh, nhưng phụ huynh cũng phải có một phần trách nhiệm trong việc này. 
 
PV: - Nếu vậy, khi có sự cố như thế này thì ai và cấp nào phải giải quyết, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Bá Minh: - Nếu là cơ sở đã được cấp phép thì Phòng giáo dục có trách nhiệm kiểm tra, rút giấy phép hoạt động. Nhưng với cơ sở này chưa có phép thì phòng giáo dục không có quyền can thiệp vào cơ sở mầm non đó.
 
Tất nhiên, phòng giáo dục cũng phải chịu một phần trách nhiệm, đó là trách nhiệm tham mưu cho chính quyền địa phương.
 
Như vậy, khi xảy ra sự cố thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm và xử lý. 
 
Không vì một người mà đánh giá cả một nền giáo dục
 
PV:- Quy định về chủ nhóm lớp mầm non hiện nay chỉ cần tốt nghiệp THCS, như vậy chất lượng về người quản lý mầm non như vậy theo ông có dễ dãi quá không, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Bá Minh: - Các quy định đều có vấn đề lịch sử. Quy định này có từ năm 2008 ở thông tư 41 và năm 2011 sửa đổi ở thông tư 28. Trong đó quy định chủ nhóm lớp ít nhất có trình độ THCS và sau đó dự bồi dưỡng về kiến thức giáo dục mầm non và quản lý 30 ngày.
 
Trong các thời điểm đó, nếu quy định trình độ cao hơn liệu có huy động được nguồn lực từ nhân dân hay không, vì một phần rất đông các chủ nhóm lớp tuy có trình độ như thế thôi nhưng họ có đủ điều kiện cơ sở vật chất. Hơn nữa người này là những người chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự tồn tại của nhóm lớp đó, còn tác nghiệp nuôi nấng dạy dỗ trẻ là giáo viên.
 
Còn giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất đều có tiêu chuẩn riêng, thỏa mãn được các điều kiện đó mới cho thành lập nhóm lớp. Những điều kiện quy định tôi cho rằng chặt chẽ chứ không phải không chặt chẽ. Minh chứng là 29% nhóm lớp hiện nay chưa được các địa phương cấp giấy phép, có đề nghị mà chưa cấp, chứng tỏ cái điều kiện đó không phải dễ thực hiện.
 
Tôi cho rằng, vấn đề của chủ nhóm lớp không phải trình độ cao hay thấp mà cơ bản là tư cách, phẩm chất của người công dân. Thứ nữa là trách nhiệm của cá nhân họ với nhóm lớp mình mở ra. 
 
PV: - Theo ông, khi sự việc xảy ra Bộ có xem xét lại trường đã đào tạo và cấp bằng cho giáo viên này không?
 
Ông Nguyễn Bá Minh: - Theo tôi, hoàn toàn là có thể. Nhưng cũng phải đặt lại vấn đề, có nên vì một người mà đánh giá chất lượng cả nền giáo dục hay không?
 
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo